Xe tự hành Yutu Thỏ Ngọc đã có phát hiện mang tính đột phá củng cố thêm dự đoán của các nhà khoa học hàng thập kỷ qua rằng mặt trăng có lớp phủ giống như trái đất.
Các nhà khoa học từ lâu hoài nghi mặt trăng có một lớp phủ dưới lớp vỏ giống như trái đất. Nhưng trong 60 năm qua, các cuộc thám hiểm mặt trăng, gồm các sứ mệnh của tàu Apollo của Mỹ , đã không thể chứng minh điều này mà chỉ tìm được các manh mối.
"Chúng ta đã làm được điều đó" - Giáo sư Li Chunlai, Phó giám đốc Đài quan sát Thiên văn Quốc gia Trung Quốc và là nhà khoa học dẫn đầu sứ mệnh Hằng Nga 4, đưa xe tự hành Thỏ Ngọc lên mặt trăng, cho biết.
Xe tự hành Yutu (Thỏ Ngọc) có phát hiện mang tính đột phá trên mặt trăng. Ảnh: Xinhua
Các phát hiện được công bố trên tạp chí khoa học Nature hôm 16-5 làm rõ những thắc mắc cơ bản về mặt trăng, như cấu trúc địa chất và lịch sử hình thành của hành tinh này.
Trong sứ mệnh đầu tiên hôm 3-1, Thỏ Ngọc đã phát hiện quặng olivine - loại khoáng chất kết tinh màu xanh lá cây thường được tìm thấy rất sâu dưới lòng đất giống tầng lớp phủ trên của trái đất - trong các mẫu đất đá bề mặt được thu thập gần nơi nó đáp xuống.
Các phân tích sâu hơn cho thấy olivine không bắt nguồn từ địa điểm đó mà đến từ một hố sâu có bán kính 72 km ở bên cạnh.
Vùng tối của Mặt Trăng có nhiều miệng hố hơn vùng sáng đối diện với trái đất và một thiên thạch rơi xuống mặt trăng nhiều khả năng đã xuyên qua lớp phủ đưa vật chất lên bề mặt.
Ông Li cho rằng khu vực mà Yutu đáp xuống từng là nơi có nhiều đá nhưng các tia vũ trụ và gió mặt trời đã biến chúng thành bụi. Nhà khoa học này nói thêm: "Những gì chúng tôi tìm thấy là bằng chứng trực tiếp đầu tiên của các vật chất từ sâu bên dưới lớp vỏ mặt trăng mặc dù độ sâu vẫn chưa được xác định".
Mặt trăng được cho là từng được bao phủ bởi các đại dương đá nóng chảy. Các chất nhẹ hơn nổi lên bề mặt và tạo thành một lớp vỏ trong khi vật chất nặng hơn chìm xuống để tạo thành lớp phủ và lõi. Những phát hiện của Thỏ Ngọc đang củng cố lý thuyết đó.
Trung Quốc là nước đầu tiên đưa tàu vũ trụ lên vùng tối của mặt trăng và có kế hoạch gửi một tàu vũ trụ lớn hơn lên đó vào cuối năm nay để mang về các mẫu vật.
Các phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc sẽ đáp lên mặt trăng trong khoảng thời gian từ 2025 đến 2030 theo lịch trình mới nhất của Bắc Kinh. Trung Quốc, Mỹ và một số quốc gia khác đều đã công bố kế hoạch khởi động khai thác tài nguyên trên mặt trăng trong vòng một hoặc hai thập kỷ tới.
Bức ảnh mặt trăng khó tin chụp từ sân vườn nhà Bức ảnh có kích thước 6.000 x 6.000 px, được chụp bằng 2 máy ảnh và ghép từ 250.000 khung hình khác nhau. |
Mặt trăng ngày càng teo tóp Các bức ảnh được chụp bởi tàu Lunar Reconnaissance Orbiter (LRO) của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy mặt trăng ... |
Xuân Mai (Theo SCMP)