Thương lái Trung Quốc rất nhiều lần gây sốt khi lùng sục thu gom các mặt hàng lạ đời sau đó biến mất, để lại hậu quả nặng nề cho nông dân và nông nghiệp Việt Nam.
Hậu quả khủng khiếp
Năm 2004, phong trào “giết trâu lấy móng” để bán cho thương lái Trung Quốc đã diễn ra rầm rộ ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam. Lúc bấy giờ giá của bốn cái móng có khi bằng cả con trâu, nên một số người không ngần ngại giết châu, chặt móng để đem đi bán.
Thậm chí, vì hám lợi mà nhiều người đã trở thành "trâu tặc", chuyên đi rình bắt trộm trâu. Nạn này diễn ra trong một thời gian ngắn, nhưng đã nhanh chóng làm cho số lượng trâu tại các vùng trồng trọt giảm rất mạnh. Về sau, những năm 2012, "cơn sốt" giết trâu, bò để chặt đuôi, bán cho thương lái Trung Quốc lại diễn ra một lần nữa, khiến nông dân Việt lao đao.
Ở Bình Phước từng xuất hiện nhiều thương lái Trung Quốc thu mua lá điều với giá 500 - 1.000 đồng/kg. Đây là mức giá hấp dẫn với người dân trong khi từ trước tới nay, lá điều khô chỉ là thứ bỏ đi, không ai nhặt. Vì vậy mà người dân cứ đổ xô đi gom, phơi khô lá điều để bán. Thậm chí nhiều hộ còn "tận diệt" lá điều bằng cách phun thuốc để lá rụng khô.
Sau một thời gian thu gom ồ ạt, đến khi chính quyền địa phương lên tiếng cảnh báo thì các đầu nậu thu gom lá điều khô đồng loạt "biến mất", khiến nông dân "méo mặt" vì đã trót thu gom lá nhưng giờ không biết bán cho ai. Tệ hại hơn nữa là họ phải đối diện với một mùa thất bát về sau vì cây điều đã chịu tổn hại lớn.
Thương lái Trung Quốc lùng sục, đẩy giá thu mua móng trâu vào đầu năm 2004.
Hay như vào giữa năm 2013, thương lái Trung Quốc đổ về Phú Yên hỏi mua ngọn, thân cây sắn với giá mỗi bó cây sắn (20 cây) là 6.000 đồng. Điều này gây nhiều bất ngờ bởi sắn vốn được trồng để lấy củ, còn phần thân ngọn gần như không có giá trị sử dụng. Vì thế mà không ít người dân đổ xô đi chặt sắn để bán, khiến loài cây này bị tàn phá một cách không thương tiếc.
Năm 2017, tại nhiều xã thuộc huyện Quế Phong (Nghệ An), nhiều người dân đã bỏ nghề, tập trung tìm bắt đỉa mang về bán cho thương lái Trung Quốc với giá cao từ 400.000 - 600.000 đồng/kg. Sau một thời gian đẩy giá lên rất cao, khiến cho bà con nông dân bỏ cả việc đồng áng, người người, nhà nhà đi thu gom đỉa để làm giàu thì thương lái Trung Quốc đột ngột ngừng mua và biến mất.
Cơn sốt đỉa chưa nguôi, các thương lái Trung Quốc lại chuyển sang mua ốc bươu vàng, loài vật từng gây họa cho đồng ruộng. Tại thời điểm đó, giá 1kg ốc còn cao hơn cả 3kg thóc. Đỉnh điểm, khi cơn sốt ốc bươu vàng lan rộng, vì hám lợi trước mắt, bất chấp những cảnh báo từ cơ quan chức năng, thay vì phải tận diệt thì đã có không ít hộ dân lại đào ao nuôi loại ốc này. Và hậu quả là chính nông dân bị ảnh hưởng nặng nhất do ốc bươu vàng phá hoại mùa màng.
Nhiều người dân nuôi ốc bươu vàng để bán cho thương lái trung quốc.
Ngoài ra, các mặt hàng như cau non, cau già, lá mãng cầu xiêm…và hàng loạt các mặt hàng lạ đời khác cũng từng được thương lái Trung Quốc thu mua với chung một kịch bản. Cách làm của họ thường là giấu mặt, bỏ tiền thuê người Việt là đầu mối thu mua, dùng hiệu ứng “tâm lý đám đông”, đánh đúng vào lòng tham vì lợi ích trước mắt của nhiều người.
