Giáo sư Sir Richard Henry Friend chia sẻ về quá trình ông nhận lời mời và giá trị mà giải thưởng VinFuturemang lại cho xã hội.

20h tối nay (20/1) sẽ diễn ra lễ trao giải đầu tiên của VinFuture tại Hà Nội. Đây là sự kiện khoa học mang tầm cỡ thế giới do Quỹ VinFuture tổ chức. Quỹ VinFuture do vợ chồng tỷ phú Phạm Nhật Vượng sáng lập vào tháng 12/2020.

Để chọn ra những công trình khoa học xứng đáng với các giải thưởng, vai trò của Hội đồng giải thưởng vô cùng quan trọng. Một trong những người cầm cân nảy mực là giáo sư Sir Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng danh giá này. Ông cũng là một trong những nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới hiện nay với hơn 20 bằng sáng chế, 164.623 trích dẫn khoa học trong các công bố khoa học uy tín trên thế giới, là tác giả và đồng tác giả của hơn 1.000 ấn phẩm khoa học.

GS Sir Richard Henry Friend cho biết, giải thưởng VinFuture năm nay dựa vào 2 tiêu chí cốt lõi. Thứ nhất là tính đổi mới sáng tạo thực sự rõ nét. Thứ hai là mang lại lợi ích xã hội to lớn. Đây cũng là giá trị cốt lõi mang lại nét đặc trưng tạo ra nét đặc biệt của giải thưởng VinFuture với các giải thưởng khác trên thế giới.

Trước giờ G, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture chia sẻ gì? - 1
Giáo sư Sir Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture.

"Để tìm ra được chủ nhân 4 giải thưởng lớn năm nay, ban tổ chức và hội đồng giải thưởng chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Chúng tôi đã tìm kiếm trên phạm vi toàn thế giới để có được những hồ sơ ứng tuyển, những ứng viên xuất sắc nhất. Đó quả thực là khối lượng công việc khổng lồ, và để làm được thì cần đội ngũ nhân sự chất lượng tham gia tổ chức giải thưởng", ông nói.

Bản thân ông đánh giá cao đội ngũ này bởi họ làm việc rất chuyên nghiệp. Xuất phát điểm từ con số 0, sau vài tháng phát động hàng ngàn ứng viên, công trình nộp đơn tham gia.

VinFuture là giải thưởng khoa học toàn cầu, do đó Hội đồng Giải thưởng phải mang tính đại diện ở cấp độ toàn cầu. Trong quá trình xét giải, hội đồng không ưu tiên bất cứ quốc gia nào hay nhà khoa học nào, kể cả các công trình, nhà khoa học ở Việt Nam cũng không được ưu tiên. Tiêu chí của hội đồng giải thưởng là đổi mới, sáng tạo và cân đối với những lợi ích mang lại cho xã hội, từ đó quyết định xem giải thưởng sẽ thuộc về nhà khoa học nào.

Giải thưởng VinFuture muốn gửi đi thông điệp mạnh mẽ với thế giới: "Những thế hệ tới đây của Việt Nam sẽ thịnh vượng, tràn đầy niềm tin và tự tin, khẳng định vai trò là động lực cho phát triển của đổi mới sáng tạo".

Về cơ duyên đến với giải thưởng này, GS Sir Richard Henry Friend cho biết, người đầu tiên mời ông tham gia là GS Nguyễn Thục Quyên, Khoa Hóa & Hóa sinh, Đại học California, Santa Barbara, Mỹ. Bà là bạn, người đồng nghiệp và cũng là đồng Chủ tịch Hội đồng sơ khảo giải thưởng VinFuture.

Theo ông, sứ mệnh của khoa học - công nghệ là làm sao kết nối để mang lại những lợi ích cho xã hội. Đây có vẻ như là điều tất nhiên nhưng khoảng 100 năm trở lại đây dần bị lãng quên. Nhiều người lầm tưởng khoa học chỉ là nghiên cứu thuần túy và vẫn chưa để ý tới khía cạnh mang lại lợi ích cho xã hội.

Trong khi đó, ý tưởng của VinFuture là kết nối, hỗ trợ những phát kiến khoa học công nghệ để mang lại lợi ích cho xã hội. Ông đánh giá ý tưởng này hết sức tuyệt vời. Ông thấy hân hạnh khi được tham gia từ đầu và chứng kiến toàn bộ quá trình phát triển của giải thưởng VinFuture.

Lễ trao giải VinFuture là hoạt động thường niên của quỹ VinFuture trao cho 4 công trình khoa học trên thế giới. Trong đó giải cao nhất (giải thưởng chính) trị giá 3 triệu USD, 3 giải còn lại (giải đặc biệt) trị giá 500.000 USD. Không chỉ giá trị tiền lớn mà giải thưởng VinFuture cũng giúp nâng cao tiếng nói của các nhà khoa học nữ và các nhà khoa học tới từ các quốc gia đang phát triển và nhà khoa học nghiên cứu trong lĩnh vực mới.

"Tôi rất mong VinFuture sẽ trở thành giải thưởng toàn cầu về lâu dài. Để mang lại những giá trị lớn hơn cho khoa học và nhân loại", ông Sir Richard Henry Friend nhấn mạnh.

Sir Richard Henry Friend (SN 1953) là nhà Vật Lý học người Anh, giảng viên ngành Vật Lý, phòng thí nghiệm Cavendish tại Đại học Cambridge. Phòng thí nghiệm Cavendish là trung tâm danh tiếng bậc nhất thế giới trong việc đào tạo và nghiên cứu Vật lý kể từ khi được thành lập năm 1874.

Ông chính là người khai sinh ra công nghệ OLED ứng dụng rộng rãi trên toàn cầu. Các nghiên cứu về OLED của ông được coi như cuộc cách mạng phát triển các màn hình phẳng, các màn hình cuộn và màn hình chuyển động linh hoạt ở hiện tại và cả trong tương lai.

Ngoài công tác giảng dạy, nghiên cứu, ông đang là giám đốc chương trình Winton về Vật Lý Bền Vững, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Maxwell.

GS Sir Richard Henry Friend là một trong những nhà Vật Lý có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới. Ngoài VinFuture, ông đảm nhiệm vị trí giám khảo nhiều giải thưởng danh giá trên thế giới.

Hà Cường

Giải thưởng VinFuture: Tôn vinh những phát kiến khoa học vì hàng triệu người Giải thưởng VinFuture: Tôn vinh những phát kiến khoa học vì hàng triệu người
Chủ nhân giải Nobel Vật lý: Giải thưởng VinFuture tương đồng với Nobel Chủ nhân giải Nobel Vật lý: Giải thưởng VinFuture tương đồng với Nobel

/ vtc.vn