Trung Quốc đối mặt với nhiều thảm họa trong năm 2020, bao gồm những trận mưa đã và đang gây thiệt hại lớn.

Suốt nhiều tuần qua, miền trung Trung Quốc đã bị mưa lũ tấn công trên diện rộng. Nước ở hàng trăm con sông dâng cao, đặc biệt là sông Dương Tử với lưu lượng lớn chảy vào hồ chứa Tam Hiệp đã làm dấy lên lo ngại đập thủy điện này có thể bị sập.

Lo ngại càng gia tăng khi một số chuyên gia nói rằng cấu trúc công trình đã có sự dịch chuyển và biến dạng. Dù các nhà chức trách khẳng định những dấu hiệu này nằm trong giới hạn bình thường nhưng vẫn không xua tan được nỗi sợ.

Dù viễn cảnh đó có thành sự thật hay không, tình trạng lũ lụt ở dòng Dương Tử vẫn có tác động vô cùng lớn đến không chỉ Trung Quốc mà cả thế giới, vì quốc gia này đang cùng lúc hứng chịu nhiều thách thức, theo một bài viết của tổ chức Heritage ngày 5/8.

Những con đập

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, Trung Quốc luôn tìm cách chế ngự các con sông. Hoàng Hà, con sông dài thứ 2 nước này, còn có biệt danh là "nỗi khổ của Trung Quốc" vì tần suất lũ lụt làm đảo lộn cuộc sống của nhiều cộng đồng dọc hai bờ dài gần 5.500km của nó. Trung Quốc vừa tìm cách khai thác sức mạnh của các dòng sông, vừa mong hạn chế sức tàn phá của mưa lũ. Đó là lý do hàng nghìn con đập, kênh rạch và đê kè ra đời.

Tổ chức Những con sông quốc tế (International Rivers) ước tính Trung Quốc có khoảng 87.000 con đập. Chúng được xây dựng để kiểm soát lũ lụt, hỗ trợ tưới tiêu, điều hướng dòng chảy (đặc biệt ở miền bắc Trung Quốc vốn thường xuyên thiếu nước), và tạo ra điện.

Tam Hiệp có lẽ là đập thủy điện nổi tiếng nhất trong số đó. Tên công trình được đặt theo địa danh sở tại, gần ba hẻm núi đẹp tuyệt vời dọc sông Dương Tử.

Khởi công từ 1994 và vận hành toàn phần từ 7/2012, con đập cao 185m và dài hơn 2,3km là một phần dự án thủy điện Tam Hiệp, hệ thống kiểm soát thủy lợi đa chức năng chắn ngang sông Dương Tử ở địa bàn tỉnh Hồ Bắc. Là con đập thủy điện lớn nhất thế giới với 34 tổ máy phát điện, Tam Hiệp có năng lực sản xuất điện đến 22.500MW.

Ngoài sản xuất điện, đập còn được thiết kế để kiểm soát dòng chảy sông Dương Tử cho toàn bộ lòng chảo Dương Tử. Bằng cách điều chỉnh lượng nước chảy xuống các vùng trung và hạ lưu, đập giúp giảm bớt lũ lụt ở những thành phố như Vũ Hán và Nam Kinh.

Nguy cơ gia tăng

Đập Tam Hiệp chỉ là một trong số ít con đập được xây dựng ở Dương Tử. Các con đập ở vùng thượng nguồn thường cao hơn và toàn bộ hệ thống cần phải phối hợp chứa và xả nước để đảm bảo các hồ vùng hạ nguồn không tràn bờ cùng lúc.

Đây là một vấn đề của năm 2020, vì toàn bộ lòng chảo sông Dương Tử, bao gồm các sông nhánh đổ ra dòng chính, đều hứng chịu những trận mưa lớn không ngừng nghỉ suốt nhiều tuần liền. Do lưu lượng dòng chảy vào mạnh, các con đập ở thượng nguồn phải chịu áp lực gia tăng, và khiến các khu vực xung quanh ngập ứ nước.

Để giảm bớt áp lực, các nhà chức trách thậm chí phải phá một phần con đập nhỏ ở tỉnh An Huy. Nhưng việc mở các cửa tràn của các đập trên thượng nguồn càng khiến áp lực nước chảy vào hồ chứa Tam Hiệp tăng cao.

Trong mùa mưa lũ năm nay, đập Tam Hiệp đã chịu 3 đợt lũ lên đỉnh, ảnh hưởng đến việc xả nước từ hồ chứa. Các báo cáo cho thấy lượng nước chảy vào hồ lên tới 50.000 - 60.000 m3/giây, trong khi lượng nước xả chỉ khoảng 38.000 m3/giây.

Hồ chứa với mực nước tối đa 175m đã chịu mức nước lên đến 164,18m, vượt con số kỷ lục 163,11m năm 2012. Tình trạng lũ lụt đó đã tạo ra nhiều thách thức lớn với Bắc Kinh.

