The Guardian đưa tin, các nước Thái Bình Dương đã từ chối ký kết thỏa thuận kinh tế và an ninh khu vực sâu rộng do Trung Quốc đề xuất.

Thông tin này được phía Trung Quốc xác nhận tại cuộc họp báo sau hội nghị giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và ngoại trưởng các quốc đảo Thái Bình Dương. Cuộc họp báo diễn ra hôm 30/5, có sự tham dự của ông Vương Nghị và Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama.

Đại sứ Trung Quốc tại Fiji nói rằng mặc dù có "sự ủng hộ chung" đối với thỏa thuận trong cuộc họp giữa các bộ trưởng ngoại giao, song thỏa thuận này đã bị gạt sang một bên sau khi một số quốc gia Thái Bình Dương bày tỏ lo ngại.

vuong-nghi-1-14205512
Tham vọng của Trung Quốc trong việc đạt thỏa thuận sâu rộng với loạt quốc đảo Thái Bình Dương đô vỡ. 

Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama cũng ám chỉ đến bất đồng quan điểm giữa một số quốc gia tại cuộc họp, nhấn mạnh nhóm này có cách tiếp cận theo hướng dựa trên “trước hết là sự đồng thuận”.

Sau cuộc họp, ông Vương Nghị nói rằng Trung Quốc sẽ công bố tài liệu về lập trường của mình để định hình sự đồng thuận và hợp tác giữa Bắc Kinh và các quốc đảo Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Vương Nghị cũng cho hay, Trung Quốc sẽ cung cấp hỗ trợ cho các quốc đảo Thái Bình Dương mà “không có ràng buộc về chính trị”.

Trung Quốc và Fiji đã ký ít nhất 3 thỏa thuận sau cuộc gặp giữa ông Vương Nghị với quan chức quốc đảo này. Ông Vương Nghị cho biết Bắc Kinh sẽ mở rộng hợp tác về kinh tế, thương mại, nông nghiệp, ngư nghiệp, du lịch, hàng không dân dụng, giáo dục, thực thi pháp luật và quản lý khẩn cấp... với Fiji.

Ngoại trưởng Vương Nghị đang có chuyến công du đến 8 nước ở Thái Bình Dương. Trước khi đến Fiji, ông Vương Nghị đã thăm quần đảo Solomon. Dự kiến ông sẽ đến thăm Tonga, Vanuatu, Papua New Guinea và Đông Timor trong những ngày tới.

Theo nhận định giới chuyên gia, chuyến đi này phản ánh nỗ lực thúc đẩy ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Dự thảo thỏa thuận đầy tham vọng của Trung Quốc với các quốc đảo Thái Bình Dường bị rò rỉ vào tuần trước. Nội dung bao gồm loạt vấn đề từ hợp tác thương mại tự do với khu vực, đến cung cấp cứu trợ nhân đạo và COVID-19.

Trung Quốc cũng đưa ra tầm nhìn về một mối quan hệ chặt chẽ hơn nhiều với Thái Bình Dương, đặc biệt là về các vấn đề an ninh, với việc Trung Quốc đề xuất sẽ tham gia đào tạo cảnh sát, an ninh mạng, lập bản đồ biển và tiếp cận nhiều hơn với các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Trước khi thỏa thuận sâu rộng này bị rò rỉ, Trung Quốc ký kết một thỏa thuận an ninh song phương gây tranh cãi giữa quần đảo Solomon. Động thái này gây quan ngại cho phương Tây, khiến Australia, New Zealand và Mỹ phải điều quan chức ngoại giao đến Solomon, hối thúc lãnh đạo quần đảo này không ký thỏa thuận.

KÔNG ANH / VTC News