Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh nước này sẵn sàng đối thoại cùng Mỹ để thu hẹp bất đồng trong quan hệ song phương, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng thừa nhận một mối quan hệ ổn định giữa Washington và Bắc Kinh có ý nghĩa quan trọng với toàn thế giới.
Hãng tin CNN ngày 11/11 dẫn lời cựu Ngoại trưởng, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề khí hậu John Kerry, xác nhận, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ sớm tiến hành một cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến. Trước đó, ngày 10/11, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân cũng tuyên bố, Bắc Kinh và Washington đang “duy trì liên lạc liên quan đến việc sắp xếp một cuộc gặp của nguyên thủ hai nước”.
Tuy hai nước chưa nêu rõ thời điểm diễn ra cuộc gặp, nhưng CNN cùng một loạt hãng truyền thông lớn của Mỹ dẫn các nguồn tin ngoại giao cấp cao khẳng định nó sẽ diễn ra vào đầu tuần tới và các quan chức Mỹ-Trung đang cấp tập phối hợp chuẩn bị cho sự kiện được đặc biệt chú ý này.
Cùng thời điểm xuất hiện thông tin về hội nghị thượng đỉnh Trung-Mỹ, lãnh đạo hai nước trong những thông điệp mới nhất đều “bắn” đi những tín hiệu thiện chí, thể hiện thái độ sẵn sàng cải thiện quan hệ, thay cho những lời chỉ trích. Tại bữa tiệc thường niên của Ủy ban Quốc gia về quan hệ Mỹ-Trung tổ chức tại New York cách đây hai hôm, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương đích thân đọc một thông điệp gửi sự kiện của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó khẳng định, Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với Mỹ để thu hẹp bất đồng, cũng như ứng phó với những thách thức toàn cầu, Politico đưa tin. “Quan hệ Mỹ-Trung đang ở thời điểm lịch sử quan trọng”, ông Tập nêu thông điệp. “Cả hai nước sẽ hưởng lợi từ hợp tác và cùng thua nếu đối đầu. Hợp tác là lựa chọn đúng đắn duy nhất”.
Bức thư của Tổng thống Biden gửi bữa tiệc thì nhấn mạnh tầm ảnh hưởng toàn cầu của quan hệ Mỹ-Trung. “Từ ứng phó COVID-19 đến việc giải quyết mối đe dọa hiện hữu của khủng hoảng khí hậu, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có ý nghĩa toàn cầu”, ông Biden nói. “Giải quyết những thách thức đó và nắm bắt những cơ hội đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải đoàn kết hơn nữa, mỗi người sẽ làm phần việc của mình để xây dựng một tương lai an toàn, hòa bình và tràn đầy sức sống”.
Kể từ sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đã hai lần điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc, theo Bloomberg. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hai nhà lãnh đạo đã cùng dự một số sự kiện quốc tế, nhưng bằng hình thức trực tuyến nên chưa có dịp tiếp xúc trực tiếp. Trong bối cảnh quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới tiếp tục xấu đi do những bất đồng liên quan đến vấn đề thương mại, cân bằng vũ khí, tình hình Tân Cương, Hong Kong hay Đài Loan, giới chức Mỹ-Trung đều tin rằng cách tốt nhất để ngăn mối quan hệ song phương tiếp tục lún sâu vào xu hướng đối đầu là sớm tiến hành một cuộc gặp thượng đỉnh.
Tờ Politico nhận định, sẽ khó có đột phá lớn ngay sau cuộc gặp tới đây giữa ông Tập và ông Biden, song nó có thể đặt nền móng đưa quan hệ Mỹ-Trung từng bước từ đối đầu sang hợp tác, như nới lỏng các hạn chế về thị thực, thiết lập cơ chế đối thoại song phương liên quan đến vũ khí hạt nhân và xây dựng một khuôn khổ khả thi hướng đến “hạ nhiệt” cuộc chiến thương mại. Một số hãng tin khác cho rằng, hai ông có thể thảo luận về việc mở lại các cơ sở ngoại giao của nước này tại nước kia bị đóng cửa do căng thẳng ngoại giao, song khả năng này khó xảy ra.
Trong diễn biến liên quan, Đại diện Thượng mại Mỹ, bà Katherine Tai, ngày 11/11 bày tỏ lạc quan về các cuộc thảo luận thương mại với Trung Quốc, đồng thời khẳng định Washington muốn Bắc Kinh tuân thủ nghiêm các điều khoản trong thỏa thuận thương mại “Giai đoạn Một” đạt được dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Theo thoả thuận đó, Trung Quốc cam kết mua bổ sung 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ đến hết năm 2021 để giảm thâm hụt thương mại giữa hai bên. Tuy nhiên, thống kê được công bố bởi chuyên gia kinh tế Chad Bown thuộc Viện Kinh tế quốc tế Peterson cho thấy, đến ngày 30/9, Trung Quốc mới hoàn tất 60% mục tiêu.
Khi được hỏi liệu chính quyền Tổng thống Biden có xem xét nới lỏng thuế quan với hàng hóa Trung Quốc như một cách để giảm áp lực lạm phát lên nền kinh tế Mỹ hay không, bà Tai nói cơ quan Đại diện Thượng mại Mỹ đang cân nhắc một số mức thuế đang áp dụng với hàng hoá Trung Quốc. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cách đây vài tháng từng đánh giá việc đánh thuế bổ sung lên một số mặt hàng Trung Quốc đã “làm tổn thương chính người tiêu dùng Mỹ”.
Mỹ -Trung Quốc đạt thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu Trong một tuyên bố chung được công bố tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26) ở Glasgow (Anh), Mỹ và Trung Quốc ngày 11/11 xác nhận đã đạt được một thỏa thuận nhằm nhân đôi nỗ lực chống biến đổi khí hậu bằng “các hành động cụ thể”. Thỏa thuận cũng kêu gọi tiến hành quy định “cụ thể và thực tế” trong việc khử cacbon, giảm phát thải khí methane và chống phá rừng. Theo Reuters, Mỹ và Trung Quốc là hai nước phát thải carbon lớn nhất thế giới, chiếm đến hơn 40% tổng lượng phát thải carbon toàn cầu. |
Trung Quốc xây thêm 300 giếng phóng tên lửa Ảnh vệ tinh do Liên minh Các nhà khoa học Mỹ (FAS) công bố hôm qua cho thấy Trung Quốc đạt nhiều bước tiến đáng ... |
Ba nước có lượng khí phát thải lớn nhất thế giới cam kết chống biến đổi khí hậu Ba nước có lượng khí phát thải gây ô nhiễm môi trường lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đã có ... |