Trung Quốc đang nỗ lực hồi sinh sông Dương Tử với lệnh cấm bắt cá tham vọng và lớn nhất thế giới kéo dài 10 năm.
Hơn 300.000 ngư dân mất việc
Gắn bó với sông Dương Tử gần như suốt cuộc đời, Wang Quansheng, ngư dân 58 tuổi ở Tương Dương - thành phố 6 triệu dân thuộc tỉnh Hồ Bắc - trao giấy phép đánh cá, lưới cho chính quyền địa phương vào đầu tháng này.
Ông là thế hệ thứ 3 trong một gia đình ngư dân. Con trai ông, 33 tuổi, đã tạm biệt với công việc này sau lệnh cấm đánh bắt cá 10 năm trên sông Dương Tử có hiệu lực từ 1.1.2020.
Lệnh cấm đánh bắt cá trên sông Dương Tử áp dụng với 332 địa điểm bảo tồn dọc tuyến đường thủy dài 6.300km. Bắc Kinh có kế hoạch mở rộng lệnh cấm này tới dòng chính của sông, phụ lưu và các hồ lớn có liên kết với sông Dương Tử từ 1.1.2021.
Sông Dương Tử hiện đang trải qua đợt mưa lũ lịch sử kéo dài. Trong ảnh là xả lũ ở đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử tại tỉnh Hồ Bắc hôm 19.7. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Đây sẽ là lệnh cấm đánh bắt đầy tham vọng và rộng lớn nhất từng thấy khi Bắc Kinh nỗ lực hồi sinh hệ sinh thái của một trong những con sông nổi tiếng, quan trọng nhất trên thế giới, SCMP nhận định.
Tuy nhiên, quyết định này cũng có nghĩa là hơn 300.000 ngư dân phải từ bỏ công việc và hơn 100.000 tàu đánh cá ngừng hoạt động, theo các quan chức chính phủ.
"Không có lệnh cấm nào có thể so sánh được trên thế giới. Nếu cấm đánh bắt cá ở toàn bộ sông Dương Tử thì không có lệnh cấm đánh bắt cá nào ở môi trường nước ngọt có quy mô lớn đến thế" - Giáo sư sinh thái và đa dạng sinh học David Dudgeon, Đại học Hong Kong (Trung Quốc) nhận định.
Dòng sông suy kiệt
Người Trung Quốc đánh bắt cá ở sông Dương Tử từ thời xa xưa. Trải dài từ cao nguyên Tây Tạng đến biển Hoa Đông gần Thượng Hải, sông Dương Tử và các phụ lưu đi qua khu vực sinh sống của 459 triệu người Trung Quốc - tương đương khoảng 1/3 dân số đất nước. Khu vực này cũng đóng góp khoảng 46% GDP của Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ xây dựng các con đập, khai thác quá mức, ô nhiễm và đánh bắt quá mức, sông Dương Tử đã suy kiệt, với sự suy giảm đáng kể cả về đa dạng sinh học và trữ lượng cá.
Trong những năm gần đây, con sông từng cung cấp 60% cá nước ngọt của Trung Quốc đã sụt giảm đáng kể. Trên toàn Trung Quốc, đánh bắt cá nước ngọt có sản lượng thường niên khoảng 63 triệu tấn và chỉ khoảng 100.000 tấn từ sông Dương Tử, theo Nhân dân Nhật báo.
Ngư dân Wang nhận thấy những thay đổi này sớm bởi đã đi đánh cá mỗi ngày từ nhỏ. Ông cho biết, nửa thế kỷ trước, có hơn 100 loài cá trên nhánh sông Dương Tử mà ông đánh bắt nhưng giờ chỉ còn 2 loài chính - cá chép và cá diếc. Wang nhớ lại, hồi đó, con cá nhỏ nhất họ kéo được là hơn 500g và giờ thì có thể chỉ nặng 80g.
Ngành đánh bắt cá đã có nhiều biến động vào cuối những năm 1990 khi nhiều người bắt đầu đánh bắt cá trên sông Dương Tử và có những người sử dụng các phương pháp bất hợp pháp để bắt cá như dùng thuốc nổ, lưới điện, lưới fyke... "Trong 2 thập kỷ qua, bất cứ ai cũng có thể đánh bắt cá và một vài người trong số họ hành xử tồi tệ" - ông Wang nói.
Nghi ngại về hiệu quả
Lệnh cấm bắt cá trên sông Dương Tử được kỳ vọng sẽ giúp hệ sinh thái thoát khỏi tình trạng khai thác quá mức. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, chưa rõ đa dạng sinh học sẽ được cải thiện bao nhiêu khi có các yếu tố khác như ô nhiễm nước và các con đập trên sông Dương Tử.
Tuy nhiên, chuyên gia Đại học Hong Kong trấn an, chắc chắn cấm đánh bắt cá sẽ giúp ích cho các quần thể phục hồi, đặc biệt là với những loài cá lớn vốn bị ảnh hưởng mạnh bởi đánh bắt cá quá mức. Wang Yamin - phó giáo sư trường hàng hải thuộc Đại học Sơn Đông ở Uy Hải tỏ ra rất lạc quan. Ông tin rằng lệnh cấm đánh bắt cá trên sông Dương Tử sẽ giúp lượng cá hồi phục.
Hải Anh