Chia sẻ đường biên giới 1.200km với quốc gia bí ẩn, Cát Lâm đang chuẩn bị cho mình cách ứng phó trước nguy cơ ảnh hưởng bởi hạt nhân từ Triều Tiên.

trung quoc nguoi dan giap bien gioi trieu tien duoc huong dan cach tu bao ve minh truoc nguy co hat nhan
Tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc có đường biên giới kéo dài với Triều Tiên.

Một tờ báo Nhà nước ở phía Đông Bắc Trung Quốc đã đăng tải bài viết tư vấn cho người dân địa phương về cách đối phó với một cuộc tấn công hạt nhân - một dấu hiệu thể hiện sự lo ngại của Bắc Kinh đối với thảm họa có thể xảy đến ở bán đảo Triều Tiên.

Đăng tải trên tờ Cát Lâm Nhật báo hôm 6/12, bài viết "Kiến thức về vũ khí hạt nhân và cách bảo vệ", được đưa ra khi căng thẳng tiếp tục leo thang sau vụ thử tên lửa mạnh nhất của Bình Nhưỡng cách đây một tuần trước.

Sau khi máy bay ném bom B-1B bay qua bán đảo Triều Tiên thực hiện cuộc diễn tập trên không quy mô lớn, Bình Nhưỡng lập tức cảnh báo động thái của Washington đang dẫn đến "bờ vực chiến tranh".

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gần đây cũng nhấn mạnh, căng thẳng về Triều Tiên đã xuất hiện trở lại.

Tờ Cát Lâm Nhật báo không nêu đích danh Triều Tiên trong bài viết, nhưng nhắc lại sự kiện Mỹ thả quả bom hạt nhân xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản vào năm 1945, gây nên cái chết của 70.000 người.

Để bảo vệ tốt nhất khỏi bức xạ, tờ báo khuyên người dân nên sử dụng một số biện pháp khác nhau bao gồm cả uống thuốc i-ốt.

Hình ảnh minh họa sống động trong bài viết yêu cầu mọi người nên đóng cửa sổ và cửa ra vào của họ trong trường hợp khẩn cấp và ngay lập tức đi tắm, rửa miệng và tai sau khi tiếp xúc với bức xạ.

Cát Lâm là một tỉnh giáp ranh Triều Tiên, gần bãi thử hạt nhân Punggye-ri của nước này và chia sẻ đường biên giới 1.200km với quốc gia ẩn dật.

Tờ báo trước đây cũng từng đưa ra các bài viết về cách tránh khỏi tác động của ô nhiễm phóng xạ sau thảm họa hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản tháng 3/2011, nhưng chưa bao giờ nhắc về cách phòng chống vũ khí hạt nhân trước đó.

Các quốc gia khác, trong đó có Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc thường đưa ra những lời khuyên tương tự cho dân chúng của họ.

Vào tháng Tám, Văn phòng An ninh Nội địa và Dân quân tự vệ đảo Guam (Mỹ) đã phát hành cẩm nang trên các phương tiện truyền thông xã hội và trang web của hòn đảo, mang lại cho mọi người những lời khuyên thiết thực như trú ẩn trong các công trình kiên cố gần nhà và tránh nhìn vào quả cầu lửa.

Lãnh thổ hải ngoại của Mỹ nằm cách khoảng 3.400km so với Triều Tiên và nằm trong phạm vi tên lửa đạn đạo tầm trung của Triều Tiên. Đầu năm nay, Bình Nhưỡng từng đe dọa nhắm mục tiêu vào hòn đảo ở Thái Bình Dương.

Người dân Cát Lâm lo lắng

trung quoc nguoi dan giap bien gioi trieu tien duoc huong dan cach tu bao ve minh truoc nguy co hat nhan
Người dân Cát Lâm hiện nay đang được phổ cập những kiến thức bảo vệ mình trước một cuộc tấn công hạt nhân tiềm năng.

Zhang Liangui, Giáo sư nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, cho biết: "Triều Tiên đã bắn một tên lửa mới có thể vươn tới lục địa Mỹ, trong khi Mỹ đang tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn chưa từng có với Hàn Quốc”.

"Chúng tôi không thể nói rằng chiến tranh sẽ đến, nhưng trong những tình huống như thế này, Trung Quốc sẽ bắt đầu phổ cập cho mọi người biết thêm về vũ khí hạt nhân", ông Zhang nói.

Thời báo Hoàn cầu, ấn phẩm thuộc tờ Nhân dân Nhật báo, cho biết trong một bài xã luận hôm 6/12 rằng, Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ tình hình trên bán đảo Triều Tiên và đã chuẩn bị đầy đủ cho các kịch bản khác nhau.

