Năm 2013, vấn đề đánh thuế lãi tiền gửi tiềt kiện đã được nêu ra, nhưng sau đó bị gác lại. Tuy nhiên, những ngày qua, vấn đề này lại được xới lên và gây dư luận trái chiều.

Đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm gây tranh cãi
Lại đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm
Ảnh minh họa. Ảnh: Cafef.vn

Trước hết không nên áp đặt một tư duy luận đề rằng nên hay không nên đánh thuế, mà hãy nhìn về một vài con số để có cơ sở tham chiếu cho quan điểm nên hay không nên.

Suốt hàng chục năm qua, con số khoảng 500 tấn vàng trong dân luôn là một bài toán cần lời giải nhằm huy động để đầu tư phát triển kinh tế, sản xuất của đất nước. Những cơn sốt giá vàng vẫn thỉnh thoảng nổi lên nhưng chung qui lại tới nay Nhà nước, doanh nghiệp vẫn chưa thể huy động được nguồn lực 500 tấn vàng trong dân để phát triển kinh tế đất nước trong khi cứ mỗi năm qua đi, số vàng tích lũy trong dân càng tăng thêm, đồng nghĩa với việc những dòng tiền “đóng băng” càng lớn dần.

Vàng tích tụ trong dân ở trạng thái “ngủ sâu”, chẳng khác nào những dòng tiền trở thành những sông băng Kỉ Băng hà xa xưa. Trong khi đó, theo tiến sĩ Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, lượng tiền tích trữ trong dân còn rất lớn. Lượng tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng và tổ chức tài chính hàng năm hiện chỉ chiếm từ 28-30% GDP, trong khi nhu cầu vốn đầu tư bình quân khoảng 32% GDP mỗi năm.

Khoản hụt 2-4%, nếu không trông chờ vào tiền gửi của dân thì huy động từ nguồn nào? Cần biết rằng, các khoản huy động quốc tế ngày càng khó khăn và đòi hỏi các điều kiện, tiêu chuẩn khắt khe hơn khi Việt Nam đã bước vào ngưỡng các quốc gia thu nhập trung bình và bị giới hạn dần các khoản ưu đãi viện trợ để phát triển.

Từ 2-4% khoản hụt tối thiểu kia lấy từ đâu ra nếu không tạo chính sách kích thích người dân gửi tiết kiệm để “phá băng” 500 tấn vàng kia, hay để lượng tiền tích trữ trong dân được đưa vào gửi tại hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng nhiều thêm?

Các khoản gửi tiết kiệm lớn chủ yếu là ngắn hạn hoặc không kì hạn để chủ động xoay xở khi cần. Còn đa phần người gửi tiết kiệm lâu dài hiện nay, là các khoản tiền của người hưu trí, người già, người lao động tích lũy để mua nhà cửa, đất đai nhằm an cư lạc nghiệp. Nếu cứ phải đóng thuế lãi tiền gửi tiết kiệm, các khoản gửi có thể dừng lại, dòng tiền trở thành “sông băng”, không chỉ lượng vàng trong dân sẽ nở ra mà còn có thể gây ra những cơn sốt vàng sốt đôla vì dân chuyển hướng từ tiền gửi tiết kiệm sang, chẳng những không có được thêm nguồn thu thuế mà nguồn vốn để huy động đầu tư phát triển cũng sẽ càng thiếu hụt.

Trước khi đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm - hãy nghĩ về 500 tấn vàng vẫn còn đang tồn trữ trong dân!

https://laodong.vn/dien-dan/truoc-khi-danh-thue-lai-tien-gui-tiet-kiem-hay-nghi-ve-500-tan-vang-con-ton-tru-trong-dan-565442.ldo

/ Thế Lâm/Báo Lao động