Kinh tế

Từ đập Tam Hiệp xuôi xuống hạ lưu, dòng Dương Tử chảy qua nhiều trung tâm đô thị lớn của Trung Quốc, trong đó có Vũ Hán và Nam Kinh, rồi mới đổ ra biển ở Thượng Hải.

Nạn mưa lũ vừa qua đã cướp đi mạng sống của 140 người và khiến 2 triệu người phải di dời, khi dân cư ở một loạt thành phố và thị trấn dọc bờ sông cùng các nhánh phải sơ tán. Hàng triệu người bị ảnh hưởng khi các trang trại, hầm mỏ cùng nhiều hoạt động kinh doanh bị mưa lũ tàn phá.

Lũ lụt gây thiệt hại lớn cho kinh tế Trung Quốc, vì các doanh nghiệp bị mất hàng dự trữ trong khi sản xuất bị gián đoạn. Tương tự, các tuyến giao thông bị phá vỡ, các chuỗi cung ứng tê liệt, khiến mọi mặt của đời sống bị ảnh hưởng.

Bệnh dịch

Lũ lụt hoành hành dữ dội ở Vũ Hán, nơi đại dịch Covid-19 bùng phát đầu tiên. Việc sơ tán hàng trăm nghìn người cũng tác động không nhỏ đến năng lực duy trì giãn cách xã hội, phong tỏa cùng các biện pháp chống dịch khác. Hàng loạt bệnh viện bị ngập nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp các dịch vụ y tế cho người dân.

Chính trị

Chủ tịch Tập Cận Bình phải đối mặt với một loạt thách thức phức tạp. Cuộc khủng hoảng Covid-19 xuất hiện khi Trung Quốc đang chật vật giải quyết cuộc thương chiến với Mỹ.

Tình trạng phong tỏa để ngăn chặn virus lây lan càng khiến kinh tế của Trung Quốc bị tác động nặng nề, trong đó có mức giảm 6% GDP chưa từng có tiền lệ. Khó khăn càng tăng cao khi một số nước tuyên bố đưa Huawei khỏi mạng lưới 5G của họ, khiến chính quyền Bắc Kinh hứng thêm áp lực.

Nếu đập Tam Hiệp sập...

Nhưng tất cả những tình huống như trên sẽ không là gì so với một viễn cảnh đập Tam Hiệp bị vỡ. Đây là một viễn cảnh đáng sợ nhưng không phải không thể xảy ra. Trước đó, một con đập ở Quảng Tây đã bị sập trong tháng 7. Tuy không có ai thiệt mạng nhưng nó đã gây ra lũ lụt khắp nơi.

Nếu đập Tam Hiệp sập, một lượng nước khổng lồ sẽ quét qua Dương Tử. Hồ chứa của công trình sẽ nhanh chóng vượt quá giới hạn chịu đựng và buộc phải xả hàng triệu mét khối nước.

Thiệt hại về nhân mạng trong trường hợp đó sẽ rất tàn khốc. Một số thành phố nhỏ vùng hạ lưu hiện có dân số khoảng 4-6 triệu người, trong khi Nam Kinh có 8,5 triệu dân và Vũ Hán 11 triệu.

Thiệt hại về vật chất sẽ rất khủng khiếp. Các thành phố như Vũ Hán sẽ chìm trong biển nước. Các vùng trồng trọt bị xóa sổ, khiến năng lực sản xuất thực phẩm của Trung Quốc càng suy giảm. Khi đó, nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi về khả năng tự cung tự cấp của Trung Quốc.

Kinh tế thế giới cũng vì thế mà ảnh hưởng, không chỉ do các chuỗi cung ứng bị gián đoạn mà còn vì ảnh hưởng tài chính từ một thảm họa lớn như vậy. Trung Quốc có thể nhập khẩu thực phẩm, nhưng ngay cả điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến các thị trường thực phẩm trên toàn cầu.

Viễn cảnh đó còn đồng nghĩa với việc tái phân bổ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc từ các dự án khác, chẳng hạn sáng kiến Vành đai và Con đường, và làm ảnh hưởng đến một loạt các quốc gia vốn đang hy vọng cải thiện được cơ sở hạ tầng nhờ các dự án do Bắc Kinh tài trợ.

Thanh Hảo

Ảnh vệ tinh tiết lộ bất ngờ về đập Tam Hiệp Trung Quốc xả lũ Ảnh vệ tinh tiết lộ bất ngờ về đập Tam Hiệp Trung Quốc xả lũ
Đập Tam Hiệp ở Trung Quốc làm trầm trọng hơn lũ lụt Vũ Hán? Đập Tam Hiệp ở Trung Quốc làm trầm trọng hơn lũ lụt Vũ Hán?
Đập Tam Hiệp làm Vũ Hán tổn thất dự án đầu tư mới Đập Tam Hiệp làm Vũ Hán tổn thất dự án đầu tư mới

/ vietnamnet.vn