Trưởng phòng Nghiên cứu Pháp luật Hình sự, Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật cho biết, trường hợp của Trịnh Xuân Thanh là đầu thú chứ không phải tự thú.

Một vị tướng Bộ Công an cho hay, việc Trịnh Xuân Thanh đầu thú, khai báo sẽ giúp làm sáng tỏ vụ án này. Hiện nay, sau khi Trịnh Xuân Thanh đầu thú, cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ đang tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo theo đúng quy định của pháp luật.

Theo nguồn tin riêng của VTC News từ Bộ Công an, việc đầu thú của Trịnh Xuân Thanh được xem là tình tiết giảm nhẹ hay không còn phải chờ kết luận của cơ quan điều tra để hoàn tất hồ sơ và quyết định của thẩm phán.

trinh xuan thanh dau thu lieu co duoc giam nhe toi

Ông Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú sau 300 ngày lẩn trốn

Trao đổi với VTC News về vấn đề này, TS Đinh Thế Hưng, Trưởng phòng Nghiên cứu Pháp luật Hình sự, Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật cho biết, trong trường hợp của Trịnh Xuân Thanh là đầu thú chứ không phải tự thú. Bởi trước đó, Bộ Công an đã phát lệnh truy nã đối với nhân vật này.

“Đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình. Có thể hiểu là khi đã biết mình phạm tội nhưng biết không thể trốn tránh được nên đến cơ quan có thẩm quyền trình diện để cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Trịnh Xuân Thanh thuộc trường hợp này”, TS Đinh Thế Hưng nói.

Theo TS Đinh Thế Hưng, các tình tiết giảm nhẹ đối với Trịnh Xuân Thanh nếu có thì sẽ được xem xét theo quy định tại Khoản 2 Điều 46 của Bộ Luật Hình sự 1999, sửa đổi năm 2009.

"Nhưng tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ cũng rất linh hoạt, tùy theo từng vụ án chứ không phải áp đặt cứng nhắc theo như quy định.

Có những vụ án khi đối tượng ra đầu thú, có thể được xem là tình tiết giảm nhẹ, nhưng có những vụ án, dù có đầu thú cũng không được xem là tình tiết giảm nhẹ", ông Hưng nói.

TS Hưng dẫn ví dụ đối với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà hậu quả để lại lớn thì đầu thú có thể vẫn không được xem là tình tiết giảm nhẹ.

Trước đó, ngày 31/7, Bộ Công an phát đi thông báo Trịnh Xuân Thanh (sinh năm 1966, ở quận Tây Hồ, Hà Nội đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đầu thú.

Trước khi được Bộ Công Thương luân chuyển vào Hậu Giang và được HĐND tỉnh này bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh vào tháng 5/2015, ông Thanh là Chánh văn phòng Ban cán sự Đảng, thường trực Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Bộ Công thương.

Ông Thanh từng là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí.

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và tài liệu điều tra, Trịnh Xuân Thanh và nhóm cán bộ chủ chốt của PVC đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo... gây thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013).

Tháng 9/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam Trịnh Xuân Thanh về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng.

Tháng 3/2017, sau khi xét xử vụ án lừa đảo tại dự án Thanh Hà - Cienco 5 Land, HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội đã công bố quyết định khởi tố vụ án hình sự để làm rõ hành vi Tham ô tài sản với Trịnh Xuân Thanh.

Điều 46 Bộ Luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi năm 2009) về “Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự”:

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

a) Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả;

c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;

đ) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra;

e) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;

g) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;

h) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;

i) Phạm tội vì bị người khác đe doạ, cưỡng bức;

k) Phạm tội do lạc hậu;

l) Người phạm tội là phụ nữ có thai;

m) Người phạm tội là người già;

n) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;

o) Người phạm tội tự thú;

p) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;

q) Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm;

r) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;

s) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác.

2. Khi quyết định hình phạt, Toà án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.

3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật hình sự quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.

/ Lưu Thuỷ - Minh Đức/VTC News