Đoàn tàu Triều Tiên vào ga Đồng Đăng phải đỗ chính xác vị trí từng cm để Chủ tịch Kim Jong-un và hai xe ôtô xuống ga an toàn.

Khi nhận được thông tin tàu chở Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un có thể đến ga Đồng Đăng từ Bộ Ngoại giao và Bộ Giao thông, ông Phạm Đức Khái - Trưởng ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) thấy rất lo lắng, hồi hộp vì lần đầu tiên có nguyên thủ của một quốc gia đi đến nhà ga nhỏ bé này.

Ông Khái kể, ngày 18/2, đoàn công tác trung ương đã đến ga Đồng Đăng và khảo sát đoạn đường sắt từ Đồng Đăng sang Trung Quốc, họp bàn phương án đón tàu Triều Tiên. Trước đó, đoàn tiền trạm của Triều Tiên đã bí mật đi dọc tuyến đường sắt Hà Nội đến Đồng Đăng để khảo sát hạ tầng đường sắt song họ không cho phía Việt Nam biết về cuộc khảo sát này.

Sau ngày 18/2, cơ quan chức năng Việt Nam và Triều Tiên có một số cuộc họp khác; ngoài ra ba bên Triều Tiên - Trung Quốc - Việt Nam còn họp tại thành phố Bằng Tường (Trung Quốc) để bàn phương án tổ chức chạy tàu qua ba nước.

truong ga dong dang ke ve lan dau tien don tau boc thep cua trieu tien
Lối lên xuống cho xe của Chủ tịch Triều Tiên được làm mới tại ga Đồng Đăng. Ảnh: Anh Duy.

Chia sẻ về cuộc họp trên, một lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt cho hay phái đoàn Triều Tiên làm việc rất nghiêm túc, họ hỏi tình trạng hạ tầng đường sắt Việt Nam khá chi tiết và yêu cầu bổ sung một số hạng mục tại ga Đồng Đăng. Tuy nhiên, họ nói đây chỉ là một trong các phương án đi lại của lãnh đạo Triều Tiên đến Việt Nam.

Cụ thể, phía Triều Tiên yêu cầu thông tin về tải trọng đường, cầu, khổ giới hạn của đường sắt và tốc độ chạy tàu trên đoạn đường sắt từ Trung Quốc đến ga Đồng Đăng. Sau đó, họ đưa ra thông số đoàn tàu bọc thép của Chủ tịch Kim Jong-un như chiều dài, rộng, tải trọng trục, trọng lượng toa xe...

"Chúng tôi đã tính toán thông số của đoàn tàu trong cuộc họp và trả lời phía Triều Tiên là chạy được trên đường sắt Việt Nam", lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt chia sẻ.

Ông giải thích thêm, theo nghị định thư của Việt Nam với Trung Quốc hàng năm, tàu của hai nước được chạy trên tuyến đường sắt của nhau nếu tương đồng hạ tầng và phương tiện. Phía Triều Tiên cho biết thông số tàu bọc thép của họ tương đồng với tàu Trung Quốc nên Việt Nam không e ngại cho lưu thông. Hàng ngày, tàu liên vận Trung Quốc vẫn qua lại trên tuyến đường Trung Quốc - Đồng Đăng.

Cũng tại cuộc họp, phía Triều Tiên cho biết sẽ mang theo ôtô trên tàu nên cần có đường lên xuống cho người và ôtô tại ga.

Sau đó, một đơn vị trong ngành đường sắt đã thiết kế và thi công lối lên xuống cho ôtô dài m, rộng 8 m bằng thép và lối đi xuống cho Chủ tịch Triều Tiên rộng 1,3 m. Bản thiết kế và việc thi công đều được chuyên gia của Triều Tiên phê duyệt và giám sát hàng ngày.

"Chúng tôi phải làm từ sáng đến tối để hoàn thành các hạng mục này chỉ trong 2 ngày. Hàng ngày, cán bộ kỹ thuật phía Triều Tiên đi từ Hà Nội đến ga Đồng Đăng phối hợp và kiểm tra", ông Khái nói.

