Trường chuyên và lớp chuyên là một trong những loại hình đào tạo chất lượng cao mà thế giới, khu vực đã áp dụng. Phải có giáo dục tinh hoa đất nước mới có người tài.

Thầy Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Khoa học xã hội & nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra nhìn nhận về sự đào tạo và tồn tại của trường chuyên hiện nay.

Đào tạo toàn diện, sau đó mới nhân giống tinh hoa

Lợi ích của trường chuyên, lớp chọn theo thầy là thế nào?

Từ xưa đến nay từ thế hệ của chúng tôi và trước nữa, đã có hệ thống trường chuyên lớp chọn. Tỉnh nào cũng có trường năng khiếu hay trường chuyên. Và những trường không phải chuyên thì cũng có lớp chuyên như như trường PTTH Chu Văn An chẳng hạn.

Tôi nghĩ nếu hiểu cho đúng, đánh giá đúng thì trường chuyên và lớp chuyên là một trong những loại hình đào tạo chất lượng cao mà thế giới, khu vực người ta đều đã áp dụng như thế. Phải có giáo dục chất lượng cao hay là giáo dục tinh hoa.

truong chuyen khong giao duc tinh hoa khong co nguoi tai
Thầy Nguyễn Quang Liệu: Trường chuyên lớp chọn phải thu hút được học sinh giỏi, làm thế nào để các gia đình thu nhập thấp vẫn có thể cho con vào học. Ảnh: Thái An

Tôi đã sang Singapore để học tập mô hình của bạn. Tại nước này, các trường đại học đều có trường chuyên PTTH. Hệ thống trường trung học này được thừa hưởng tinh hoa của đại học và chính là cái nguồn đầu vào chất lượng cao nhất cho các trường đại học. Thái Lan cũng vậy, rất chú trọng đến chuyên PTTH.

Tuy nhiên cần bàn một cách sòng phẳng là chỗ này, chỗ kia người ta chạy theo thành tích, tập trung cho các em để đạt được kết quả này kia mà không chú trọng đến giáo dục thực sự cho các em. Theo tôi đó là sai lầm lớn nhất.

Anh muốn đào tạo tinh hoa thì trước hết anh phải đào tạo toàn diện, sau đó là chắt lọc tinh hoa. Ví dụ anh đào tạo chuyên về toán, toán rất giỏi nhưng kiến thức xã hội không có gì cả thì sau này anh sẽ trở thành người phiến diện. Việc mà xã hội đề cập tới nhiều hiện nay tôi cho là rất đúng. Cho nên trong giáo dục trường chuyên, lớp chọn phải đặt một vấn đề tiên quyết đó chính là toàn diện, sau đó mới nhân giống tinh hoa.

Về tình trạng nhà nhà ép con, kể cả con từ bậc tiểu học vào các lò luyện để thi đậu trường chuyên lớp chọn, thầy nhìn nhận thế nào? Có nên phân nhóm thí sinh thi một cách rõ ràng?

Đây là câu hỏi tôi cho là hay. Hay ở chỗ là chúng ta phải phân nhóm ra, không nên gộp vào từ tiểu học, cấp 2 hay cấp 3 vào chuyên hết. Rất nhiều loại chuyên, cấp chuyên mà không chú trọng vào đào tạo toàn diện, giáo dục toàn diện thì hết sức nguy hiểm.

Tôi cho rằng nhóm THPT là nhóm mà cần trường chuyên nhất, bởi vì đó là nguồn lực cho các trường đại học.

Đầu tư vào giáo dục tinh hoa đương nhiên phải lớn

Vậy quan điểm của thầy về đầu tư vào trường chuyên, lớp chọn?

Tôi cho rằng, đầu tư cho giáo dục tinh hoa phải đầu tư lớn là đương nhiên. Các gia đình khi đầu tư và con được vào những trung tâm đào tạo chất lượng cao thì cũng thấy tự hào. Tuy nhiên, cần có mục tiêu rõ ràng, để con phát triển toàn diện chứ không phiến diện.

Và thứ hai là vấn đề xã hội. Trường PTTH Chuyên KHXH&NV ngay từ khóa đầu tiên đã quy định rất rõ về mức thu chi, về học phí và các khoản phụ phí khác. Ví dụ, các em học chuyên ở đây thì nhận được khoản ngân sách khoảng từ 14-16 triệu đồng/năm, nên trường chỉ thu học phí 217 nghìn/tháng, còn phụ phí có thể thêm một chút chút nữa.

Bây giờ bắt các em đóng tiền triệu nữa thì lấy đâu ra. Những em bố mẹ công nhân, học lực giỏi làm sao học được.

Tôi cho rằng trường chuyên lớp chọn phải làm thế nào để thu hút được các em học sinh giỏi, làm thế nào để các gia đình thu nhập thấp vẫn có thể cho con vào học và thụ hưởng nền giáo dục chất lượng cao.

Thầy chia sẻ quan điểm như nào về việc gần đây nhiều người lên tiếng kêu gọi giải thể hoặc tư nhân hóa trường chuyên, ví dụ trường Amsterdam?

Tôi không biết nhiều về trường Amsterdam nhưng tôi có con gái từng học trường này. Tôi thấy giáo dục đào tạo của trường cho con nhiều điều rất tốt. Đó là hình thành nhân cách của học sinh tốt. Thứ hai, trường tạo cho các em một môi trường rất năng động và sự tự tin rất cao bằng các kỹ năng của các em. Thứ ba nữa là có những môn học mũi nhọn.