Sau khi chính quyền địa phương vào cuộc điều tra, đưa ra cảnh báo hoặc có sự phản ứng từ phía người dân, thì thương lái dừng mua và biến mất. Đầu mối thu mua của Việt Nam đến lúc đó không tìm thấy thương lái Trung Quốc đâu nên chỉ biết khóc dở, mếu dở, vì đã “găm hàng” với khối lượng lớn.
Ngoài ra, nguyên tắc chung của các thương lái Trung Quốc chính là: Tung tin đồn, đẩy giá cao và mua số lượng lớn; mua không cần chú ý đến chất lượng, nhiều khi còn yêu cầu nông dân “pha tạp” sản phẩm. Hậu quả là nông dân khốn đốn khi “bờ xôi ruộng mật” của họ nay xơ xác vì bị tận thu.
Càng những thứ quý hiếm càng mua nhiều
Vào tháng 11/2012, hàng trăm người dân huyện Tu Mơ Rông, huyện Kon Plông - Kon Tum đã đổ xô lên rừng tìm cây kim cương về bán cho thương lái Trung Quốc với giá 1 triệu đồng/kg. Người dân không quản nguy hiểm vào rừng để "săn lùng" cây kim cương và chỉ sau một thời gian ngắn, loại cây quý này nguy cơ bị tiêu diệt.
Cây kim cương từng bị tận diệt khi thương lái Trung Quốc trả giá cao.
Trước đó, thương lái Trung Quốc còn phao tin rằng sưa - một loại gỗ quý của Việt Nam - có thể chữa được bách bệnh nên muốn thu mua với giá cao.
Thấy lãi, không chỉ người dân mà "sưa tặc" bắt thi nhau chặt trộm gỗ sưa quý hiếm lâu đời trong rừng bán cho người Trung Quốc, khiến lượng gỗ quý này hiện giờ chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay.
Hay những tháng đầu năm 2014, ở Nghệ An, thương lái Trung Quốc xuất hành và tiến hành thu gom lá chua ke với giá 7.000-8.000 đồng/kg. Hàng trăm người đã đổ xô vào rừng tìm kiếm và nhổ sạch loài cây quý này.
Sau khi triệt thu các loại cây khác như máu chó, hoàng đằng, củ ba mươi, cây khúc khắc (thổ phục linh)… thương lái lại săn lùng mua thân cây cu li tươi với giá 2.500-4.000 đồng/kg. Hậu quả là đến nay, rất hiếm khi người ta thấy được bóng dáng của những loại cây này.
Cũng trong năm 2014, trên địa bàn xã Ia Blang (huyện Chư Sê) xuất hiện một số người tự ý đứng ra thu gom gốc, rễ tiêu rồi về bán lại cho đầu mối tại TP Pleiku và cho thương lái Trung Quốc. Giá mua rễ tiêu dao động quanh mức 45.000 đồng/kg. Nhiều người nghèo ham lợi đã đào bới trộm rễ tiêu đem bán, khiến hàng chục ha tiêu bị hủy hoại.
Nhận thấy có dấu hiệu bất thường, chính quyền tỉnh đã cảnh báo bà con việc thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua rễ tiêu là để làm cây tiêu mất sức, năng suất giảm mạnh, mất mùa và đó chính là cơ hội để tiêu Trung Quốc thâm nhập vào thị trường Việt Nam.
Bỏ ngoài tai mọi cảnh báo vì lợi nhuận
Trước những hành động thu mua kỳ dị của thương lái Trung Quốc, không ít lần giới chuyên gia và lãnh đạo địa phương lên tiếng khuyến cáo, tìm cách ngăn chặn.
Trả lời VTC News, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) từng nhấn mạnh: "Chúng ta đã có quá nhiều bài học về việc phá bỏ cây này, trồng cây kia khi giá lên cao và không theo định hướng, không có thị trường ổn định. Rồi khi không bán được, không có người thu mua thì người dân lại lao đao. Vì thế người dân đừng thấy giá tăng một cách ồ ạt mà vội vàng phá bỏ loại cây này để trồng cây kia, đến khi thương lái không mua nữa thì cơ quan chức năng không can thiệp được vì đây là hành động tự phát".
