Giới phân tích cho rằng chính quyền Mỹ không hiểu tình hình nếu có suy nghĩ rằng có thể khôi phục một chiến dịch gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên

Cả Triều Tiên và Mỹ ngày 27-5 tiếp tục có những động thái làm trỗi dậy hy vọng hồi sinh cuộc họp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump vừa mới đổ bể vài ngày trước đó.

Vun đắp

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin ông Kim quyết tâm tiến hành hội đàm lịch sử Triều Tiên - Mỹ, trong khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in công bố tại cuộc họp báo ở Seoul rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên tái xác nhận cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng như cuộc gặp được hoạch định với ông Trump. Ông chủ Nhà Xanh cho biết tại cuộc gặp gỡ bất ngờ một ngày trước với ông Kim, 2 bên đã nhất trí rằng cuộc gặp ngày 12-6 tới cần diễn ra thành công và nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng như sự tìm kiếm nền hòa bình trường tồn không nên ngừng lại. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày cũng ra tuyên bố nhấn mạnh cuộc đối thoại trực tiếp giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên mang tính chất quyết định để giải quyết vấn đề hạt nhân.

Trong khi đó, Tổng thống Trump thể hiện công việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh với ông Kim vẫn đang diễn ra. "Chúng tôi đang hướng đến ngày 12-6 ở Singapore. Điều đó không hề thay đổi" - ông Trump nói với báo giới. Thêm một dấu hiệu cho thấy thượng đỉnh Mỹ - Triều có thể quay lại khi Nhà Trắng hôm 26-5 cho biết đội tiền trạm của Nhà Trắng đang tới Singapore đúng như kế hoạch để chuẩn bị nếu thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra.

trieu tien co phuong an b

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại cuộc gặp thượng đỉnh

ở Bàn Môn Điếm hôm 26-5. Ảnh: REUTERS

Động cơ

"Bắt mạch" sự sốt sắng từ phía Bình Nhưỡng bất chấp thay đổi trước đó của ông chủ Nhà Trắng, báo The New York Times cho rằng việc giữ cho hy vọng về cuộc gặp này sống sót cho thấy ông Kim đang thực sự cần một thỏa thuận với Washington. Bên cạnh nỗi lo ngại căng thẳng mới leo thang với Mỹ có thể dẫn tới chiến tranh, lệnh trừng phạt ngày càng gay gắt nhằm vào nước này là một trong những nguyên nhân. "Triều Tiên có thể sống được dưới lệnh trừng phạt của Mỹ, đặc biệt là nếu được Trung Quốc giúp đỡ. Thế nhưng, khi lệnh trừng phạt vẫn còn đó, ông Kim Jong-un không bao giờ có thể đạt được tăng trưởng kinh tế như đã hứa hẹn với nhân dân của ông" - ông Shin Beom-chul, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu chính sách Asan ở Seoul, nhận định.

Tuy vậy, Bình Nhưỡng hôm 27-5 đã lên tiếng chỉ trích các cơ quan truyền thông Mỹ Fox News, CBS và CNN khi nhận định Bình Nhưỡng đang tìm kiếm sự viện trợ về kinh tế từ Mỹ để đổi lấy phi hạt nhân hóa. Tờ Rodong Sinmun bình luận: "Truyền thông Mỹ đang xây dựng dư luận rằng Triều Tiên bước đến bàn đàm phán với Mỹ với hy vọng nhận được viện trợ kinh tế. Mỹ yêu cầu tiến hành đàm phán Triều Tiên - Mỹ trước đó chứ. Về phần viện trợ kinh tế, Triều Tiên không bao giờ mong đợi điều đó". Giới phân tích nhận xét ông Kim không chỉ mong muốn mà còn cần có một thỏa thuận về ngoại giao với Mỹ. Họ quả quyết rằng dù lệnh trừng phạt có đau đớn đến đâu, ông Kim sẽ không muốn từ bỏ vũ khí hạt nhân trừ phi có một thỏa thuận khiến ông ta cảm thấy an toàn tuyệt đối.