Cùng với lắp đặt thêm hạng mục, chỉnh trang toàn bộ nhà ga, ngành đường sắt còn rà soát, kiểm tra lại toàn bộ đường ray từ Trung Quốc đến Đồng Đăng, chỉnh cự ly giữa hai ray, siết bu lông... để đảm bảo an toàn chạy tàu. Tổng công ty đường sắt Việt Nam còn bố trí một cẩu đường sắt tải trọng 50 tấn, một cẩu đường bộ 20 tấn và đội ngũ ứng cứu đường sắt trực tại ga Đồng Đăng để xử lý nếu có sự cố xảy ra.

Để dẫn đường cho con tàu vào ga Đồng Đăng, nhà ga lựa chọn những người trực ban chạy tàu có kinh nghiệm và tăng cường cán bộ kỹ thuật.

truong ga dong dang ke ve lan dau tien don tau boc thep cua trieu tien
Tàu Triều Tiên trên đường đến ga Đồng Đăng. Ảnh: Anh Duy.

Lúc 6h34 phút ngày 26/2, trực ban tại ga Bằng Tường (Trung Quốc) xin đường để vào ga Đồng Đăng. Theo kế hoạch, đoàn tàu Triều Tiên đến ga Đồng Đăng lúc 7h30 sáng cùng ngày song tàu đã khởi hành từ Trung Quốc chậm hơn nên đến ga Đồng Đăng lúc 8h10.

Tại ga, các nhân viên trực ban điều khiển tàu vào đúng điểm dừng để toa chứa hai ôtô đúng vị trí lối lên xuống đã có. Sau khi hai xe của Chủ tịch Triều Tiên được đưa xuống sân ga và tiếp nhiên liệu, trực ban ga hướng dẫn tàu chạy thêm gần 20 cm để cửa toa của Chủ tịch Kim Jong-un khớp với lối lên xuống. Lái tàu là người Trung Quốc được đánh giá thông thuộc địa hình đường sắt chặng Bằng Tường - Đồng Đăng.

"Phía Triều Tiên yêu cầu chúng tôi hướng dẫn tàu chính xác đến từng cm về vị trí đón khách và phương tiện để đảm bảo nghi thức, an toàn", Trưởng ga Đồng Đăng nói.

Sau khoảng một giờ ở ga Đồng Đăng, đoàn tàu của Triều Tiên đã khởi hành về ga Bằng Tường (Trung Quốc) đỗ lại trong 5 ngày. Ngày 2/3, tàu trở lại ga Đồng Đăng đón Chủ tịch Triều Tiên về nước. Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chia sẻ, phía Trung Quốc đứng ra chịu trách nhiệm bảo vệ tàu này trong thời gian chờ ông Kim Jong-un công du tại Việt Nam.

"Khi họp bàn về phương án chạy tàu, chúng tôi đã nói với đoàn Triều Tiên là ga Đồng Đăng đảm bảo hạ tầng, chỗ đỗ cho tàu nhưng họ đã quyết định đưa tàu về đỗ ở Bằng Tường ngay từ đầu", lãnh đạo đường sắt Việt Nam cho hay.

Con tàu của Chủ tịch Triều Tiên có một đầu máy và 13 toa. Các toa gồm phòng họp, phòng ngủ, hoạt động như một văn phòng làm việc di động và có thể có trực thăng nhỏ phòng trường hợp khẩn cấp.

Xuất phát từ Bình Nhưỡng chiều 23/2, đoàn tàu của ông Kim đã đi qua hơn 4.000 km với tốc độ trung bình 60 km/h. Sau khoảng 65 tiếng, tàu đã đến ga Đồng Đăng (Lạng Sơn, Việt Nam) vào sáng 26/2 và dự kiến khởi hành trở về Triều Tiên hôm nay 2/3.

Đoàn Loan

truong ga dong dang ke ve lan dau tien don tau boc thep cua trieu tien Lễ đón Chủ tịch Triều Tiên tại ga Đồng Đăng

Nghi lễ đón tiếp Chủ tịch Kim Jong-un diễn ra trong khoảng 30 phút tại ga Đồng Đăng (Lạng Sơn).

/ VnExpress