Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được coi là trung tâm, nằm trong tổng thể chiến lược an ninh của Mỹ đã xác định. Cuộc chiến tranh này sẽ kéo theo cuộc tranh chấp thương mại giữa Mỹ và các nước còn lại không kém phần quyết liệt.
Thế giới đang theo dõi “cuộc chiến thương mại” Mỹ - Trung, khởi sự từ ngày 6 tháng 7 năm 2018. Cuộc chiến đang leo thang từ hai phía, nguy cơ lôi kéo toàn cầu.
Thế giới đang theo dõi “cuộc chiến thương mại” Mỹ - Trung, khởi sự từ ngày 6 tháng 7 năm 2018. Cuộc chiến đang leo thang từ hai phía, nguy cơ lôi kéo toàn cầu. Ảnh: CNN.
Nhiều học giả đã đưa ra nhận xét, khi các cuộc dàn xếp không đi đến kết quả thì con đường cuối cùng là biện pháp chiến tranh để giành thắng lợi. Cuộc chiến tranh xâm lược để thôn tính lãnh thổ sử dụng biện pháp quân sự, trong đó dùng sức mạnh con người và vũ khí để đạt được mục đích. Còn trong cuộc chiến tranh thương mại này, vũ khí được sử dụng là tổng hợp của các biện pháp trừng phạt kinh tế (bảo hộ mậu dịch, bao vây cấm vận, áp dụng hàng rào thuế quan cao đối với hàng xuất nhập khẩu của đối phương).
Khởi sự của cuộc chiến tranh thương mại này là những quốc gia nhận thức rằng mình đã bị thiệt hại to lớn do đối phương đã gây ra, nhận thấy phải áp dụng các biện pháp kinh tế để giành lại lợi ích cho quốc gia mình, khi mà sự dàn xếp giữa hai bên bị thất bại.
Câu chuyện cụ thể ở đây là Mỹ khởi xướng chiến tranh mậu dịch với đối tượng chủ yếu là Trung Quốc. Các quốc gia khác cũng bị thiệt hại do các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc, nhưng đang ở cấp độ tranh chấp thương mại với Mỹ, chưa đến cấp độ chiến tranh như đối với Trung Quốc.
Lịch sử quan hệ Mỹ - Trung
Quan hệ Mỹ - Trung là mối quan hệ của hai nước lớn. Quan hệ này phụ thuộc vào tình hình chính trị toàn cầu, nên không ổn định, lúc coi nhau là đối tác, lúc coi nhau là kẻ thù khi mục tiêu, quyền lợi của họ trái ngược nhau. Điều này đã diễn ra trong quá khứ.
Sau thế chiến thứ hai, nhà nước Trung Hoa ra đời năm 1949. Kẻ thù của Trung Quốc và Liên Xô khi đó là Mỹ. Mỹ đe dọa độc lập, chủ quyền, an ninh của Trung Quốc.
Đặc biệt qua cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950, để chống Mỹ, Trung Quốc kết bạn với Liên Xô tạo thành hai bên chống một bên, kéo theo sự đối đầu giữa hai phe: xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu và tư bản chủ nghĩa do Mỹ đứng đầu. Nhưng mối quan hệ nồng thắm giữa Liên Xô và Trung Quốc chỉ tồn tại đến khi mâu thuẫn Xô – Trung đã lên tới đỉnh điểm, coi nhau là thù địch bắt đầu từ cuối thập niên 1950.
Trung Quốc sau đó đã tìm đến đối tác mới là Hoa Kỳ, bắt đầu từ năm 1972, trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Nixon đến Trung Quốc. Hai nước đã giao ước cùng nhau chống Liên Xô. Để có được “bạn” chống kẻ thù chủ yếu, Hoa Kỳ đã có nhiều nhượng bộ với Trung Quốc về chuyển giao kỹ thuật, thương mại, và vấn đề Đài Loan. Quan hệ Hoa Kỳ và Trung Quốc những năm sau đó đã ấm lên, đặc biệt kể từ khi chấm dứt cuộc cách mạng văn hóa Trung Quốc.
Ông Đặng Tiểu Bình trở thành nhà lãnh đạo số một của Trung Quốc, với triết lý “mèo trắng, mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột”. Câu nói này với nhiều ẩn ý sâu xa, nhưng thế giới đã nhìn rõ việc ông Đặng không quan tâm gì tới ý thức hệ. Người Mỹ hẳn rất mừng rỡ về phát biểu này của ông Đặng.
