Tết năm nào cũng thế, chuyện thẳng tay “chặt chém” du khách không thương tiếc luôn khiến dư luận bức xúc.
Những ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đã trôi qua, số người tử vong vì TNGT vẫn cao. Trong 9 ngày nghỉ Tết, toàn quốc xảy ra 276 vụ tai nạn giao thông, trong đó xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, TNGT cướp đi sinh mạng của 183 người. Đó là một tổn thất lớn.
Bên cạnh đó, 2 vụ nhà hàng “chặt chém” du khách đều xảy ra ở Nha Trang cũng làm cho hình ảnh của thành phố du lịch xinh đẹp này giảm điểm. Thứ nhất là vụ ở nhà hàng Hưng Phát với hóa đơn khiến nhiều người “ngã ngửa” không dám tin vào mắt mình: Đĩa trứng xào cà chua có giá 500.000 đồng, nghêu hấp 400.000 đồng, đậu bắp luộc 300.000 đồng…
Thứ hai là một nhà hàng khác ở khu Tháp Bà- Nha Trang với hóa đơn tính đơn giá 1 bát cháo 400.000 đồng, rau mồng tơi xào và khổ qua xào đều có đơn giá 250.000 đồng.
Thật ngán cho kiểu kinh doanh “chặt chém” du khách kiểu này. Mặc dù chủ nhà hàng ở khu Tháp Bà giải thích bát cháo 400.000 đồng có tôm hùm còn mồng tơi, khổ qua đều có kèm thêm thịt bò, tuy nhiên theo những gì thể hiện trong hóa đơn đều không thấy tôm hùm hay thịt bò đâu cả.
Một bữa ăn với những món ăn đắt đỏ, giá cả trên trời như thế, khác nào du khách đang nuốt dao vào bụng, miếng nào miếng nấy đều gây … “đứt ruột”, xót tiền.
Những tờ hóa đơn ấy, dù là nhằm vào đối tượng khách nào, trong nước hay ngoài nước, chỉ có một tác dụng thật nhanh, đó là đuổi khách mau chóng, khiến họ 1 đi không trở lại. Và tờ hóa đơn ấy, sẽ lan truyền với tốc độ chóng mặt, để “tiếng dữ đồn xa”, khiến những du khách khác đang có ý định đến với Nha Trang phải bỏ ngay ý định mà quay đầu tìm nơi khác.
Ngẫm cũng thật buồn cho văn hóa kinh doanh của một bộ phận người Việt. Họ không nhìn xa trông rộng, họ bất chấp đạo lý, bất chấp tình nghĩa, họ chỉ nhìn thấy khách là những “con gà đẻ trứng vàng” để xúm vào vặt lông, vắt cho kiệt đến những đồng tiền cuối cùng.
Những người kinh doanh như thế, khác nào kẻ cướp, khác nào những kẻ lừa đảo, trấn lột? Ấy thế nhưng họ vẫn ngày này qua tháng khác, ung dung nhởn nhơ lột tiền của du khách từ nơi xa đến, không chút áy náy hay ăn năn.
Một kiểu làm ăn chụp giật, vô đạo đức như vậy, chắc chắn sẽ không có được những lợi ích lâu dài, những đồng tiền họ kiếm được từ những màn mài máy chém để “chặt chém” du khách như thế, chắc chắn sẽ là những đồng tiền “đoạn tình đoạn nghĩa”, không có hậu về sau.
Du khách vốn ngại phiền toái, họ thà ôm cục tức trong lòng, và quyết tâm “không quay trở lại”, cùng bất đắc dĩ mới phải lên tiếng như trong những trường hợp kể trên. Vậy các cơ quan công quyền sở tại đã làm gì để giúp họ hay chỉ xác minh rồi phạt ít tiền lấy lệ, rồi thả nổi buông trôi?
Nếu những chủ hộ kinh doanh biết đến hai chữ “đạo lý”, chắc chắn sẽ không có những màn chặt chém vô lương tâm như thế xảy ra. Một cộng đồng sống với nhau mà không biết tôn trọng “đạo lý”, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà làm những việc vô đạo thì quả thực là một mối nguy nan cho tất cả các thành viên trong cộng đồng ấy.
Mi An
Nhà hàng ở Nha Trang "chặt chém" khách sẽ bị xử phạt thế nào? 2 cửa hàng ở Nha Trang có hành vi "chặt chém" khách, nếu không niêm yết giá hàng hóa và bán cao hơn mức giá ... |
Thêm quán ăn ở Nha Trang bị tố ‘chặt chém’ 250.000 một đĩa mồng tơi Khi cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đang xác minh nhà hàng Hưng Phát bị tố “chặt chém” du khách, trên mạng xã hội ... |
Xác minh nhà hàng Nha Trang bán 3 phần trứng xào cà chua giá 1,5 triệu Theo phiếu thanh toán lan truyền trên mạng, nhà hàng Hưng Phát ở Nha Trang tính tiền một phần cơm trắng 200.000 đồng, trứng xào ... |
Bất ngờ lý do nhà hàng ở Nha Trang chém đẹp du khách Malaysia Trứng xào cà chua 500.000 đồng/phần, đậu bắp luộc 300.000 đồng/phần, cơm trắng 200.000 đồng/phần... là số tiền phi lý mà 1 nhà hàng ở ... |