Việc Trung Quốc tung tin tập trận rầm rộ và đưa hàng nghìn tấn vũ khí tới Tây Tạng bị phát hiện là giả mạo và nhằm đe dọa Ấn Độ.

Lời lẽ cứng rắn

Hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc ngày 3/8 đăng tải bài xã luận, trong đó dùng nhiều lời lẽ đe dọa Ấn Độ trong tình hình căng thẳng biên giới giữa hai nước.

Phía Trung Quốc tiếp tục cáo buộc lực lượng biên phòng Ấn Độ vượt qua biên giới đã diễn ra hơn 1 tháng, đồng thời cho biết truyền thông Trung Quốc muốn tặng cho Ấn Độ 3 “lời khuyên”.

Điều đầu tiên là muốn Ấn Độ không “nói xằng, làm càn” với lời tố cáo rằng quân đội Ấn Độ ngang nhiên vượt biên giới không có tranh chấp, đồn trú lâu dài trên lãnh thổ nước khác một cách “cực kỳ hiếm thấy”.

trung quoc bi boc me don hoa luc mieng
Cao nguyên Doklam, nơi "ngã ba" biên giới giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan đang trong tình trạng sau những động thái của Trung Quốc

Bài viết viện dẫn một văn kiện của Bộ Ngoại giao Trung Quốc với bản “đính kèm” là “Hiệp ước Tạng Ấn giữa Trung Quốc và Anh” được ký kết năm 1890 (gọi tắt là “Hiệp ước năm 1890”) cùng thư từ trao đổi giữa lãnh đạo hai nước để chứng minh Ấn Độ “xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc”.

“Lời khuyên” thứ hai là muốn Ấn Độ nhanh chóng rút quân vô điều kiện và coi đây là tiền đề đối thoại.

Theo Tân Hoa Xã, người Trung Quốc xưa nay vốn chú trọng “ngoại giao trước, động binh sau” nên nước này coi trọng hòa bình và ổn định tại khu vực biên giới, luôn duy trì kiềm chế cao độ bằng thiện chí lớn nhất. Vì vậy, phía Trung Quốc cho rằng “quả bóng” đang nằm trong chân Ấn Độ và Ấn Độ không nên hiểu sai về sự kiềm chế của Trung Quốc.

“Lời khuyên” thứ ba là lời đe dọa rằng việc “đối địch với Trung Quốc sẽ không mang lại kết cục tốt đẹp”. Hãng tin Trung Quốc tỏ ra tự tin khi cho rằng lịch sử 90 năm của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) chứng minh rằng bất kỳ đối thủ nào muốn đọ sức với PLA đều "nếm phải trái đắng".

trung quoc bi boc me don hoa luc mieng
Trung Quốc là bên chủ động thay đổi nguyên trạng khi cử quân đội cùng máy ủi đất tiến xuống phía Nam trên phần lãnh thổ tranh chấp ở Doklam, gần một đồn biên phòng Ấn Độ

Theo Tân Hoa Xã, sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc đã gia tăng, nước này không gây chuyện và cũng không sợ xảy ra chuyện. Bài viết tuyên bố PLA có năng lực, có niềm tin đánh bại mọi kẻ địch.

Kết luận bài viết đưa ra lời khuyên là mong muốn phía Ấn Độ “xuất phát từ đại cục quan hệ 2 nước và lợi ích của nhân dân 2 bên, nhanh chóng rút quân, không nên cố chấp, ảo tưởng, đánh giá sai tình hình, điều đó chỉ dẫn đến hậu quả càng nghiêm trọng”.

Bóc mẽ đòn hỏa lực miệng

Đánh giá về những tuyên bố cứng rắn và có phần mang tính đe dọa từ phía Trung Quốc đối với Ấn Độ, tờ Thời báo Nhật Bản đánh giá những tuyên bố là “hiếu chiến”.

Theo đó, những tuyên bố vào thời điểm căng thẳng Trung-Ấn đang gia tăng do cuộc đối đầu giữa binh sĩ hai bên kéo dài nhiều tuần qua tại ngã ba giáp ranh Tây Tạng, Bhutan và bang Sikkim của Ấn Độ khiến cuộc xung đột quân sự ở Himalaya có thể sắp diễn ra. Trên thực tế, Bắc Kinh đang tiến hành cuộc chiến tranh tâm lý nhằm buộc Ấn Độ phải lùi bước mà không cần tốn một viên đạn nào.