Từ chuyện con cái của của các thầy cô trong trường thì tôi thấy trường đào tạo kỹ năng, giúp cho học sinh tự lập để trưởng thành rất tốt.

Giúp học sinh tự lập để trưởng thành

Chúng ta trở lại vấn đề một mô hình trường chuyên đào tạo nhân cách, nhân văn cho học sinh - điều mà xã hội rất cần nhưng lại chưa thực sự chú trọng, thưa thầy?

Tôi rất thích có người nói khi trường PTTH Chuyên KHXH&NV ra đời gọi là trường chuyên tổng hợp. Tổng hợp tức là chuyên về KHXH&NV nhưng toán, tin, lý, hóa, sinh, công nghệ cũng phải tốt. Vì sau này các em vào nếu học văn, sử, địa mà không có toán thì không được. Ở đây tất cả các môn không có môn nào phụ. Tôi quan tâm đến giáo dục toàn diện và đặc biệt là phải kết hợp nhân cách xã hội.

Một thời kỳ rất dài người ta quá chú trọng vào các vấn đề chuyên tự nhiên và chuyên ngoại ngữ, đại học thì quá chú trọng vào những ngành như tài chính, ngân hàng, ngoại thương, luật mà người ta bỏ rơi mảng rất quan trọng đó là khoa học nhân văn, xã hội nhân văn.

Nói đến công nghiệp 4.0 hay hiện đại hóa là cần phải nói tới nguồn lực con người. Tôi đề cao khoa học cơ bản từ đó tạo nền tảng để phát triển. Cho nên trong trường chuyên, tôi chú trọng toàn diện các kỹ năng.

Điều đặc biệt hơn nữa xã hội hiện nay cần, mỗi gia đình cần đó là giáo dục lòng nhân ái cho học sinh. Cái đó xã hội hiện nay đang cần rất lớn, mỗi gia đình cần nhiều hơn. Chúng ta quá chú trọng vào kiến thức mà không đề cập tới giáo dục lòng nhân ái, nhân văn trong mỗi con người.

Làm sao để cân bằng giữa lý thuyết và thực tiễn, con trẻ không phải thấy cuộc sống một màu hồng mà cũng không phải màu tối, làm sao để con có thể thích ứng.

Tôi cho rằng, mục tiêu quan trọng nhất của các trường chuyên là giúp học sinh tự lập để trưởng thành và định hướng nghề nghiệp một cách phù hợp nhất trong tương lai. Trường chuyên hiện nay nó đơn giản như thế. Đấy chính là cái cốt lõi của vấn đề.

Học Hàn Quốc để lập nên kỳ tích

Và quan điểm của thầy là ủng hộ trường chuyên?

Tôi rất ủng hộ việc thành lập các trường chuyên. Nếu nó nằm ở trong lòng một trường đại học thì tuyệt vời. Bởi vì nó được thụ hưởng tinh hoa, triết lý của trường đại học đó và chính là nguồn đầu vào chất lượng cao. Tuy nhiên, tôi không ủng hộ một số trường chuyên hiện nay mang tính xã hội hóa cao làm cho các bậc phụ huynh thật sự gặp khó khăn.

Điểm thứ hai, các trường chuyên không nên tập trung vào những môn chuyên mà phải thực hiện giáo dục toàn diện. Có như thế người ta gửi con vào người ta yên tâm, có như thế học sinh ra cuộc sống mới thích nghi được.

Tôi cho rằng, đã là chuyên thì đào tạo tinh hoa, đào tạo nguồn lực chất lượng cao nhưng phải trên cơ sở giáo dục toàn diện.

Và một ý nữa mà tôi muốn nói ở đây là chúng ta không nên chạy theo số lượng, chúng ta lấy chất lượng làm đầu, có thể ít cũng được nhưng mà đào tạo học sinh thực sự tốt.

Tôi nhớ khi ông Park Tae Joon, nguyên Thủ tướng Hàn Quốc thăm Đại học Quốc gia. Ông đã nói chuyện với cán bộ và sinh viên tiêu biểu của Trường KHXH&NV suốt 3 tiếng đồng hồ. Ông nhấn mạnh về 2 điểm Việt Nam có thể phát triển trở thành một nước hùng mạnh ở khu vực và châu lục.

Đó là phải có giáo dục tinh hoa, không giáo dục tinh hoa thì đất nước không có người tài. Muốn đào tạo tinh hoa cần 3 điều kiện: Cơ sở vật chất, nguồn lực cán bộ và chất lượng đầu vào. Có chính sách, cơ chế tốt thì sẽ đào tạo được tinh hoa tốt và đào tạo tinh hoa tốt thì tạo nguồn lực cho đất nước, không phải là vay mượn, anh không phải đi mua từ nước ngoài. Thứ hai nguyên Thủ tướng Hàn nêu ra là Việt Nam muốn phát triển, muốn hùng cường và dân chủ thì phải triệt tiêu được tham nhũng.

Thái An - Hiền Anh

truong chuyen khong giao duc tinh hoa khong co nguoi tai “Tiêu cực ở đâu cũng có, đề xuất bán trường chuyên là cực đoan”
truong chuyen khong giao duc tinh hoa khong co nguoi tai Bộ GDĐT: Khó có chuyện xã hội hóa trường chuyên
truong chuyen khong giao duc tinh hoa khong co nguoi tai Học chuyên, tôi được gì?
truong chuyen khong giao duc tinh hoa khong co nguoi tai Bộ Giáo dục: Không thể xã hội hóa trường chuyên

/ vietnamnet.vn