Các phòng của khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, đang quá tải bệnh nhi tay chân miệng, 2-3 bé chung một giường hoặc nằm hành lang.

Từ đầu tháng 10, số bệnh nhân tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 bắt đầu tăng. Trưa 26/10, tại dãy hành lang của khoa Nhiễm - Thần kinh, hàng dài phụ huynh xếp hàng chờ làm thủ tục nhập viện.

Bác sĩ Dư Tấn Quy, Phó trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, cho biết trung bình mỗi ngày có trên 200 bệnh nhi tay chân miệng khám ngoại trú và 40-50 ca điều trị nội trú. Thứ hai là ngày số lượng bệnh nhi tay chân miệng nhập viện và xuất viện đông nhất, với gần 40 ca nhập viện và gần 30 ca xuất viện. Hiện 51 trẻ nội trú, tăng so tuần trước 5-10 ca.

Cạnh khu nhập viện, các bác sĩ liên tục khám cho các bệnh nhi mới nhập viện. Hơn 50 nhân viên y tế luân phiên làm việc hết công suất mỗi ngày. Hành lang không rộng nên chưa nhiều phụ huynh chưa đến lượt khám phải ở bên ngoài, bế con ngồi chờ.

Theo bác sĩ Quy, biểu hiện của bệnh là tay chân miệng nổi nhiều mụn nước, sốt cao trên 30 độ, giật mình mạnh, co giật thường xuyên, nôn ói nhiều, bỏ bú... Khí ấy bé cần nhập viện điều trị sớm.

Bác sĩ Tiêu Châu Thy khám cho bé trai 12 tháng tuổi mắc tay chân miệng nặng. Bé mới nhập viện một ngày, liên tục quấy khóc, co giật, nằm phòng cấp cứu theo dõi và điều trị tích cực.

"Nhân viên y tế trực nhiều khi không có thời gian để ăn trưa vì bệnh nhi quá đông", bác sĩ Thy cho biết.

Các phòng bệnh của khoa Nhiễm - Thần kinh đều đông đúc bệnh nhi. Một phòng dành riêng cho bệnh nhân tay chân miệng, diện tích khoảng 30 m2, những lúc đông có đến hơn 20 bé điều trị.
Cùng với người thân chăm sóc, mỗi giường bệnh hiện có 2-3 bé nằm chung khiến phòng luôn đông đúc.
Bé Đỗ Thị Bảo Châu, 14 tháng tuổi, là một trường hợp nặng, đã điều trị hơn một tuần. Bé mọc mụn nước khắp cả người, nhất là chân, nên phải bôi thuốc rất nhiều.

Bé Nguyễn Ngọc Hoài Châu, 18 tháng tuổi, mệt mỏi trên giường bệnh. Cha mẹ bé liên tục dỗ dành và quạt mát để giúp con dễ ngủ trưa.

"Đây là lần đầu con tôi mắc tay chân miệng. Ngày đầu bé cứ vài giờ lại sốt một cơn. Ngày thứ hai, lòng bàn tay, bàn chân và miệng nổi mụn nước khiến bé đau đớn, quấy khóc, bỏ ăn nên gia đình đưa từ Tiền Giang lên bệnh viện Nhi Đồng khám, bác sĩ cho nhập viện luôn", chị Phạm Ngọc Tuyền, mẹ bé cho biết.

Sau gần một tuần điều trị, con trai của chị Trương Thị Cẩm Phi (quận Bình Tân) dần khỏe lại. Bé chịu ăn, uống, bớt quấy khóc, những biểu hiện của bệnh tay chân miệng dần thuyên giảm.

"Tôi cho bé nhập viện được ba ngày nay rồi. May bé bị nhẹ nên chóng khỏi", chị Phi chia sẻ.

Tại hành lang và các lối cầu thang, nhiều bệnh nhi và người nhà nằm la liệt vì phòng bệnh quá chật chội, nóng nực.
Anh Huỳnh Văn Tường cùng vợ thu xếp đồ đạc chuẩn bị đưa con về quê ở Long An sau một tuần điều trị tay chân miệng cho bé. "Bé được ra viện vợ chồng tôi vui lắm. Bác sĩ bảo về vẫn theo dõi và uống thuốc theo chỉ định", người cha 37 tuổi nói.
Bác sĩ cảnh báo trẻ biến chứng khi bố mẹ tự chữa tay chân miệng Bác sĩ cảnh báo trẻ biến chứng khi bố mẹ tự chữa tay chân miệng

Các ca bệnh tay chân miệng đều diễn biến nhẹ, điều trị không quá phức tạp, nhưng nếu không điều trị đúng cách, hay bố ...

Nắng nóng, nhiều trẻ mắc tay chân miệng Nắng nóng, nhiều trẻ mắc tay chân miệng

Ba tuần gần đây, Bệnh viện E khám 10-15 bệnh nhi tay chân miệng, trong khi trước đó không tiếp nhận ca nào.

/ vnexpress.net