Đồng hồ thông minh giúp trẻ dễ dàng kết nối bạn bè, nhưng cũng có thể vô tình đưa các em tiếp cận nội dung không lành mạnh trên môi trường mạng.
Nhìn thấy con gái nhỏ biểu hiện sợ hãi, Chen Xian cúi xuống đọc tin nhắn mà cô bé vừa nhận được trên chiếc đồng hồ thông minh: "Chúng ta hãy cùng chết!"
Sững sờ, Chen lập tức tháo thiết bị khỏi cổ tay con, chụp ảnh màn hình để làm bằng chứng và yêu cầu cô bé - hiện mới học lớp 2 - thoát khỏi nhóm trò chuyện, nơi tin nhắn do một bạn học lớn tuổi hơn trong lớp học ngoại khóa đăng lên.

Đồng hồ thông minh được xem là phát minh biểu tượng của sự kết nối trong thời đại số. (Ảnh: Sixthtone)
Chen, sống tại tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc, cảm thấy nhẹ nhõm vì con gái biết trao đổi sự việc với mẹ, nhưng cô lo lắng cho những đứa trẻ khác trong nhóm, những em không cởi mở với phụ huynh về hoạt động trên mạng.
“Con gái nói ngay với tôi, nhưng điều đó không có nghĩa những đứa trẻ khác cũng vậy, nhất là các em ở tuổi vị thành niên”, chị nói.
Sự việc cho thấy mối lo ngại ngày càng lớn của nhiều phụ huynh đối với đồng hồ thông minh, thiết bị được quảng cáo như một lựa chọn an toàn hơn so với điện thoại thông minh dành cho trẻ chưa đến tuổi vị thành niên ở Trung Quốc những năm gần đây.
Ban đầu, những chiếc đồng hồ được thiết kế để thực hiện các cuộc gọi hạn chế và định vị vị trí. Nhưng hiện nay, công nghệ này đang đưa trẻ em tiếp cận một hệ sinh thái kỹ thuật số phức tạp và đôi khi đầy u ám.
Không gian dễ dàng kết nối
Liu Meng, nữ sinh trung học ở thành phố Quảng Châu, miền nam Trung Quốc, được chẩn đoán mắc Asperger, hội chứng rối loạn phát triển thuộc phổ tự kỷ khiến người bệnh gặp trở ngại lớn trong giao tiếp và tương tác xã hội.
Liu luôn cảm thấy lạc lõng vì gặp khó khăn trong giao tiếp. Ở trường tiểu học, ngay cả việc chào hỏi đơn giản cũng khiến em bối rối.
Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi Liu học lớp 5, cha mẹ đồng ý mua cho em chiếc đồng hồ thông minh, sau khi cô bé thấy nhiều bạn học đang "chạm" đồng hồ với nhau để kết bạn online trong giờ ra chơi.
Mẹ của Liu, bà Wang Ting, ban đầu chỉ nghĩ đến tính năng định vị để đảm bảo an toàn, nhưng thiết bị này đã mở ra cho Liu thế giới kết nối hoàn toàn mới.
Ngay sau khi có đồng hồ, Liu nhanh chóng kết bạn online với các bạn, tham gia nhóm trò chuyện theo sở thích như anime, thể thao, vẽ, lồng tiếng,... Cô trò chuyện với người lạ đủ thứ từ sở thích cá nhân, gia đình đến tâm sự thường ngày.
Có ngày Liu đăng đến 20 - 30 bài đăng, chia sẻ mọi cảm xúc: “Tớ đói quá”, “Mệt lắm”, “Buồn ghê”… Nhưng chính nhờ đó, đến lớp 9, cô bé đã có gần 150 người bạn trên "đồng hồ".
“Em cảm thấy mình được nhìn nhận và tôn trọng”, Liu chia sẻ. Dù em có mối quan hệ tốt với cha mẹ, nhưng thứ em luôn khao khát lại là sự gắn bó về mặt cảm xúc mà chỉ bạn bè đồng trang lứa mới có thể mang lại.
...nhưng cũng đầy cám dỗ
Một đêm hè, Liu được thêm vào một nhóm trò chuyện lạ với hàng loạt nội dung người lớn, bao gồm cả những trò đùa tục tĩu và hình ảnh nhạy cảm.
Trong những nhóm trò chuyện như này, người dùng và người ghép cặp thường đăng những quảng cáo như "Nam, 12 - 13 tuổi, tìm bạn gái 11 - 12 tuổi, xinh xắn, giọng nói dễ thương", kèm theo lời kêu gọi chụp ảnh.
Thực tế, Liu đã tìm được bạn trai ngay trong nhóm chat đầu tiên cô bé tham gia. Chàng trai gửi ảnh xương quai xanh của mình và yêu cầu nữ sinh gửi ảnh. Sau đó, Liu thấy anh ta đăng những bình luận khiếm nhã và hình ảnh nhạy cảm trong nhóm.
Liu, hiện tại gần 18 tuổi, nhớ lại thời điểm đó vừa sốc nhưng cũng cảm thấy tò mò. "Đang độ tuổi dậy thì, tôi thiếu kiến thức và hoàn toàn ngây thơ với những câu chuyện như vậy", cô nói. "Tôi chỉ nghĩ nói chuyện kiểu đó sẽ giúp mình hòa nhập hơn".