Tờ Thời báo Nhật Bản chỉ thẳng, cuộc khủng hoảng hiện nay đã cho thấy rõ vai trò trung tâm của công tác tuyên truyền trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, từ một kẻ xâm lược, họ thể hiện mình là một nạn nhân để “che đậy” cuộc xâm lược đất nước Bhutan nhỏ bé, điều kích động cuộc đối đầu hiện nay.

Những lời lẽ khiêu khích của Trung Quốc và các điều kiện tiên quyết phi thực tế mà họ đặt ra để tổ chức đàm phán trái ngược với giọng điệu có chừng mực và sự sẵn sàng giải quyết khủng hoảng một cách hòa bình của Ấn Độ.

Trên thực tế, cuộc khủng hoảng này đã cho thấy rõ cách thức Trung Quốc kết hợp chiến tranh tâm lý, khẩu chiến trên truyền thông và cuộc chiến pháp lý ra sao nhằm xói mòn khả năng kiểm soát thông tin của đối thủ và củng cố kế hoạch chiến lược của họ.

Trung Quốc sử dụng những tin tức sai sự thật và các mánh khóe trong cuộc chiến tâm lý nhằm chế ngự Ấn Độ mà không cần giao chiến, dựa theo binh pháp Tôn Tử.

trung quoc bi boc me don hoa luc mieng
Binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ trong một cuộc tập trận chung mang tên "Tay trong tay"

Chiến lược chiến tranh tâm lý bao gồm việc đưa ra các lời đe dọa gần như hàng ngày. Bắc Kinh đã cho thấy sự thành thạo trong việc khai thác sự chia rẽ về chính trị tại Ấn Độ, bao gồm việc bắt tay với các đối thủ của Thủ tướng Narendra Modi và công kích “chủ nghĩa dân tộc Hindu” của ông nhằm khoét sâu những bất đồng tại Ấn Độ về cách tiếp cận với Trung Quốc hiện nay.

Trung Quốc cũng đang sử dụng truyền thông để nói quá về “cuộc đối đầu toàn diện” dọc đường biên giới Trung-Ấn dài hơn 4.000 km và để cảnh báo Ấn Độ rằng họ sẽ phải hứng chịu sự thất bại ê chề hơn những gì họ trải qua trong cuộc chiến biên giới năm 1962.

Tờ báo Nhật Bản cũng chỉ ra các mánh khóe tuyên truyền theo kiểu dọa dẫm, thậm chí khoác lác của Trung Quốc.

Ví dụ như hồi giữa tháng 7/2017, đài truyền hình quốc gia CCTV đã phát sóng đoạn video các cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật ở Tây Tạng của một lữ đoàn được triển khai nhằm chống lại Ấn Độ. Trên thực tế, đây là cuộc tập trận thường niên được tiến hành hồi đầu tháng 6/2017, trước khi cuộc khủng hoảng này bắt đầu.

trung quoc bi boc me don hoa luc mieng
Báo Trung Quốc luôn tỏ ra tự tin về sức mạnh quân sự

Ngay sau bản tin của CCTV, tờ Nhật báo Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cho biết hàng chục nghìn tấn vũ khí đã được đưa tới Tây Tạng để đối phó với cuộc đối đầu này. Thông tin này cũng bị phát hiện là một phần trong chiến lược chiến tranh tâm lý của Trung Quốc, bởi giới tình báo Ấn Độ vẫn chưa tìm thấy bằng chứng về cuộc tập hợp quân sự của Trung Quốc ở Tây Tạng.

Nguy cơ một Trung Quốc đang mất kiên nhẫn có thể biến chiến lược chiến tranh tâm lý leo thang thành xung đột quân sự không thể bị đánh giá thấp. Trên thực tế, Bắc Kinh đang thể hiện dấu hiệu rằng họ sẽ không cho phép “sự can thiệp” của Ấn Độ vào quan hệ đối ngoại hay an ninh quốc gia của Bhutan, dù quan hệ Ấn Độ-Bhutan đang được chi phối bởi hiệp ước hữu nghị và các thỏa thuận quân sự.

Vấn đề được tờ báo Nhật Bản nêu ra là sự bất tuân thủ luật pháp quốc tế của Trung Quốc, bao gồm các hiệp ước song phương mà họ đã ký với Bhutan và Ấn Độ, cam kết không đơn phương thay đổi nguyên trạng. Theo đó, các diễn biến ở Biển Đông và biển Hoa Đông cũng cho thấy việc Bắc Kinh không tuân thủ các thỏa thuận và hiệp ước đã ký.

/ Đông Triều/baodatviet.vn