Ông Đặng đặt lợi ích quốc gia Trung Hoa là số một, Mỹ là “bạn”, là đối tác cơ bản quan trọng số một để ông khai thác phát triển đất nước Trung Quốc. Điều này đã củng cố niềm tin của Hoa Kỳ ở ông Đặng. Khi Carter làm Tổng thống nước Mỹ thì mối quan hệ này tiếp tục được củng cố bằng những cam kết chiến lược, một bên hỗ trợ về chính trị, một bên cung cấp về công nghệ, tài chính.
Sự tin tưởng phát triển đến mức Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng chung sức chống Liên Xô và khuynh đảo thế giới. Việc ông Đặng đem quân tấn công Việt Nam năm 1979 cũng là từ xu thế này vì được Hoa Kỳ ủng hộ về hành động vũ lực đó.
Kinh tế Trung Quốc kể từ đó đã được phục hồi nhanh chóng nhờ có sự hỗ trợ của Mỹ. Từ đó, sự phối hợp giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã làm cho Liên Xô suy yếu. Cho đến khi Liên Xô và hệ thống XHCN sụp đổ thì đã lại có sự phân định rõ ràng vai trò của Trung Quốc đối với Mỹ. Clinton làm Tổng thống thay cho ông Bush cha, có đường lối khác hẳn với người tiền nhiệm khi chiến tranh lạnh kết thúc.
Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ là áp đặt giá trị dân chủ, nhân quyền của nước Mỹ đối với thế giới và sử dụng nó để gây áp lực chuyển hóa, thay đổi chế độ chính trị ở những nước XHCN có ảnh hưởng tới vai trò lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ.
Riêng đối với Trung Quốc, chính quyền Clinton và sau này là Bush con vẫn kế thừa các đời tổng thống trước (Nixon, Carter, Reagan) coi Trung Quốc là “đối tác chiến lược”. Một thế hệ chính khách và học giả Mỹ đã thực hiện chủ trương “can dự xây dựng” với Trung Quốc.
Trong gần hai thập kỷ, chính phủ Mỹ đã ưu đãi cho Trung Quốc công nghệ kỹ thuật tiên tiến, dễ dãi về mậu dịch thương mại, chia sẻ với Trung Quốc thông tin tình báo, kinh nghiệm phát triển quân sự, đào tạo nguồn nhân lực và tư vấn chuyên môn. Mỹ còn viện trợ cho Trung Quốc nhiều thứ với mong muốn Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc dân chủ theo kiểu phương Tây. Điều này được hiểu là Mỹ sử dụng viện trợ kinh tế để chuyển hóa thể chế chính trị CNXH ở Trung Quốc, với tư tưởng lạc quan rằng khi nền kinh tế mạnh lên thì nền dân chủ tự do ở Trung Quốc cũng hình thành, thay thế nền dân chủ mang màu sắc Trung Quốc.
Trung Quốc đã nhận được nhiều thứ từ chính sách của Mỹ. Trung Quốc đã mạnh lên, ngày nay đã trở thành nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là chủ nợ của Mỹ và đang vươn lên trở thành cường quốc thế giới, cạnh tranh vai trò lãnh đạo thế giới với Hoa Kỳ. Các chính khách và các học giả Mỹ đã nhận rõ vấn đề. Nước Mỹ đã làm cho nền kinh tế Trung Quốc mạnh lên, nhưng thể chế chính trị và nền dân chủ của Trung Quốc không thay đổi.
Các học giả phương Tây và Mỹ đã được Trung Quốc dạy cho bài học: cải cách kinh tế không đồng hành với cải cách chính trị, đó chỉ là ảo tưởng. Người Mỹ đã bị người trung Quốc đánh lừa (thua mưu), người Mỹ đã ngộ nhận và không hiểu về người Trung Quốc. Mỹ đã nuôi dưỡng Trung Quốc lớn mạnh để rồi trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ. Đó là sự thất bại cay đắng và là thất bại mang tính chiến lược đối với Mỹ. Cả thế giới đều đã biết.
Ở giai đoạn cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Bush, Mỹ đã nhận ra điều này, nhưng chính quyền Bush không làm gì được Trung Quốc vì nước Mỹ đã suy yếu do lao vào cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq, đành phải bỏ ngỏ khu vực Châu Á Thái Bình Dương để Trung Quốc có cơ hội thế chân Mỹ ở vùng này.
