Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc mới đây đã công bố khái niệm về “siêu chiến hạm”, một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân được trang bị súng điện từ, qua đó làm sống lại một khái niệm cũ thời Liên Xô và phù hợp với “chiến lược pháo đài” của nước này trên mặt biển.
Ông Mã Vĩ Minh, nhà khoa học Hải quân hàng đầu của Trung Quốc, đã đề xuất mẫu tàu sân bay của tương lai có thể biến các hạm đội hải quân thành các siêu chiến hạm kiểu “Chiến tranh giữa các vì sao”. Nhà khoa học Mã Vĩ Minh khẳng định “nó không giống bất kỳ con tàu nào mà thế giới từng thấy”.
Hiện tại, các nền tảng tác chiến hải quân trên khắp thế giới, các nhóm tác chiến tàu sân bay trở nên phức tạp hơn vì nhiệm vụ đa dạng mà chúng phải thực hiện. Điều này khiến chúng khó phối hợp hành động hiệu quả, đồng thời cũng tốn kém khi chế tạo và vận hành.
Theo ông Mã Vĩ Minh, siêu chiến hạm của Trung Quốc có thể thực hiện nhiệm vụ của gần như toàn bộ hạm đội tàu sân bay, với hệ thống tác chiến hải quân mới, kết hợp vũ khí điện từ và hệ thống điện chạy bằng năng lượng hạt nhân mạnh mẽ. Siêu chiến hạm có thể chở nhiều máy bay nhưng khác với các tàu sân bay truyền thống vì nó được trang bị nhiều vũ khí điện từ như súng điện từ, súng cuộn điện từ, bệ phóng tên lửa, vũ khí laser và bộ phát vi sóng cường độ cao.
Các công nghệ tiên tiến của siêu chiến hạm có thể biến đổi thông minh và hiệu quả nguồn năng lượng của con tàu thành năng lượng điện từ cần thiết để cung cấp năng lượng cho vũ khí công suất cao. Những vũ khí chủ lực của siêu chiến hạm bao gồm hệ thống tên lửa phóng điện có thể nạp đạn tự động, cho phép nó phóng tên lửa liên tục và nhanh chóng, do đó hiệu quả hơn nhiều so với hệ thống phóng tên lửa truyền thống thường đòi hỏi một khoảng thời gian nhất định để nạp đạn và khai hỏa. Ngoài ra, súng điện từ cũng là thứ vũ khí đáng gờm khi nó có thể bắn trúng mục tiêu trong không gian gần với đạn dẫn đường có tốc độ gấp 7 lần tốc độ âm thanh.
Những thứ vũ khí hiện đại này có thể giúp “siêu chiến hạm” phòng thủ mạnh mẽ trước các cuộc tấn công trên không, tham gia chiến tranh chống tàu ngầm, đánh chặn tên lửa và thực hiện các cuộc tấn công chính xác vào cả mục tiêu trên biển và trên bộ.
“Siêu chiến hạm” của Trung Quốc có thể là phiên bản hiện đại dựa trên khái niệm “tàu tuần dương hàng không” của Liên Xô. Tàu tuần dương hàng không kết hợp các tính năng của tàu sân bay và tàu tuần dương. Không giống như các tàu sân bay truyền thống chỉ dựa vào lực lượng tấn công của phi đội trên tàu, tàu tuần dương hàng không cũng có thể đối phó với các mối đe dọa trên mặt đất, trên không và trên biển bằng những loại vũ khí tiên tiến.
Những tàu như vậy bao gồm các tàu sân bay lớp Kiev và Đô đốc Kuznetsov. Không giống như các tàu sân bay của Mỹ, được thiết kế chủ yếu như các căn cứ không quân nổi để triển khai sức mạnh toàn cầu, các tàu tuần dương hàng không hỗ trợ và bảo vệ các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân (SSBN), tàu mặt nước và máy bay ném bom mang tên lửa.
Tuy nhiên, việc thiết kế tàu chiến kết hợp nhiều khả năng khác nhau, với một nửa tàu thuộc loại này và nửa còn lại thuộc loại khác, thường dẫn đến thất bại. Khiếm khuyết này thể hiện rõ trong trường hợp tàu tuần dương hàng không của Liên Xô, vốn có vũ khí kém linh hoạt, sàn đáp máy bay nhỏ, quá ít máy bay trên tàu, tầm hoạt động ngắn và khả năng đi biển kém. Ngoài ra, chúng còn đắt hơn các tàu sân bay hoặc tàu chiến mặt nước có kích thước tương tự.
Mặc dù vậy, những tiến bộ công nghệ ngày nay, bao gồm phát triển súng điện từ, động cơ đẩy hạt nhân và công nghệ phát hiện tàu ngầm, có thể khiến khái niệm “tàu tuần dương hàng không” trở nên khả thi trở lại khi nó gắn với “chiến lược pháo đài” của Trung Quốc. Căn cứ tàu ngầm lớn ở Hải Nam cho thấy Trung Quốc đang đi theo hướng này với hạm đội SSBN của mình.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc hiện đang nỗ lực giải quyết các vấn đề về phát triển súng điện từ. Họ đang tăng cường thử nghiệm vũ khí và tìm kiếm các giải pháp sáng tạo, chẳng hạn như phủ lớp kim loại lỏng lên đường ray của súng điện từ để giảm sự mài mòn khi bắn và sử dụng lớp phủ đặc biệt để giảm thiểu thiệt hại do bắn liên tục.
Ông Mã Vĩ Minh cho biết, việc áp dụng công nghệ phóng điện từ trong hải quân Trung Quốc trong những năm gần đây là kết quả của hơn hai thập kỷ làm việc chăm chỉ và cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ phương Tây.
Theo vị chuyên gia này, Mỹ dẫn đầu trong lĩnh vực này từ những năm 1980, nhưng bước sang thiên niên kỷ mới, các nhà khoa học Trung Quốc nhận được sự hỗ trợ lớn và bền bỉ hơn từ chính phủ nước này so với các đối thủ cạnh tranh. Ví dụ, dự án CG(X) là một chương trình của hải quân Mỹ nhằm phát triển một lớp tàu tuần dương tên lửa dẫn đường mới, được trang bị các hệ thống vũ khí tiên tiến, bao gồm hệ thống phóng điện từ. Chương trình này đã bị hủy bỏ từ năm 2010 vì “yêu cầu công nghệ quá cao và chi phí quá đắt”.
Chương trình súng điện từ của hải quân Mỹ là một dự án khác nhằm phát triển súng điện từ công suất cao để sử dụng trong chiến tranh tương lai. Tuy nhiên, chương trình phải đối mặt với những thách thức kỹ thuật liên quan đến cung cấp năng lượng, tản nhiệt và đã bị thu hẹp trong những năm gần đây. Điều này làm chậm tiến độ của Mỹ trong lĩnh vực này, nhưng tạo cơ hội cho Trung Quốc giành lợi thế trong cuộc đua phát triển các hệ thống phóng điện từ tiên tiến và hiệu quả hơn.
Trung Quốc tiết lộ dự án siêu chiến hạm? - Báo An ninh thế giới (cand.com.vn)