Một khảo sát nhỏ trên laodong.vn, khoảng 500 người tham gia câu hỏi “Ở địa phương bạn, có chuyện cán bộ xã hành dân?” đã đưa ra kết quả rất bất ngờ: 76% cho rằng họ thường xuyên bị “hành”, 20% nói rằng “chỉ số ít”, chỉ có 4% khẳng định địa phương họ cán bộ gương mẫu.

tri benh can bo hanh dan
Vợ chồng ông Trần Tấn Huyên ở Tịnh Khê (Quảng Ngãi) bức xúc khi bị Phó Chủ tịch UBND xã “phê xấu” vào lý lịch con gái mình. Ảnh: Trần Hóa

Con số trên chỉ mang tính tham khảo, nhưng thực trạng cán bộ xã, phường tìm cách “gây khó” cho dân là có, thậm chí phổ biến.

Góp phần chấn chỉnh tình trạng này, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ cấp xã, phường hiện nay, Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

1001 kiểu… hành dân

Anh Lê Đạt, một công dân ở Hà Nội chia sẻ câu chuyện của mình: “Gia đình tôi có nguời thân mất vào tháng 11.2016, khi em trai tôi đến làm thủ tục khai tử thì phường hẹn 3 giờ chiều nhận giấy, nhưng gia đình lu bu hậu sự nên cho cháu (con của người cầm giấy hẹn) đến nhận nhưng cán bộ phụ trách yêu cầu cháu tôi chứng minh mối quan hệ với nguời mất (dù người đi lấy giấy là cháu nội) mới được nhận. Cháu tôi phải về, hôm sau em trai tôi phải đi 2 lần nữa để lấy được giấy khai tử.

Nhân đây tôi nêu lên vấn đề này để thấy hiện nay cán bộ làm việc như cái máy, thực chất là quan liêu, rất phiền hà trong thủ tục hành chính. Cải cách thế nào để nguời dân không phải đi lại nhiều lần khi có việc cần như vậy mới là tạo thuận tiện cho nguời dân khi đến giao dịch với cơ quan công quyền”.

Chuyện gây khó, nhất là khi câu chuyện cán bộ phường Văn Miếu (Đống Đa, Hà Nội) hồi tháng 7.2017 đã “trì hoãn” chứng tử cho người đã khuất khiến gia đình bức xúc phản ánh lên mạng xã hội thì không ít người chung quan điểm là “đến nghĩa tử là nghĩa tận còn bị gây khó dễ thì chuyện khác sẽ còn khó đến thế nào?”.

Thế nhưng hiện nay, kiểu “hành dân” phổ biến nhất chính là việc xin chữ ký, điển hình là khi cần thì cán bộ xã, phường “mất hút”. Hay câu chuyện ở Hải Phòng mà Lao Động đã phản ánh hồi tháng 8: Trong khi dân sốt ruột chờ thì cả phường Nghĩa Niệm ở Hải Phòng điềm nhiên bỏ trụ sở để… đi Đồ Sơn chơi.

Và mới đây, là “nạn bút phê” vào lý lịch. Không chỉ một nơi mà xảy ra ở nhiều địa phương mà người dân khốn khổ chỉ vì mấy dòng nhận xét của cán bộ xã, phường. Thậm chí những lời nhận xét ấy đeo đẳng cả đời, khiến cuộc sống của họ phải qua một lối rẽ khác.

tri benh can bo hanh dan
Tỉ lệ hài lòng của người dân với cán bộ xã theo khảo sát của Lao Động.

Tại Hà Nội, lãnh đạo xã Duyên Hà (Thanh Trì) điềm nhiên ghi vào xác nhận đơn nhập học: “Bản thân và gia đình chưa chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương” dù yêu cầu của dân chỉ là cần xã xác nhận có phải là người dân cư trú tại đây không.

Tại Quảng Ngãi, khi đến UBND xã Tịnh Khê xin xác nhận sơ yếu lý lịch xin việc cho con gái, ông Trần Tấn Huyên không hiểu vì sao bị Phó Chủ tịch xã “phê xấu” trong lý lịch, làm ảnh hưởng quá trình xin việc của con ông sau này. Cụ thể, Chủ tịch xã phê một cách chung chung nhưng rất “ác”: “Gia đình chưa chấp hành tốt chủ trương của địa phương”.