"Tình hình Triều Tiên đang xấu đi và việc nhận thức rõ tình hình và chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất sẽ là cần thiết cho cả nước và cộng đồng", bài xã luận viết. "Thậm chí nếu có chiến tranh trên bán đảo, đất nước chúng ta sẽ cố gắng hết sức để giảm thiểu tác động của chiến tranh đến vùng Đông Bắc Trung Quốc".

Xu Yucheng, quan chức văn phòng phòng không dân sự Cát Lâm cho biết, mọi thứ đang bị cường điệu hóa, đồng thời nói rằng nội dung của bài viết chủ yếu mang tính chất giáo dục quốc phòng.

"Nhiều quốc gia sử dụng phương tiện truyền thông để giáo dục cộng đồng trong việc bảo vệ mình trước hạt nhân”. Một nhân viên của Cát Lâm Nhật báo cho biết bài viết cảnh báo này chỉ mang tính chất đơn lẻ và không phải tuyến bài kéo dài.

Một số cư dân ở các thành phố giáp với Triều Tiên cho biết họ lo ngại về nguy cơ hạt nhân có thể xảy ra.

"Tình hình hiện tại dường như rất yên ả", một cư dân địa phương ở Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, cho biết.

"Tuy nhiên, địa điểm được Triều Tiên sử dụng để thử nghiệm hạt nhân là rất gần với Đan Đông. Đôi khi nhìn lên bầu trời Triều Tiên, chúng tôi không dám chắc rằng đó là đám mây hình nấm hay khói bụi. Chúng tôi hơi lo lắng".

Cư dân tại thành phố Tonghua ở tỉnh Cát Lâm nói rằng họ không biết nhiều về tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên và vẫn đang sinh hoạt một cách bình thường.

Wang Sheng, một chuyên gia về vấn đề Triều Tiên tại đại học Cát Lâm, cho biết tờ Cát Lâm Nhật báo dường như muốn cảnh báo mọi người ở phía Đông Bắc Trung Quốc rằng một thảm họa có thể sắp xảy ra.

"Nó phản ánh sự lo ngại sâu sắc, sự thất vọng và mệt mỏi trên khắp vùng Đông Bắc Trung Quốc với Triều Tiên và bài viết là rất kịp thời trong việc giáo dục công chúng về cách tự bảo vệ mình", ông Wang nói.

Dưới đây là 5 lời khuyên của tờ Cát Lâm Nhật báo về cách ứng phó trước một cuộc tấn công hạt nhân:

- Đừng nhìn vào quả cầu lửa khi có vụ nổ xảy ra. Nó ngay lập tức có thể làm hỏng đôi mắt của bạn.

- Khi bạn đang ở ngoài trời, hãy nằm úp mình trên mặt đất trong vòng hai giây và cố gắng che chắn bằng thứ gì đó. Nếu có một con sông, hồ, ao, hãy nhảy xuống nước. Nếu điều kiện cho phép, tận dụng các loại quần áo sáng màu để che chắn cho mình, đặc biệt là cho vùng da dễ tiếp xúc.

- Nếu đang ở trong nhà, ngay lập tức nằm úp dưới bàn hoặc giường. Bạn nên tránh lại gần cửa sổ bằng kính, đồ vật thủy tinh, dễ cháy và những góc dễ bị đổ sụp.

- Sau khi xảy ra vụ nổ, nhanh chóng tẩy rửa chất phóng xạ trên quần áo và đóng các cửa sổ, cửa ra vào để ngăn chất phóng xạ lan vào nhà.

- Nếu có thể, rửa sạch cơ thể và tóc bằng xà phòng. Nếu không có nước, bạn nên sử dụng khăn sạch hoặc gạc để lau.

trung quoc nguoi dan giap bien gioi trieu tien duoc huong dan cach tu bao ve minh truoc nguy co hat nhan Hình ảnh hiếm về cuộc sống ở miền duyên hải Triều Tiên

Trái ngược với khung cảnh nhộn nhịp ở thủ đô Bình Nhưỡng, miền duyên hải Triều Tiên là nơi người dân đạp xe trên những ...

trung quoc nguoi dan giap bien gioi trieu tien duoc huong dan cach tu bao ve minh truoc nguy co hat nhan 3 vấn đề khiến cuộc khủng hoảng Triều Tiên chưa thể kết thúc

Triều Tiên muốn tự bảo vệ bản thân, Mỹ lực bất tòng tâm, trong khi Trung Quốc thể hiện mình là một quốc gia nhìn ...

trung quoc nguoi dan giap bien gioi trieu tien duoc huong dan cach tu bao ve minh truoc nguy co hat nhan Không phận Triều Tiên có khả năng trở thành vùng cấm bay

Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế có thể tuyên bố Triều Tiên là vùng cấm bay để phản ứng trước các vụ thử ...

/ Người đưa tin