Thủ tướng Trung Quốc cho rằng việc ký kết Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông sẽ góp phần đảm bảo tự do thương mại.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại Singapore hôm nay. Ảnh: Reuters.
"Trung Quốc hy vọng việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) sẽ kết thúc trong vòng ba năm tới nhằm góp phần đảm bảo hòa bình và ổn định tại Biển Đông", Reuters dẫn lời Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm nay phát biểu tại Singapore khi ông tới đây để tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33.
"Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ được hưởng lợi trong quá trình đó. COC cũng sẽ có lợi cho tự do thương mại và phục vụ lợi ích của các bên khác", ông Lý nói thêm.
Ông còn hy vọng Trung Quốc sẽ đi đến thỏa thuận với Mỹ về "tranh chấp thương mại" hiện nay dựa trên sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau, đồng thời khẳng định "sẽ không có kẻ thắng trong bất cứ cuộc chiến tranh thương mại nào".
Thủ tướng Trung Quốc còn bày tỏ mong muốn hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với 15 nước khác vào năm 2019, đồng thời cho biết một thông báo về "tiến bộ đáng kể" trong đàm phán sẽ được đưa ra trong tuần này.
Trung Quốc và các nước ASEAN năm 2002 ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trong đó cam kết tuân thủ các nguyên tắc của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Đến năm 2013, các bên khởi động đàm phán COC và thông qua thỏa thuận khung vào tháng 8/2017. Đây được coi là bước khởi đầu cho tiến trình đàm phán thực chất COC có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý, giúp ngăn chặn tranh chấp leo thang trên Biển Đông.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông bằng yêu sách "đường 9 đoạn", bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Bắc Kinh gần đây gia tăng các hoạt động quân sự hóa trái phép trên Biển Đông, vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của các nước trong khu vực và Mỹ.
Ánh Ngọc
Philippines nghi ngờ khả năng ASEAN, TQ đạt được COC có ràng buộc Tân ngoại trưởng Philippines nhận định ASEAN và Trung Quốc khó đạt được thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý cho Bộ quy tắc ... |