Còn cán bộ xã ở Kim Lộc (Hà Tĩnh) thì ghi ngay vào lý lịch người dân: “Gia đình chưa chấp hành các khoản đóng nộp của thôn”. Hay tại xã Yên Thịnh (Yên Định, Thanh Hóa), giữa tháng 8.2017 anh Đỗ Văn Đồng có đơn cầu cứu gửi các cơ quan chức năng về việc UBND xã này bút phê được cho là sai quy định vào bản khai sơ yếu lý lịch của em trai khiến việc nhập học gặp nhiều khó khăn…

Và cũng tại Thanh Hóa, một người dân vô cùng bức xúc khi “bỗng nhiên” bị biến thành con nghiện khi cán bộ xã phê vào lý lịch mấy dòng “kịch độc”: “Có quan hệ với người nghiện” mà không chứng minh được quan hệ thế nào (Lao Động sẽ có tuyến bài riêng về chuyện này).

Và còn bao nhiêu người dân “bị hành”, bị làm khó nữa?

Tất cả những “bút phê lạ” như trên đều trái quy định của pháp luật. Tại Công văn số 1520/HTQTCT-CT ban hành ngày 20.3.2014 của Cục Hộ tịch, Quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) nêu rõ: “UBND cấp xã không được ghi nội dung về việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương vào sơ yếu lý lịch của công dân”.

Khi dư luận phản ánh, chính quyền địa phương cũng nhanh chóng xử lý những công chức cấp xã, phường hành dân.

Quy chuẩn lại cán bộ công chức xã, phường

Nhưng câu hỏi lớn là: “Việc quan chức cấp xã, phường hành dân là do thói quan liêu, hách dịch tồn tại từ lâu hay do hạn chế về trình độ, hạn chế về sự hiểu biết về pháp luật?”.

Chính vì thế, khi Bộ Nội vụ soạn thảo dự thảo “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn” thì người dân rất quan tâm.

Theo dự thảo này thì để đảm bảo công bằng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức xã, phường thì Bộ Nội vụ nghiên cứu đề nghị bỏ quy định cộng điểm ưu tiên trong tuyển dụng vì hiện nay Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho con, em các gia đình chính sách (miễn, giảm học phí, trợ cấp hằng tháng…).

tri benh can bo hanh dan
Những dòng nhận xét của cán bộ xã với dân ghi trên lý lịch.

Ngoài ra, để làm cán bộ xã, phường cũng cần qua thi tuyển chặt chẽ hơn. Dự thảo nêu: “Thực hiện chủ trương đổi mới về nội dung và hình thức thi tuyển công chức theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức và nâng cao chất lượng công tác tổ chức thi, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thi tuyển công chức để phòng, chống tiêu cực trong thi tuyển, Bộ Nội vụ đề nghị sửa đổi, quy định về các môn thi và hình thức thi trong kỳ thi tuyển công chức theo hướng người dự thi phải thi các môn điều kiện trước (môn kiến thức chung, tin học), sau khi đạt (50 điểm trở lên) các môn thi điều kiện mới được thi môn nghiệp vụ chuyên ngành để quyết định người trúng tuyển.

Đối với trường hợp đặc biệt trong tuyển dụng, Bộ Nội vụ cũng đề xuất nghiên cứu bổ sung quy định công chức cấp xã được bầu vào chức vụ cán bộ xã khi thôi đảm nhiệm chức vụ được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện bố trí sang làm công chức cấp xã khi đủ điều kiện, tiêu chuẩn và vị trí chức danh phù hợp. Trường hợp không đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn thì giải quyết chế độ, chính sách theo quy định hiện hành.

Dự thảo cũng đưa ra một số phương án về số lượng công chức cấp xã. Hiện cả nước có 234.217 cán bộ cấp xã (tính đến tháng 12.2016). Phương án 1 đưa ra là số lượng cán bộ, công chức cấp xã loại 1 được giữ nguyên, giảm 1 người ở cấp xã loại 2 và 3. Theo phương án này sẽ giảm khoảng 7.698 cán bộ, công chức. Phương án 2: Số lượng cán bộ, công chức ở cấp xã loại 1, loại 2 được giữ nguyên, giảm 1 người ở cấp xã loại 3. Phương án này sẽ giảm khoảng 2.003 cán bộ, công chức.

(https://laodong.vn/xa-hoi/tri-benh-can-bo-hanh-dan-551315.ldo)

Theo Linh Anh/Lao động