Còn về quyết định hủy bỏ kế hoạch thượng đỉnh Mỹ - Triều mà ông Trump đột ngột đưa ra trong tuần rồi, các chuyên gia phân tích cho rằng vị tổng thống chỉ gây chút trắc trở rồi sẽ quay lại đối thoại. Hủy bỏ rồi lại tỏ ý cuộc gặp vẫn có thể diễn ra, Tổng thống Mỹ được cho là đang nhắm mục tiêu tăng vị thế cho Washington nếu cuộc họp tiến tới. Tuy vậy, theo chuyên gia về Triều Tiên Joel Wit thuộc Trung tâm Stimson (Mỹ), trong khi chính quyền ông Trump vẫn chưa biết giải bài toán Triều Tiên ra sao, ông Kim Jong-un lại cao tay hơn người ta tưởng. "Họ có phương án B đề phòng hội nghị thượng đỉnh thất bại hoặc Tổng thống Trump tỏ ra ngang ngạnh và rút khỏi hội nghị. Họ đang có mối quan hệ tốt với Trung Quốc, với Nga và với Hàn Quốc. Tôi nghĩ chính quyền Mỹ không hiểu tình hình nếu có suy nghĩ rằng có thể khôi phục một chiến dịch gây sức ép tối đa" - ông Wit nhận định. Bên cạnh đó, Tổng thống Hàn Quốc dù đang tròn vai trong nỗ lực thúc đẩy thượng đỉnh Mỹ - Triều nhưng sự thân mật quá mức của ông với nhà lãnh đạo họ Kim lại có thể gây khó dễ cho chiến dịch gây sức ép tối đa của Mỹ.

"Dracula" giúp ông Trump ghi điểm

Có một niềm tự hào mà Tổng thống Trump muốn truyền thông ít nhất cũng phải công nhận cho mình, đó là về những tù nhân Mỹ được chính quyền nước này giải thoát khỏi nhà tù ở nước ngoài kể từ khi ông nhậm chức.

Sau khi đón nhận 3 công dân Mỹ được Triều Tiên trao trả hồi đầu tháng này, ông chủ Nhà Trắng hôm 26-5 tiếp tục tiếp đón vợ chồng Joshua Holt - vừa được Venezuela phóng thích trở về sau 2 năm bị giam cầm ở nước này. "Chúng tôi đã giải thoát cho 17 tù nhân trong thời gian chính quyền Trump lãnh đạo" - Tổng thống Mỹ nói khi ngồi cạnh Holt - trường hợp mà ông gọi là một ca khó, trong Phòng Bầu dục của Nhà Trắng.

Theo hãng thông tấn AP, một kênh đàm phán bí mật qua "cửa hậu" do Thượng nghị sĩ kỳ cựu của Đảng Cộng hòa và một quan chức Venezuela có biệt danh "Dracula" đã vượt qua mối quan hệ thù địch giữa chính phủ 2 nước để đi đến việc trả tự do cho Holt. Người đàn ông 26 tuổi này tới Venezuela năm 2016 để kết hôn với bạn gái quen qua mạng tên là Thamara Caleno nhưng kết cục anh lại bị giam cầm suốt 2 năm với cáo buộc liên quan tới vũ khí.

Khoảng một tuần trước, cơ hội để Holt được phóng thích cực kỳ mong manh khi anh bị chính quyền Venezuela gán mác "người cầm đầu gián điệp" của CIA ở Mỹ Latin, sau khi lộ clip phản đối Tổng thống Maduro từ nhà tù. Nhưng tình thế thay đổi đáng kinh ngạc hôm 25-5 sau khi Thượng nghị sĩ bang Tennesse kiêm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker đến Venezuela. Ông Maduro bất ngờ đồng ý trao trả Holt và vợ cho ông Corker như một động thái bày tỏ thiện chí thúc đẩy đối thoại và tôn trọng lẫn nhau giữa 2 nước.

Mặc dù ông Corker là người đã đàm phán tuyết phục Venezuela thả người thành công chỉ sau 10 giờ có mặt ở nước này nhưng việc đàm phán thực tế đã bắt đầu từ vài tháng trước do ông Caleb McCarry - phụ tá hàng đầu của ông Corker về các chính sách liên quan đến Mỹ Latin. Đồng hành với ông McCarry trong suốt tiến trình đàm phán phức tạp đó là người có biệt danh "Dracula" - ông Rafael Lacava, Thống đốc bang Carabobo của Venezuela và là đồng minh đáng tin cậy của ông Maduro.

trieu tien co phuong an b Ước mơ lướt sóng trong hòa bình ở khu phi quân sự Hàn - Triều

Nhiều người đam mê lướt sóng vẫn thường xuyên lui tới bờ biển gần khu phi quân sự DMZ ở biên giới liên Triều bất ...

trieu tien co phuong an b Putin yêu cầu bảo đảm an ninh và chủ quyền cho Triều Tiên

Putin kêu gọi bảo đảm an ninh và chủ quyền cho Triều Tiên Tổng thống Nga khẳng định quá trình phi hạt nhân hóa Triều ...

LỤC SAN

/ http://nld.com.vn