Tuần qua, người ta nhắc nhiều đến vấn đề trọng tài ở bóng đá Việt với không ít lời miệt thị, gièm pha để nói về những sai sót trên sân cỏ.
Thế nhưng, cũng cần chia sẻ về nghề trọng tài, một công việc quá đặc thù gắn với cả danh dự cùng xã hội, dù chỉ là nghề làm thêm “đầy… quyền lực”.
Trọng tài - “nghề… part-time”
Nguyễn Lê Nguyên Thành là một trợ lý trọng tài tại V.League. Nghề cầm cờ đứng trên đường biên chỉ là nghề phụ của anh, nghề nghiệp chính của trợ lý trọng tài này là kinh doanh phòng Gym và Yoga, nguồn thu nhập chính cho gia đình. Anh Thành chọn theo nghề trọng tài phần nhiều vì đam mê và bởi đam mê nên anh gắn bó dù áp lực vô cùng lớn. Cũng giống như nhiều trọng tài khác, anh Thành luôn đối mặt với nhiều vấn đề mỗi khi gặp sự cố, sai sót trên sân cỏ.
Hiện, đang có 26 trọng tài chính, 31 trợ lý làm việc tại V.League và 28 trọng tài, 26 trợ lý làm việc tại giải hạng Nhất Quốc gia - họ đều làm việc cho Ban trọng tài VFF dạng… part-time (làm thêm). Bởi lẽ, họ chỉ tham gia công tác trọng tài khi có giải và vào các dịp cuối tuần, nghề nghiệp chính của đa số đều ở các Sở VHTT, các trường học.
Trọng tài Nguyễn Văn Kiên bị VPF không mời làm nhiệm vụ vô thời hạn. |
Theo ông Nguyễn Văn Mùi - Trưởng ban Trọng tài VFF, hầu hết các trọng tài V.League hiện nay đều làm việc chính trong ngành TDTT. Khi tham gia công tác trọng tài, họ phải được sự đồng ý từ phía cơ quan chủ quản.
Hiện nay, thu nhập theo trận đấu của trọng tài chính ở V.League là 8 triệu đồng, hạng Nhất là 6 triệu đồng; trợ lý ở V.League (6 triệu đồng), hạng Nhất (4 triệu đồng), giám sát ở V.League (6 triệu đồng), hạng Nhất (4 triệu đồng). Đây là mức thu nhập chưa tính thuế. Trung bình, một trọng tài chính (cấp FIFA) có thể bắt chính tối đa 1 tháng 3 trận và làm trọng tài bàn 1 trận, thu nhập sẽ rơi vào khoảng hơn 30 triệu đồng (trước thuế). Đây được xem là mức thu nhập khá trên mặt bằng xã hội hiện nay, đó là còn chưa kể mức thu nhập của các trọng tài này tại các cơ quan mà họ đang biên chế.
Ông Nguyễn Văn Mùi chia sẻ, các trọng tài yêu nghề, bám trụ với nghề này một phần do thu nhập nhưng chính đam mê đã khiến họ đôi khi phải bỏ ngoài tai những lời gièm pha, miệt thị để bám trụ khi có sai sót trên sân cỏ. Bởi đây là một nghề nghiệp đặc thù, mang tính rủi ro cao, nhất là trong môi trường bóng đá Việt Nam.
Bỏ nghề vì áp lực
Năm 2016, trọng tài Phùng Đình Dũng mắc sai lầm nghiêm trọng khi không công nhận bàn thắng của đội S.Khánh Hoà BVN trong trận đấu với Quảng Nam ở vòng 18 V.League vì cho rằng đội chủ nhà chơi thiếu fair-play. Trọng tài kỳ cựu này không được VPF mời làm nhiệm vụ đến hết mùa giải. Sau đó, ông Dũng đã bị Ban trọng tài VFF “giáng cấp” bằng việc đưa xuống bắt ở giải hạng Nhất 2017. Đấy cũng là mùa giải cuối cùng trọng tài Dũng đủ tuổi cầm còi. Tuy nhiên, vì áp lực quá lớn từ dư luận và báo chí, ông đã bỏ luôn nghề.