Đồng hồ thông minh cho trẻ em nhiều tiền lợi nhưng cũng đầy rủi ro tiềm ẩn. (Ảnh: Baidu)
Bà Wang biết rõ các hoạt động trực tuyến của con gái, vì Liu coi bố mẹ là tri kỷ và chia sẻ gần như mọi thứ với họ. Tuy nhiên, bà bắt đầu lo lắng khi phát hiện bạn trai trực tuyến của Liu yêu cầu gửi ảnh nhạy cảm. Bà giải thích rõ điều này là không thể và đăng ký cho Liu tham gia trại hè giáo dục giới tính.
Bố mẹ Liu không tịch thu chiếc đồng hồ thông minh của con gái. Suy cho cùng, thiết bị đã giúp Liu có nhiều trải nghiệm, bao gồm những người bạn thân đầu tiên và cả mối tình đầu.
Không thể làm ngơ
Trước thực tế rủi ro mà đồng hồ thông minh gây ra cho trẻ em, nhiều phụ huynh cho rằng các nhà sản xuất đã phản ứng quá chậm trước các vấn đề liên quan đến an toàn.
Sau khi con gái nhận được tin nhắn “cùng chết nhé”, chị Chen Xian đã gửi khiếu nại đến công ty sản xuất đồng hồ, chất vấn vì sao những nội dung nhạy cảm như vậy không bị chặn trong các nhóm chat.
Ban đầu, nhân viên chăm sóc khách hàng cho rằng Chen Xian phản ứng thái quá với “một trò đùa trẻ con”, khiến chị càng phẫn nộ. Sau đó, công ty thay đổi lập trường và hứa sẽ bổ sung từ “chết” vào danh sách những từ bị cấm.
Tuy nhiên, những quy định hiện hành vẫn rất dễ bị qua mặt. Một số thương hiệu hiện có tính năng trợ lý lọc tin nhắn nhằm tạo môi trường an toàn cho trẻ, nhưng dường như chưa đủ hiệu quả, các tin nhắn thoại mang nội dung độc hại dường như vẫn lọt qua dễ dàng.
“Đây chính là lý do vì sao phụ huynh cần phải đồng hành sát sao”, chị Chen chia sẻ, cho biết trước vụ việc, chị chưa từng kiểm tra kỹ từng tính năng phức tạp trên đồng hồ của con. “Nó giống như điện thoại thông minh vậy, ngay cả người lớn còn chưa chắc hiểu hết mọi chức năng”.
Chen cũng nhận thấy nội dung mà bạn bè con gái đăng tải trên trang cá nhân chủ yếu mang sắc thái tiêu cực, phần lớn là kiểu than thở “chán quá”. Chị đã quyết định vô hiệu hóa một số tính năng trên thiết bị, dù con gái thú nhận lén bật lại các tính năng khi mẹ ngủ.
“Tôi biết tịch thu đồng hồ thì hơi mạnh tay, nhưng đôi khi thật sự tôi không biết phải làm sao để cân bằng”, Chen thừa nhận.
Đây là tình huống phổ biến với nhiều phụ huynh. Theo ông Cai Dan, Viện trưởng Viện Tâm lý, Đại học Sư phạm Thượng Hải, khi còn nhỏ, trẻ thường gần gũi kết nối với cha mẹ, nhưng đến tuổi dậy thì sẽ ưu tiên nhu cầu gắn bó với bạn bè cùng trang lứa. Kết quả, đồng hồ thông minh trở thành “biểu tượng của sự hòa nhập” trong giới trẻ.
“Việc dùng cùng một mẫu đồng hồ để ‘chạm’ và kết bạn là phương thức quan trọng giúp các em hình thành nhóm bạn thân”, ông Cai nói. “Tính năng trang cá nhân cũng tạo ra sự cộng hưởng cảm xúc mạnh mẽ. Trong không gian ảo này, trẻ có thể trút bỏ áp lực học hành, chia sẻ nỗi niềm thường ngày và tìm thấy sự đồng cảm khi biết rằng bạn bè cũng đang trải qua điều tương tự”.
Tuy nhiên, ông Cai nhấn mạnh dù tiện lợi đến đâu, giao tiếp trực tuyến cũng không thể thay thế giá trị cảm xúc mà tương tác trực tiếp mang lại.
Ông cho biết: “AI và các thiết bị điện tử có thể truyền đạt thông tin, kiến thức, nhưng cốt lõi của kỹ năng xã hội như sự đồng cảm, hợp tác hay tinh thần giúp đỡ, sẻ chia chỉ được nuôi dưỡng thông qua giao tiếp bằng ánh mắt và ngôn ngữ cơ thể”.
Chuyên gia tâm lý cho rằng việc trẻ quá đắm chìm trong thế giới mạng là dấu hiệu đáng lo, biểu hiện việc các em không tìm được sự thỏa mãn trong đời sống thực.
Tuy vậy, ông Cai khuyên phụ huynh không nên can thiệp thô bạo, mà nên để trẻ được phép mắc sai lầm trong khuôn khổ có kiểm soát, đồng thời hướng dẫn các em giá trị sống và chuẩn mực đạo đức đúng đắn.
https://vtcnews.vn/trung-quoc-moi-nguy-tiem-an-tu-dong-ho-thong-minh-tren-tay-tre-ar955409.html