Sau phiên đấu giá biển số xe đầu tiên thành công, điều được dư luận quan tâm là nếu người trúng đấu giá biển số xe nhưng bỏ cọc xử lý thế nào? Biển số trúng đấu giá có được coi là tài sản thừa kế?

Bộ luật dân sự 2015 quy định, tài sản gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản và cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật.

Ngoài ra, theo Nghị quyết 73/2022/NQ/QH15 quy định về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số xe ô tô thì biển số này "không được chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế biển số xe ô tô trúng đấu giá, trừ trường hợp chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho, để thừa kế xe ô tô gắn biển số trúng đấu giá".

Đồng thời, khoản 3, điều 28 thông tư 24/2023 của Bộ Công an quy định về việc chuyển quyền sở hữu đối với xe gắn biển số trúng đấu giá như sau: “Tổ chức, cá nhân đã nhận chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số xe trúng đấu giá, không được tiếp tục chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số xe trúng đấu giá cho tổ chức, cá nhân khác; được chuyển quyền sở hữu xe theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, có thể hiểu, biển số xe trúng đấu giá sẽ được coi là di sản thừa kế của người sở hữu kèm theo xe chứ riêng biển số thì không được thừa kế. Ngoài ra, biển số kèm theo xe chỉ được sang tên một lần chứ không được sang tên đến lần thứ 2.

 
Đấu giá biển số 30K-555.55 ảnh 1
Đấu giá biển số 30K-555.55

Bên cạnh đó, Khoản 4 Điều 6 Thông tư này cũng nêu rõ trách nhiệm của chủ xe “khi bán, tặng cho, thừa kế, trao đổi, góp vốn, phân bổ, điều chuyển xe (gọi chung là chuyển quyền sở hữu xe), chủ xe phải giữ lại chứng nhận đăng ký xe, biển số xe (không giao cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu xe) và nộp cho cơ quan đăng ký xe chứng nhận đăng ký xe, biển số xe để làm thủ tục thu hồi. Trường hợp chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số xe trúng đấu giá thì chủ xe nộp cho cơ quan đăng ký xe chứng nhận đăng ký xe để làm thủ tục thu hồi

Với trường hợp người trúng đấu giá biển số xe nhưng bỏ cọc, không nộp đủ tiền trong thời gian quy định, theo Nghị định 39/2023/NĐ-CP, đối tượng tham gia đấu giá nộp tiền đặt trước cho tổ chức đấu giá tài sản. Tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia đấu giá tự chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính trung thực việc kê khai thông tin để đăng ký tham gia đấu giá.

Tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá tài sản mở tại ngân hàng kể từ khi đăng ký tham gia cho đến trước thời điểm tổ chức đấu giá 3 ngày. Trường hợp trúng đấu giá, tiền đặt trước được chuyển vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an để nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định. Người tham gia đấu giá sẽ không được nhận lại tiền đặt cọc nếu từ chối kết quả trúng đấu giá.

Trong vòng 15 ngày kể từ ngày thông báo kết quả trúng đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp đầy đủ số tiền nộp trúng đấu giá sau khi đã trừ đi số tiền đã đặt trước. Trường hợp người trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì kết quả trúng đấu giá bị hủy.

Khi đó, họ không được nhận lại số tiền đặt cọc đấu giá trước đó đã nộp, số tiền đặt cọc sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước. Điều 19, Nghị định 39/2023 nêu rõ “biển số xe ô tô trúng đấu giá được đưa ra đấu giá lại; số tiền đặt trước, số tiền trúng đấu giá mà người trúng đấu giá đã nộp không được hoàn trả lại và được nộp vào ngân sách”.

https://www.anninhthudo.vn/trung-dau-gia-bien-so-xe-dep-nhung-bo-coc-xu-ly-the-nao-post552111.antd

H.L / anninhthudo.vn