Trump và nhiều quan chức Mỹ nói chuyện với Arab Saudi về sự biến mất của Khashoggi giữa lúc sự việc khiến quan hệ giữa Riyadh và Ankara căng thẳng.
Nhà báo Jamal Khashoggi phát biểu tại London, Anh hôm 29/9. Ảnh: Reuters. |
"Chúng tôi đang đưa ra mọi yêu cầu. Chúng tôi không thể để điều này xảy ra với các phóng viên hoặc bất cứ ai", AFP dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 10/10 cho biết và Trump đã đề nghị Arab Saudi giải thích về việc nhà báo Jamal Khashoggi mất tích hôm 2/10 sau khi tới lãnh sự quán Arab Saudi tại Thổ Nhĩ Kỳ.
"Chúng tôi rất thất vọng về sự việc. Chúng tôi không muốn điều đó và sẽ tìm hiểu đến tận cùng", Trump cho biết, nói thêm rằng ông đã thảo luận "hơn một lần" và "ở các cấp độ cao nhất" với phía Arab Saudi. Tổng thống cũng cho hay ông đang sắp xếp một cuộc họp tại Nhà Trắng với Hatice Cengiz, vợ chưa cưới của Khashoggi.
22 thượng nghị sĩ đã kêu gọi Tổng thống Mỹ sử dụng Đạo luật Trách nhiệm Nhân quyền Toàn cầu, hay còn gọi là luật Magnitsky, nhằm mở cuộc điều tra và xem xét việc áp dụng các lệnh trừng phạt.
Đạo luật này được sử dụng trong các trường hợp bị nghi ngờ "giết người trái phép, tra tấn hoặc vi phạm các vấn đề nhân quyền được quốc tế công nhận, chống lại một cá nhân đang thực hiện quyền tự do ngôn luận".
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và con rể của Trump Jared Kushner đều đã nói chuyện với Thái tử Mohammed bin Salman của Arab Saudi trong hai ngày qua.
Khashoggi, nhà báo người Arab Saudi cộng tác với Washington Post, đã tới Mỹ sống lưu vong vào năm ngoái do lo sợ bị trả thù vì bất đồng quan điểm với chính phủ. Ông đến lãnh sự quán Arab Saudi tại Istanbul hôm 2/10 để làm thủ tục đăng ký kết hôn với hôn thê người Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó mất tích.
Ankara cho rằng nhà báo 60 tuổi này chưa hề rời khỏi tòa nhà. Nguồn tin từ cảnh sát còn nghi ngờ ông bị giết hại bởi nhóm gồm 15 người do chính phủ Arab Saudi cử đến. Trong khi đó, Riyadh khẳng định Khashoggi đã rời đi vào cùng ngày và những cáo buộc giết người là "vô căn cứ". Sự việc khiến các nhóm nhân quyền và báo chí phẫn nộ.
Ánh Ngọc
Nghi vấn nhà báo Ả Rập Xê Út bị bắt cóc và giết trong lãnh sự quán ở Thổ Nhĩ Kỳ Áp lực gia tăng lên Ả Rập Xê Út khi xuất hiện những kêu gọi mở một cuộc điều tra quốc tế và Riyadh bị ... |