Xoay trục tái cân bằng với Trung Quốc thất bại
Dưới thời Tổng thống Obama, người Mỹ cũng đã nhìn ra những sai lầm chiến lược nên đã điều chỉnh chính sách đối ngoại “xoay trục” sang Châu Á Thái Bình Dương để tạo thế “cân bằng” với Trung Quốc. Obama có triển khai một số hoạt động tuần tra ở Biển Đông mang tính biểu tượng vô hại, chẳng làm cho Trung Quốc lo lắng.
Vấn đề được cho là quan trọng trong chiến lược xoay trục sang Châu Á Thái Bình Dương của chính quyền Obama là thiết lập Hiệp định Thương mại Châu Á Thái Bình Dương (TPP). Chiến lược này mang ý nghĩa tạo ra một liên minh thương mại, một hành lang mậu dịch để đối phó với chính sách “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc.
Nhưng thật không may cho Obama bởi đến khi ông mãn nhiệm, Hiệp định này vẫn không được Quốc hội Mỹ thông qua và nhiều chính khách Mỹ phản đối vì cho rằng nước Mỹ vẫn bị thua thiệt và Hiệp định này không đủ sức mạnh ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.
Trong tám năm cầm quyền, chính quyền Obama vẫn không xoay chuyển được tình thế. Chiến lược xoay trục của Obama thể hiện sự ngập ngừng vô hại, các hành động quá ít, quá chậm và không đủ mạnh. Trung Quốc đã nắm được điểm yếu của Mỹ là tránh gây căng thẳng với họ để “tránh rủi ro”, khiến Trung Quốc càng có cơ hội triển khai chiến lược phân hóa, chia rẽ, lôi kéo các nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc. Đây lại là sự thất bại cay đắng đối với Hoa Kỳ.
Chính sách cứng rắn với Trung Quốc của Trump
Khi thể chế quyền lực của Hoa Kỳ đang suy yếu thì Donald Trump, một nhà tài phiệt, tận dụng thời cơ lấy lòng được những người dân túy ở Mỹ và lợi dụng được ngọn cờ dân tộc để trở thành Tổng thống của nước Mỹ, mà không dựa vào sự ủng hộ của đảng phái nào.
Tại buổi lễ nhậm chức Tổng thống, ông Donald Trump đã tuyên bố nước Mỹ trên hết, nước Mỹ phải hùng mạnh, phải đứng đầu thế giới. Tuyên bố của Trump không đơn thuần là làm giàu cho nước Mỹ mà còn ẩn chứa một sự đe dọa đối với thế giới. Tuyên bố của ông Trump cho thấy ông ta hiểu rõ nước Mỹ đang suy yếu và bị xem thường, bị “ăn hiếp” (thua thiệt).
Đến nay sau hơn một năm nắm quyền Tổng thống, những gì ông ta làm là chuẩn bị cho một cuộc “chiến tranh lạnh” mới “vì một nước Mỹ hùng mạnh”. Việc tuyên bố rút Mỹ khỏi các hiệp định quốc tế (biến đổi khí hậu, TPP, thỏa thuận hạt nhân Iran…), tuyên chiến với Nga, tuyên bố trừng phạt kinh tế Trung Quốc.
Vào đầu năm 2018 chiến lược an ninh của Mỹ xác định Nga và Trung Quốc là nguy cơ lớn nhất của Hoa Kỳ, tuyên bố EU là kẻ thù của Mỹ về kinh tế. Đó là lời tuyên chiến của Donald Trump với thế giới. Như vậy chiến tranh thương mại do Hoa Kỳ phát động đối với Trung Quốc là một phần của chiến lược an ninh quốc phòng của Mỹ, khi chiến lược này coi Trung Quốc là mối đe dọa số một, khu vực Châu Á Thái Bình Dương, là địa bàn chiến lược để Mỹ đối phó với Trung Quốc.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được coi là trung tâm, nằm trong tổng thể chiến lược an ninh của Mỹ đã xác định. Cuộc chiến tranh này sẽ kéo theo cuộc tranh chấp thương mại giữa Mỹ và các nước còn lại không kém phần quyết liệt. Trật tự thương mại thế giới đang biến động.
Còn nữa
Nguyễn Văn Hưởng
Sự khiêm nhường của Trung Quốc sau đòn thương mại từ Trump Cuộc chiến thương mại với Mỹ khiến Trung Quốc yêu cầu quan chức và truyền thông tiết chế việc ca tụng sức mạnh của mình. |
FT: VN là nước dễ tổn thương nhất ASEAN trong chiến tranh thương mại Nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu của Việt Nam sẽ biến nước ta trở thành nơi dễ tổn thương nhất ASEAN nếu cuộc chiến ... |