Thông tin Trung Quốc mở cửa hoàn toàn biên giới từ 8/1 khiến nhiều chủ vựa trái cây vui mừng sau thời gian dài chật vật với việc xuất khẩu qua cửa khẩu.
Anh Tuấn, chủ vựa xoài Nhật Huy (Đồng Nai) nói: “Chúng tôi thật sự rất vui mừng, thoải mái. Thời gian qua phải gồng mình lên trước những khó khăn trong việc xuất hàng vì đại dịch COVID-19, đến nay tôi cũng có thể làm việc bình thường rồi".
Theo anh Tuấn, dù thời gian đầu sau khi Trung Quốc mở cửa, có thể hàng hóa sẽ ùn ứ vì nhiều người tranh thủ xuất khẩu hàng qua biên giới nhưng điều này không đáng lo ngại. Vì đáng mừng nhất là các loại phí dịch vụ vận chuyển sẽ được giảm đáng kể. Chẳng hạn như trước đây đi hàng qua cửa khẩu phải mất phí kiểm dịch và một số loại phí phát sinh thì nay không phải chịu các loại phí này nữa.
“Tính ra mỗi kg hàng hóa giảm được 1.000 đồng phí dịch vụ, mỗi xe hàng phải giảm được khoảng 30 triệu đồng, như vậy là quá tốt rồi", anh Tuấn nhẩm tính.
Các chủ vựa trái cây đều vui mừng vì việc vận chuyển hàng hóa lên cửa khẩu sẽ dễ dàng hơn sau khi Trung Quốc mở cửa biên giới. (Ảnh minh họa)
Không những chi phí giảm mà thời gian chờ của các xe hàng cũng giảm đáng kể. Anh Tuấn cho hay trước 8/1, để thực hiện đủ các thủ tục thì một xe hàng phải mất khoảng 1 tuần mới có thể qua biên giới. Nhưng bây giờ, thời gian hoàn tất quá trình thông quan chỉ mất khoảng 3-4 ngày.
“Từ giờ đến Tết, tôi sẽ gom khoảng 4 container, khoảng độ 28, 29 Tết tập kết ở khu vực cửa khẩu để ra Giêng là có hàng xuất luôn. Như vậy là ăn Tết ngon rồi, không phải lo nữa", anh chia sẻ.
Chị Nông Thị Thúy, chủ vựa trái cây Tiến Phát (Tiền Giang) cũng cho biết, thông tin Trung Quốc mở cửa biên giới cũng khiến giá trái cây xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh, người nông dân không lo thất thu.
“Giá thu mua mít tại chỗ chúng tôi đã tăng gấp 3 lần sau khi các cửa khẩu hoạt động bình thường trở lại. Được giá nên bà con rất mừng, đây là niềm vui lớn của người nông dân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023”, chị Thúy nói.
Anh Nguyễn Hiến, một tài xế container cho biết, việc thông quan hàng hóa đang diễn ra thuận lợi hơn năm trước. Nếu như năm ngoái, có chuyến anh phải chờ hơn 20 ngày mới thông quan xong để nhận xe rồi về ăn Tết thì nay quá trình thông quan chỉ mất 4-6 ngày.
“Năm nay tôi dự kiến chạy thêm một chuyến nữa, hiện tôi đang ở Tiền Giang đóng hàng. Chạy xong container mít này rồi về ăn Tết là vừa", anh Hiến dự tính.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hoàn, Giám đốc công ty TNHH thương mại vận tải Tâm An Thịnh, lại khá sốt ruột khi hoạt động xuất hàng từ Việt Nam sang Trung Quốc qua cửa khẩu vẫn chưa thay đổi nhiều.
“Xe hàng của chúng tôi cứ đến bãi Bảo Nguyên (cửa khẩu Tân Thanh) là tập kết, sau khi đã kiểm tra chất lượng hàng hóa thì bãi sẽ có lái xe riêng, nhận xe để đưa sang Trung Quốc. Hoạt động này là bắt buộc trước thời điểm 8/1 vì điều kiện ngặt nghèo trong kiểm dịch từ phía Trung Quốc. Đến nay, hoạt động này theo chúng tôi hiểu là vẫn bắt buộc ở cửa khẩu", ông Hoàn nói.
Với ông Hoàn, việc giao xe hàng cho một người khác đưa sang Trung Quốc tiềm ẩn rủi ro cực lớn đối với doanh nghiệp.
“Mới gần đây, khi xe tập kết ở bãi Bảo Nguyên, hàng dỡ ra kiểm tra vẫn còn tươi ngon, đẹp. Thế nhưng, khi đưa sang Trung Quốc thì chủ hàng báo về là hàng hỏng, thương lái phía Trung Quốc không nhận hàng và lấy lý do đó để từ chối thanh toán cước vận chuyển”, ông Hoàn kể
Việc này mang đến thiệt hại cả nửa tỷ đồng cho doanh nghiệp vận tải này. Do đó, ông Hoàn mong rằng, khi phía Trung Quốc đã hoạt động bình thường trở lại, các lái xe phải được tự tay lái xe hàng của mình sang Trung Quốc để giám sát quá trình giao hàng, nắm rõ thực hư tình trạng hàng hóa, có cơ sở làm việc với chủ hàng.
https://vtc.vn/trung-quoc-mo-cua-phi-dich-vu-van-chuyen-co-the-giam-hang-chuc-trieu-ar726041.html