Bước qua quán cà phê văng vẳng bài hát “Phố xa”, tôi đứng lại, nghe hết ca khúc rồi mới đi tiếp được.
Lê Quốc Thắng viết "Phố xa" năm 1989 vì tình cờ gặp bóng dáng một cô gái trên dốc phố Đà Lạt. Đà Lạt có hai điều rất đặc biệt: hầu như không sử dụng điều hòa nhiệt độ và không đèn xanh, đèn đỏ. Đường phố không có dạng bàn cờ, lên xuống uốn lượn như đi xa mãi. Có lẽ vì thế, "phố xa, phố xa ngỡ như thật gần", chỉ một thoáng ngẫu nhiên đã làm nên ca khúc tuyệt vời.
Đó là lần tôi ở Đà Lạt non một tháng làm nhiệm vụ nghiên cứu chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên cuối năm 2004. Nguồn lực đất đai rất lớn, nhưng sức mạnh đô thị hóa làm các nhóm nông dân vốn canh tác theo luật tục cộng đồng, sinh kế dựa vào rừng đều phải bán dần đất, lùi sâu vào rừng núi. Trải qua thời bao cấp khó khăn, nhiều kiến trúc giá trị bị xẻ làm chỗ ở, chỗ làm cho các cơ quan. Đà Lạt đã thành một không gian rất bề bộn, bươn bả với cơm áo.
Tôi nhớ lại lần đầu tiên tới thành phố. Tết Bính thìn năm 1977, một năm rưỡi sau thống nhất đất nước với nhiệm vụ tiếp thu tư liệu địa lý đang lưu trữ tại Nhà địa dư Đà Lạt. Tòa nhà quý trước là Nha Địa dư Đông Dương - một trong những kiến trúc đầu tiên của Đà Lạt - giờ là xí nghiệp in bản đồ. Tôi đã ở đây 6 tháng, đi tới những hang cùng, ngõ hẻm, gặp nhiều trí thức ẩn mình.
Đà Lạt khi đó còn nguyên các kiến trúc xưa với cư dân không lớn. Cuộc sống chưa ồn ào. Một thành phố có không gian phát triển vừa phải trong thung lũng oval ở độ cao khoảng 1.400 mét. Ngoài kia là Tây Nguyên đại ngàn với tiếng nhạc cồng chiêng và tre nứa, ở đây là đô thị đầy chất thơ. Thiên nhiên đặc biệt, kiến trúc chứa văn hóa Pháp biến điệu vào văn hoá bản địa khiến Đà Lạt trở nên quyến rũ. Ngay địa danh "Đà Lạt", tưởng bắt nguồn từ Pháp ngữ song lại do người dân tộc đặt tên. "Đa Lạch" - tức "nguồn nước của người Lạch" - một nhóm thuộc dân tộc Cơ Ho. Từ đây, một thành phố được định vị chuyên biệt về văn hoá, du lịch, nghỉ dưỡng cho toàn cõi Đông Dương hình thành.
Nhưng càng tới Đà Lạt, tôi cảm giác bản sắc cứ phai dần. Những lợi ích kinh tế trước mắt từ đầu tư hiện đại đang choán chỗ các di sản, các dự án gây tranh cãi vẫn tiếp tục ra đời. Hồn cốt, văn hóa thành phố dường như bị lép vế trước đồng tiền trong túi các đại gia. Tôi bắt đầu lo lắng. Làm sao bảo vệ sự khác biệt đã hơn một thế kỷ, sao cho phần hồn đô thị này còn mãi?
Trải qua thăng trầm lịch sử, nhiều kiến trúc quý đã xuống cấp, quy hoạch cũ gần như bị lãng quên. Quy hoạch thế nào cho Đà Lạt giai đoạn tới là câu hỏi đang đặt ra với chính quyền, người dân và những ai yêu mến Đà Lạt, coi đây là một di sản quốc gia. Đó là lý do tôi cho rằng, quy hoạch Đà Lạt đang cần một triết lý mạch lạc.
Thứ nhất, giữ nguyên được tư duy quy hoạch nguyên bản theo ba trục đô thị để tiếp tục tạo nên một thành phố khác biệt. Tôi xem lại, thấy quy hoạch ban đầu của người Pháp phù hợp đến mức khó thay đổi. Trục chính của Đà Lạt là suối Cam Ly nối qua nhiều hồ tới các thác nước tự nhiên ngoài xa. Đây là trục tự nhiên, không được xây dựng. Lấy tâm là hồ Xuân Hương, trục xoay về phía Đông là tuyến phát triển đô thị hạng sang cho người giàu. Trục về phía Bắc là tuyến phát triển đô thị bình dân.
Thứ hai, phục dựng những kiến trúc cổ xưa đã biến dạng hay mất mát, chỉ cấp phép xây dựng ở những nơi không làm tiêu hao giá trị di sản. Trong thăng trầm hơn 120 năm, đã có lúc người Pháp muốn biến Đà Lạt thành thủ đô của liên bang Đông Dương, rồi có lúc bị bỏ hoang, cư dân không đủ gạo ăn, các kiến trúc sang trọng kiểu Pháp bị sử dụng cho những mục tiêu bình dân nhất. Nhiều công trình tinh xảo bị đập bỏ chỉ vì không hợp với cuộc sống khó khăn. Giờ đây là thời điểm thích hợp để chữa lành đô thị.
Thứ ba, lấy hệ sinh thái đô thị - rừng - nông nghiệp - dịch vụ - du lịch bền vững làm nền tảng cho phát triển, tạo các liên kết cộng sinh kết nối Đà Lạt với các vùng khác. Đà Lạt khác biệt ở kinh tế nông nghiệp đặc thù. Đây là thành phố vườn với hoa, rau, cây ăn trái chất lượng cao. Công nghệ cao chính là động lực để thúc đẩy nông nghiệp, đưa hoa, rau và nông sản ra cả nước và xuất khẩu.
Đà Lạt đặc biệt không chỉ vì quy hoạch, kiến trúc kiểu Pháp, tôi muốn nhấn mạnh rằng đó là kiến trúc Pháp biến điệu theo bản địa, chính vì vậy tạo nên sự khác biệt hoàn toàn. Tại hội thảo chúng tôi bàn về quy hoạch Đà Lạt tuần trước, lãnh đạo thành phố cho rằng giữ di sản thì lấy tiền đâu mà giữ. Họ nói, hai khách sạn kiến trúc Pháp cổ và sang trọng nhất, mỗi khách sạn 30 tới 40 phòng, cho thuê giá năm sao vẫn lỗ. Tôi bảo, thay vì nhìn vào lát cắt vụn vặt, nếu biến Đà Lạt thành hệ sinh thái cộng sinh, các hoạt động sẽ bổ trợ cho nhau phát triển. Khi ấy, "tiền" sẽ rất bền vững.
Cảnh quan và kiến trúc, nông nghiệp công nghệ cao, văn hoá và du lịch hoàn toàn có thể tạo nên một hệ sinh thái: đô thị thân thiện - nông nghiệp - dịch vụ du lịch như một vòng khép kín của hình thái kinh tế tuần hoàn. Tôi tin đó là tương lai bền vững của thành phố cao nguyên này.
Nhìn trên cả thế giới và Việt Nam, chưa có đô thị nào giống Đà Lạt. Đó là lý do ta phải xua đuổi bằng được tư duy đánh đổi Đà Lạt vô giá để lấy một Đà Lạt hiện đại có thể hạch toán ngay bằng tiền.
Đặng Hùng Võ