Trọng tài Phùng Đình Dũng là giảng viên Khoa Giáo dục thể chất của ĐHQG Hà Nội. Chính vì thế, những thông tin từ báo chí, dư luận đã ảnh hưởng không nhỏ đến nghề giáo viên cũng như gia đình ông. Bởi trên cương vị là giáo viên thể dục, chuyên giảng dạy cho các trường đại học thuộc ĐHQG Hà Nội, ông Dũng phải đối mặt với hàng nghìn sinh viên, trong đó số lượng theo dõi và đam mê bóng đá thì không phải nhỏ. Không chỉ trọng tài Phùng Đình Dũng giải nghệ sớm, sau mùa giải 2016, trọng tài Đinh Văn Dũng cũng bỏ nghề vì bị kỷ luật đẩy xuống điều hành tại giải hạng Nhất.
Sau quyết định giải nghệ sớm của trọng tài Phùng Đình Dũng, Trưởng ban Trọng tài VFF Nguyễn Văn Mùi đã nhiều lần thuyết phục, bởi một trọng tài ở cấp độ FIFA có nhiều kinh nghiệm như ông Dũng không có nhiều. Thậm chí, ông Mùi còn từ Đà Nẵng ra Hà Nội nói chuyện nhưng ông Dũng không thay đổi quyết định. Sau khi chia tay nghiệp trọng tài, ông Dũng vẫn chưa có ý định quay lại với bóng đá. Bởi dù hết tuổi làm trọng tài nhưng ông Phùng Đình Dũng vẫn có thể làm giám sát.
Dù có những sai sót trên sân cỏ, cựu trọng tài Phùng Đình Dũng vẫn được giới trong nghề đánh giá cao, với nhiều kinh nghiệm. Thế nhưng theo ông Mùi, nghề trọng tài luôn bạc, cả mùa làm tốt không sao chỉ một trận đấu thôi có thể mất nghiệp vì áp lực dư luận. Cứ nhìn cách các trọng tài bị kỷ luật đã bỏ luôn nghề là đủ hiểu.
“Các trọng tài theo nghề này không chỉ chịu trách nhiệm danh dự với gia đình mà còn cả cơ quan nơi họ làm việc. Có trọng tài vì mắc sai sót lỗi nhận định, bị báo chí và dư luận nói nhiều quá mà ảnh hưởng không nhỏ đến công việc, có người vì thế mà không được kết nạp Đảng, không được bổ nhiệm. Hơn hết chính gia đình, vợ con họ cũng nhận được không ít lời gièm pha. Thế nên nghề trọng tài dù không phải nghề nghiệp chính nhưng lại có ảnh hưởng đến cuộc sống và quá nhiều thứ. Và đó là nghề nghiệp đặc trưng cần nhận được sự chia sẻ” - ông Mùi chia sẻ.
Sau sự rạn nứt giữa VPF và Ban trọng tài mới đây, VFF đã có công văn chấn chỉnh công tác trọng tài. Theo ông Mùi, điều này có ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý nhiều trọng tài đang điều hành tại V.League và hạng Nhất QG. Bởi các trọng tài bây giờ ra sân, tâm lý ai cũng sợ sai sót, dù là lỗi nhận định thì cũng rất dễ dẫn đến những hiểu lầm về mặt tư tưởng.
CLB Hà Nội: \'Trọng tài bắt như vậy, thì họp báo làm gì\' Huấn luyện viên Dương Minh Ninh của HAGL cho rằng tiền vệ Thành Lương bên phía CLB Hà Nội xứng đáng nhận thẻ đỏ ở ... |
Ông bầu, trọng tài và V.League Các ông bầu khiến sân chơi V.League sôi động, họ cũng tạo tầm ảnh hưởng sâu rộng đến giới trọng tài. Thế nhưng, không ít ... |
Tấn bi kịch mang tên Ban trọng tài VFF Những bê bối xung quanh chất lượng trọng tài điều khiển các trận đấu gần đây tại V.League 2018 khiến người hâm mộ lo lắng ... |