Trump nhiều lần bày tỏ hy vọng Mỹ - Trung ký thỏa thuận thương mại tại APEC, nhưng ông không lường được việc nước chủ nhà Chile hủy sự kiện. 

Chile vốn có kế hoạch tổ chức các hội nghị của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ngày 16-17/11 và Công ước khung Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP-25) ngày 2-13/12 tại Santiago. Tuy nhiên, Tổng thống Sebastian Pinera hôm qua tuyên bố hủy cả hai sự kiện vì nước này đang đối mặt làn sóng biểu tình tồi tệ. Biểu tình khởi phát từ việc sinh viên phản đối việc tăng giá vé tàu điện ngầm, sau đó nhanh chóng chuyển thành bạo lực vượt tầm kiểm soát. Người dân xuống đường yêu cầu cải cách kinh tế và Pinera từ chức.

Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị G20 ở Nhật hồi tháng 6. Ảnh: AFP.

APEC, diễn đàn hội tụ lãnh đạo 21 nền kinh tế để thúc đẩy thương mại và đầu tư, cho biết họ ủng hộ quyết định của Chile nhưng không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy sẽ có hội nghị thay thế trong năm nay. COP-25 là nơi đại diện 190 quốc gia thảo luận về cách giảm phát thải khí toàn cầu. Liên Hợp Quốc đang tìm kiếm địa điểm mới cho hội nghị, nhưng cho biết sự kiện có thể bị trì hoãn.

Jorge Heine, cựu bộ trưởng Chile và hiện là giáo sư chính trị tại Đại học Boston, đánh giá quyết định có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến vị thế quốc tế của Chile, nước vốn được coi là một trong những quốc gia ổn định nhất ở Mỹ Latin.

"Không thể dễ dàng sắp xếp lại các hội nghị vì các lãnh đạo đã kín lịch", ông nói. "Lòng tin của cộng đồng quốc tế vào Chile có thể bị suy giảm và điều đó sẽ không dễ phục hồi".

Thực tế, tâm điểm chú ý của APEC năm nay không phải là chương trình nghị sự của hội nghị mà là cuộc gặp được chờ đợi từ lâu giữa Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hồi giữa tháng, Trump thông báo Mỹ - Trung đang làm việc để hoàn tất thỏa thuận thương mại giai đoạn một, gồm các nội dung về dịch vụ tài chính, tiền tệ và nông nghiệp. Ông hy vọng thỏa thuận có thể được ký kết trong hội nghị thượng đỉnh với ông Tập.

Không có cuộc họp quốc tế nào trong tương lai gần để ông Trump và ông Tập có thể gặp nhau bên lề, vì Trump không tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Thái Lan vào tuần tới. Trump đã đình chỉ kế hoạch tăng thuế từ 25% lên 30% đối với khoảng 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15/10. Nhưng Nhà Trắng chưa trì hoãn hoặc hủy kế hoạch áp thuế với khoảng 156 tỷ USD hàng Trung Quốc từ ngày 15/12.

Một nguồn tin giấu tên cho biết Nhà Trắng dự định gợi ý một số địa điểm của Mỹ như Alaska hay Hawaii làm địa điểm tổ chức APEC thay thế. Tuy nhiên, các chuyên gia thương mại nhận định việc tổ chức sự kiện như vậy trong thời gian ngắn là rất khó khăn.

"Các hội nghị thượng đỉnh, đặc biệt là hội nghị có sự tham gia của 21 lãnh đạo, đòi hỏi công tác chuẩn bị kỹ càng và việc tổ chức sự kiện thay thế chỉ trong hai tuần là hoàn toàn bất khả thi", Matthew Goodman, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nói.

Nhà Trắng "rõ ràng ra dấu hiệu rằng họ thực sự muốn cuộc gặp Trump - Tập diễn ra", Goodman nói. "Nhưng có vẻ như nhiều khả năng họ sẽ để các bộ trưởng thương mại hoặc đại sứ ký thỏa thuận giai đoạn một và 'để dành' cuộc họp thượng đỉnh đến sau này".

Trong khi đó, Trung Quốc đề xuất hai lãnh đạo gặp nhau tại Macau, theo một nguồn tin thương mại Trung Quốc giấu tên.

Michael Hirson, từ nhóm tư vấn Eurasia Group, cho rằng thay đổi vào phút chót có thể khiến Mỹ - Trung trì hoãn việc ký kết thỏa thuận thương mại, nhưng có 70% cơ hội hai bên ký thỏa thuận trước khi hết năm. "Cả hai lãnh đạo đều có động lực để thúc đẩy kế hoạch đàm phán, tránh leo thang tình hình, gây rủi ro kinh tế và chính trị", ông viết.

Việc trì hoãn ký thỏa thuận có thể khiến các doanh nghiệp và thị trường tài chính tiếp tục bất an vì không chắc chắn chiến tranh thương mại sẽ diễn biến như thế nào. "Có nguy cơ các cuộc đàm phán cấp thấp hơn sẽ tiếp tục kéo dài mà không có kết quả cụ thể", Edward Alden, chuyên gia từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nói.

Chính phủ Mỹ thường sẽ giúp Chile giải quyết khủng hoảng chính trị để hội nghị thượng đỉnh có thể tiến hành, Alden nói. "Tuy nhiên, Nhà Trắng hiện giờ đang bận bịu với việc Trump bị điều tra luận tội và khủng hoảng do chính họ tạo ra".

Một số chuyên gia đánh giá việc APEC bị hủy không phải chướng ngại vật quá lớn. "Tôi luôn coi Chile chỉ đơn giản là nơi ông Trump và ông Tập cùng có lịch trình", Brendan McKenna, chiến lược gia tiền tệ tại Wells Fargo Securities ở New York, cho biết. "Nếu cả hai bên đều sẵn sàng ký thỏa thuận thì họ sẽ xoay xở ra cách để làm việc đó".

Mỹ - Trung gần đây cho biết họ đã đạt được tiến bộ đáng kể khi đàm phán các chi tiết của thỏa thuận, trong đó có yêu cầu Trung Quốc tiếp tục mua nông sản Mỹ, đưa ra các cam kết về sở hữu trí tuệ và tiền tệ, để đổi lấy việc Trump từ bỏ áp thuế với hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, để hoàn tất việc này trước kỳ hạn 16-17/11 luôn được coi là thách thức.

Vì vậy, Jude Blanchette, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, đánh giá "trong cái rủi có cái may", việc trì hoãn cuộc họp Trump - Tập khiến các nhà đàm phán có thêm thời gian làm việc. "Nếu hai bên thực sự có ý định ký kết thỏa thuận giai đoạn một, việc APEC bị hủy chỉ là vấn đề đau đầu về hậu cần, không phải là yếu tố có thể khiến thỏa thuận đổ bể", ông cho biết.

"Nếu một hoặc cả hai bên cảm thấy họ không kịp đạt thỏa thuận vào giữa tháng 11, việc hội nghị bị hủy là lý do tuyệt vời để có thêm thời gian", Blanchette nói thêm.

Phương Vũ (Theo Reuters/Bloomberg)

Ông Trump hy vọng ký thỏa thuận thương mại với Trung Quốc giữa tháng 11
Việt Nam được gì sau 20 năm tham gia APEC?
Chuyến công du trắc trở của Tập Cận Bình tại APEC
Trung Quốc bác tin quan chức cố xông vào phòng ngoại trưởng nước chủ nhà APEC
Mỹ nói Trung Quốc khiến APEC không ra được tuyên bố chung

/ vnexpress.net