Cảnh báo về việc thương lái Trung Quốc thu gom cau non thời điểm đầu năm nay, ông Cường cho rằng, điều này sẽ khiến người dân trồng cau một cách ồ ạt, dẫn đến nguy cơ khủng hoảng thừa. Ông Cường lo ngại, việc thương lái Trung Quốc tăng mua chỉ mang tính đột biến và nhất thời chứ không theo quy luật thị trường như các nông sản xuất khẩu khác.
Ông Cường cũng dẫn lại những hệ lụy đã từng xảy ra từ việc phát triển ồ ạt khiến giá cả lên xuống thất thường. Cụ thể, đầu năm 2022, ở nhiều tỉnh miền Tây diễn ra hiện tượng thanh long nghịch vụ (còn gọi là thanh long xông đèn) ế đầy đồng khi thương lái đột ngột dừng mua. Không ít thương lái nhỏ cũng bị thiệt hại số tiền đã đặt cọc trước đó, nhưng không thể yêu cầu các thương lái Trung Quốc bồi thường vì tất cả các giao dịch đặt cọc đều không rõ ràng, không có văn bản hay hợp đồng cụ thể.
Gần đây nhất, nói về những tác hại của vấn nạn kích điện giun đất, ông Nguyễn Như Cường tiếp tục cảnh báo: “Việc kích giun đất đang diễn ra tại nhiều địa phương, là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định, gây tác hại cho đất, hệ động vật và vi sinh vật, khiến cây trồng bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng”.
Người dân đua nhau đi gom giun đất về bán cho thương lái Trung Quốc.
GS Võ Tòng Xuân cũng từng đánh giá hành động của thương lái Trung Quốc là những chiêu bài làm giá thu lợi.
Ví dụ như với lá điều khô. Ở giai đoạn một, các thương lái Trung Quốc sẽ đưa thông tin cần mua một khối lượng lớn lá điều khô với giá 500 đồng/kg và chỉ vài ngày (giai đoạn 2) giá thu mua được đẩy lên 1.000 đồng/kg. Sau vài tuần (giai đoạn 3) tiếp tục đẩy lên gần 2.000 đồng/kg.
Khi thấy được thu gom giá cao, nông dân sẽ gom hết lá điều khô trong vườn, thậm chí có người hái lá điều xanh đem phơi khô rồi bán hay phun hóa chất để lá điều rụng hàng loạt bất chấp sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất của cây điều trong năm sau.
Thương lái nước ngoài sẽ thu mua lá điều vào giai đoạn 1, 2 và tiếp tục thổi giá nhưng không mua vào ở giai đoạn 3. Khi đó người dân lẫn thương lái Việt Nam sẽ đổ xô đi thu mua về chất đống để chờ bán lại. Đây cũng chính là thời điểm thương lái Trung Quốc mang chính lá điều khô đã mua với giá thấp ở giai đoạn 1, 2 để bán ra với giá ngất ngưởng, ăn chênh lệch rồi biến mất.
Ông Xuân phân tích, hậu quả là nền nông nghiệp và cả nền kinh tế bị thiệt hại nặng. Thu gom lá điều khô khiến vụ điều giảm năng suất, móng trâu khiến nông dân mất “đầu cơ nghiệp”, mất sức kéo. Đỉa, ốc bươu vàng đổ đầy đồng lại phát triển mạnh hủy hoại môi trường. Lá khoai lang mà cắt đi thì củ còn bao nhiêu hay chỉ còn rễ? Thị trường bị lũng đoạn, quy hoạch trồng trọt, chăn nuôi bị phá vỡ, xuất khẩu bị ảnh hưởng.
Mặc dù chuyên gia nhiều lần cảnh báo nhưng hầu hết người dân đều bỏ qua vì ham lợi nhuận hấp dẫn trước mắt. Chính vì thế, tình trạng "sập bẫy" thương lái Trung Quốc đã tái diễn nhiều lần và đến giờ vẫn chưa thể chấm dứt, gây hậu quả rất nặng nề cho nông dân và nông nghiệp Việt Nam.
Trước giun đất, thương lái Trung Quốc thu gom kỳ lạ, tạo cơn sốt ảo ở Việt Nam thế nào? (vtc.vn)