Hôm 19/6, truyền thông Triều Tiên đưa tin, nước này đã cử các đội y tế và nhà điều tra dịch tễ học tới tỉnh Nam Hwanghae, nơi đang có ổ dịch bệnh đường ruột.

Theo Reuters, đến nay, ít nhất 800 gia đình tại tỉnh Nam Hwanghae, Triều Tiên, phải đối mặt chứng bệnh lạ gọi là "dịch đường ruột cấp tính". Họ đều đã nhận được trợ cấp.

Các quan chức Hàn Quốc cho rằng bệnh này có thể là tả hoặc thương hàn.

c12328983-05440150
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chỉ đạo chuẩn bị thuốc để gửi tới thành phố Haeju. (Ảnh: KCNA/Reuters).

Các ca bệnh đường ruột đầu tiên được ghi nhận lần đầu tiên vào hôm 16/6, gây thêm căng thẳng cho Triều Tiên khi họ đang phải đối phó làn sóng nhiễm COVID-19.

Hôm 19/6, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA đã nêu nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh, bao gồm cách ly, "sàng lọc chuyên sâu cho tất cả người dân", điều trị và giám sát đặc biệt đối với những người dễ bị tổn thương như trẻ em và người già.

KCNA cho hay, một "đội chẩn đoán và điều trị nhanh" quốc gia đang làm việc với các quan chức y tế địa phương và họ đang thực hiện các biện pháp để đảm bảo rằng hoạt động canh tác không bị gián đoạn trong khu vực nông nghiệp trọng điểm do dịch bệnh. 

Báo cáo cũng thông tin rằng, công tác khử trùng đang được thực hiện để đảm bảo an toàn cho nước uống và nước sinh hoạt tại khu vực. 

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trước đó đã chỉ thị các quan chức “kiềm chế dịch bệnh càng sớm càng tốt”. Trong khi đó, bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên, được cho là một trong số những quan chức cấp cao đã đích thân tặng thuốc để hỗ trợ đẩy lùi dịch bệnh. 

Tỉnh Nam Hwanghae là vùng nông nghiệp quan trọng của Triều Tiên. Do đó, đợt dịch mới làm gia tăng lo ngại về tình trạng thiếu lương thực trong bối cảnh làn sóng COVID-19 lan rộng.

Gần đây, Triều Tiên khẳng định, làn sóng COVID-19 ở nước này có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lo ngại tình hình dịch tại quốc gia Đông Bắc Á đang ngày càng trầm trọng.

"Chúng tôi cho rằng tình hình đang trở nên nghiêm trọng chứ không phải tốt hơn", Giám đốc phụ trách các trường hợp khẩn cấp của WHO Michael Ryan cho hay. 

Ông Ryan nói thêm, Triều Tiên chỉ cung cấp thông tin rất hạn chế khiến WHO khó có thể đưa ra đánh giá rủi ro đầy đủ về tình hình dịch ở nước này.

Một quan chức bộ thống nhất Hàn Quốc mới đây nói, Seoul sẵn sàng hỗ trợ Bình Nhưỡng xử lý đợt bùng phát dịch bệnh mới nếu Bình Nhưỡng đồng ý. Hàn Quốc trước đó đã đề nghị gửi vaccine và các viện trợ y tế khác tới Triều Tiên để giúp nước này đối phó với COVID-19. Bình Nhưỡng chưa chính thức phản hồi.

Phương Anh / VTC News