Công an tỉnh Hoà Bình cho biết đã triệu tập một số người nghi có liên quan đến vụ đổ trộm dầu gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà.

Liên quan đến vụ việc đổ trộm dầu lên đầu nguồn nước sông Đà khiến hàng loạt hộ dân ở Hà Nội sống trong cảnh lao đao vì thiếu nước sạch sinh hoạt, sáng 18.10, một lãnh đạo Công an tỉnh Hòa Bình cho biết căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ thu thập được, Công an tỉnh Hòa Bình đã triệu tập một số người nghi có liên quan để đấu tranh, làm rõ việc vụ xả thải dầu bẩn gây ô nhiễm nguồn nước cấp đến nhà máy nước sạch sông Đà.

Trước đó, ngày 16.10 cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/QĐ-CSĐT về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235 Bộ luật hình sự. Vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm, cung cấp thông tin có liên quan đến vụ việc.

Điều 235 Tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định Bộ luật hình sự 2015 quy định:  

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm nếu xả thải ra môi trường từ 5.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên;

Xả nước thải ra môi trường có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 2 lần đến dưới 4 lần;

Xả ra môi trường từ 5.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14;

Thải ra môi trường từ 300.000 mét khối (m3)/giờ đến dưới 500.000 mét khối (m3)/giờ bụi, khí thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 10 lần trở lên...

Cũng theo Điều 235, khung hình phạt nặng nhất là bị phạt tiền từ 1-3 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 3-7 năm. 

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình, việc chôn lấp tạm thời cát lẫn dầu thải của Nhà máy nước sông Đà không đúng quy định; yêu cầu công ty khẩn trương thu gom; xử lý cát nhiễm dầu đã chôn lấp trong khuôn viên nhà máy.

Chiều 17.10, trao đổi với phóng viên Lao Động, luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết hành vi đổ trộm dầu thải vào nước là hành vi xâm phạm tới an toàn, sức khỏe, tính mạng của người dân. Bước đầu, cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự theo Điều 235, Bộ Luật Hình sự về Tội gây ô nhiễm môi trường.

Theo luật sư Huế, để xác định được cụ thể hành vi vi phạm sẽ phải xác định được chất đổ ra môi trường là chất gì, chất này có nằm trong danh mục Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hay không.

Thứ hai, cơ quan điều tra sẽ xác định chất thải này khối lượng là bao nhiêu. Thứ ba là cần xem xét về thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tài sản của nhà nước, doanh nghiệp, sức khỏe của người dân do sự việc trên. Từ những hành vi như vậy mới có thể quy chiếu được lỗi cụ thể của đối tượng thực hiện việc đổ dầu thải ra môi trường.

Luật sư Nguyễn Danh Huế cho biết, theo Khoản 3, Điều 235, Bộ Luật Hình sự về Tội gây ô nhiễm môi trường, khung hình phạt nặng nhất là bị phạt tiền từ 1-3 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 3-7 năm.

"Đây chỉ là việc điều tra ban đầu. Trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra có thể xem xét tới những chủ thể khác như doanh nghiệp cung cấp nước, cơ quan quản lý nhà nước về trách nhiệm trong vụ việc này" - luật sư Huế nói.

Các công ty nước sinh hoạt và cuộc đua nghìn tỉ
Công an Hòa Bình triệu tập những người liên quan vụ đổ trộm dầu bẩn gây ô nhiễm nước sông Đà
Vì sao nước sông Đà đạt 107/107 chỉ tiêu nhưng chưa được ăn uống?

 

/ laodong.vn