Mẫu pháo 20 nòng xoay trải qua ít nhất ba đợt thử nghiệm và có thể được dùng làm tổ hợp phòng thủ tầm cực gần trên chiến hạm Trung Quốc.
Ảnh xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc gần đây cho thấy các kỹ sư nước này thử nghiệm tổ hợp pháo phòng thủ tầm cực gần cho chiến hạm. Nguyên mẫu với ít nhất 20 nòng xoay này đã trải qua ba đợt thử nghiệm hồi tháng 1, tháng 3 và tháng 4.
Chưa rõ đơn vị nào của Trung Quốc tham gia vào dự án phát triển mẫu pháo 20 nòng và liệu vũ khí này có thể được trang bị cho chiến hạm hay chỉ dừng lại ở việc hiện thực hóa ý tưởng. Các thông số như cỡ nòng và tốc độ bắn của khẩu pháo chưa được công bố.
Mẫu pháo hải quân 20 nòng của Trung Quốc được thiết kế theo kiểu súng Gatling, loại vũ khí với thiết kế nhiều nòng xoay quanh trục nhằm đạt tốc độ bắn rất cao trong khi vẫn đủ thời gian để làm mát nòng súng.
Kỹ sư Trung Quốc thử nghiệm pháo 20 nòng xoay. Ảnh: Twitter/Yuri Lyamin. |
Các loại pháo nòng xoay kiểu Gatling thường được sử dụng cho hệ thống phòng thủ tầm cực gần (CIWS) của hải quân, được lắp trên chiến hạm để bắn hạ mục tiêu đang lao tới như tên lửa hành trình, UAV.
Trung Quốc phát triển hai mẫu CIWS sử dụng pháo nòng xoay gồm Type 730 có 7 nòng và biến thể Type 1130 có 11 nòng. Hai mẫu CIWS này đều sử dụng đạn cỡ 30 mm, trong đó Type 730 có tốc độ bắn 1.200-4.200 phát/phút và Type 1130 là 11.000 phát/phút.
Do các loại pháo kiểu Gatling vẫn có thể bị quá nhiệt khi khai hỏa dẫn tới hư hỏng, việc tăng số nòng giúp pháo có thể tăng tốc độ bắn mà vẫn đảm bảo an toàn vận hành. Nguyên mẫu pháo hải quân 20 nòng của Trung Quốc được đánh giá có thể bắn nhanh hơn tổ hợp Type 1130, vốn được trang bị cho nhiều chiến hạm cỡ lớn của nước này.
"Tổ hợp CIWS với pháo kiểu Gatling với tốc độ bắn cực nhanh có thể nhả đạn nhiều hơn và nhanh hơn. Điều này sẽ đặc biệt có giá trị khi đối phó với các loại tên lửa chống hạm tiên tiến đang có và trong tương lai, vốn ngày càng nhanh hơn với năng lực tàng hình cao hơn", biên tập viên Joseph Trevithick của Drive nhận định.
Trung Quốc đang tiếp tục mở rộng quy mô và năng lực tác chiến của các hạm đội, bao gồm biên chế nhiều chiến hạm lớn hơn như tàu sân bay và tàu sân bay trực thăng. Nhu cầu các tổ hợp CIWS uy lực hơn của hải quân Trung Quốc tăng lên khi lực lượng này nhận định bị đe dọa bởi các loại vũ khí chống hạm như tên lửa đạn đạo và siêu vượt âm.
Nguyễn Tiến (Theo Drive)
Người Trung Quốc đổ xô tiêm vaccine vì sợ bùng dịch Những ca nhiễm nCoV mới phát hiện ở tỉnh An Huy và Liêu Ninh đã trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy người dân ... |
Tàu Trung Quốc bắt đầu hoạt động trên sao Hỏa Robot tự hành Chúc Dung sẽ ở trên bệ hạ cánh thêm vài ngày trước khi lăn bánh trên sao Hỏa để tìm kiếm dấu ... |