Theo KCNA, vụ phóng vệ tinh do thám của nước này vào sáng 31/5 đã diễn ra không thành công do tên lửa đẩy gặp sự cố và rơi xuống biển sau đó.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên (KCNA) nói thêm, tên lửa đẩy mang theo vệ tinh do thám Chollima-1 đã khởi động tốt trong giai đoạn 1, tuy nhiên đến giai đoạn tách tầng đẩy thứ 2 thì gặp sự cố.
“Tên lửa đẩy mang theo theo vệ tinh Chollima-1 đã rơi xuống vùng biển phía tây do mất lực đẩy của động cơ sau khi phóng, giai đoạn tách tầng thứ 2 của tên lửa đã diễn ra không thành”, KCNA nói thêm.
Vụ phóng thử nghiệm vệ tinh do thám của Triều Tiên hôm 18/12/2022. (Ảnh: KCNA)
Đây là vụ phóng vệ tinh thứ sáu của Triều Tiên và là vụ phóng đầu tiên kể từ năm 2016. Theo Reuters, vụ phóng có mục đích đưa vệ tinh do thám đầu tiên của Triều Tiên lên vũ trụ.
KCNA cho biết giới chức Triều Tiên sẽ xem xét vụ việc và sớm thực hiện lại vụ phóng.
Nhật Bản và Hàn Quốc cũng xác nhận việc một tên lửa Triều Tiên rơi xuống biển Hoàng Hải. Quân đội Hàn Quốc cho biết vật thể bay chưa xác định của Triều Tiên đã “hạ cánh một cách bất thường” ngoài bờ biển phía tây nước này.
CNN dẫn thông báo của quân đội Hàn Quốc cho biết Bình Nhưỡng đã tiến hành phóng một tên lửa mang theo vệ tinh mới vào 6h29 sáng 31/5. Hai phút sau còi báo động không kích vang lên ở Seoul, một tin nhắn thông báo sơ tán của chính quyền thành phố cũng được gửi đến người dân sau đó.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã cảnh báo rằng họ sẽ đánh chặn bất kỳ tên lửa nào của Triều Tiên đi vào lãnh thổ nước này sau khi Bình Nhưỡng thông báo kế hoạch phóng vệ tinh trong khoảng thời gian từ ngày 31/5 đến ngày 11/6 để tăng cường giám sát các hoạt động của Mỹ.
Hôm 30/6, ông Ri Pyong-chol, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương đảng Lao động Triều Tiên cho biết các cuộc tập trận quân sự chung đang diễn ra giữa Mỹ và Hàn Quốc đòi hỏi Bình Nhưỡng phải có “phương tiện có khả năng thu thập thông tin về các hành động quân sự của đối phương theo thời gian thực”.
Quan chức Triều Tiên chỉ trích "hành động liều lĩnh" của Washington và Seoul, tuyên bố Bình Nhưỡng cần mở rộng những biện pháp do thám và thu thập thông tin, cũng như cải thiện vũ khí phòng thủ và tiến công để tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Trước vụ phóng hôm 31/6, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết bất kỳ vụ phóng nào của Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo sẽ vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
https://vtc.vn/trieu-tien-phong-ve-tinh-quan-su-that-bai-ar786422.html