Sau năm 2020, hiệu trưởng trường THPT, giám đốc TTGDTX sẽ có quyền lớn khi được xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh.

Thay đổi theo Luật Giáo dục mới

 

Theo phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ sau năm 2020, trách nhiệm của các trường THPT và TTGDTX là thực hiện chỉ đạo của sở GD- ĐT về chuẩn bị, tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp.

Như vậy, nếu phương án này đi vào thực hiện, sau năm 2020 hiệu trưởng trường THPT sẽ có quyền được xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh (hiện nay Sở GD-ĐT đảm nhận việc này).

Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT cho hay, chuyện công nhận tốt nghiệp và ai ký tên đóng dấu trên bằng tốt nghiệp không quan trọng bằng việc dựa vào đâu, tiêu chí nào để xét công nhận tốt nghiệp. Theo ông Tùng sau năm 2020, học sinh hoàn thành chương trình THPT và phải dự kỳ thi THPT Quốc gia của Bộ GD-ĐT mới được xét công nhận và cấp bằng. Do vậy việc trường hay trung tâm giáo dục thường xuyên xét công nhận tốt nghiệp chỉ là sự giao việc để những đơn vị này làm.

Ông Phùng Quán, Thường trực tổ tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho hay, theo luật Giáo dục có hiệu lực thi hành từ năm 2020, học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện dự thi nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình. Giấy này được sử dụng để đăng ký dự thi lấy bằng tốt nghiệp THPT khi người học có nhu cầu hoặc để theo học giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp cụ thể khác.

"Làm như vậy là nhẹ nhàng vì giấy chứng nhận hay bằng tốt nghiệp chỉ là xác nhận các em đã hoàn thành chương trình THPT. Hiện nay, cả nước thi tốt nghiệp cũng đã đạt 95%, do vậy việc các em học xong, dự thi, được công nhận và cấp bằng là đương nhiên. Và nếu có tiêu cực nâng điểm để tốt nghiệp (điểm học tập) thì điều đó không có ý nghĩa vì cái chính là các em đã học xong"- ông Quán nói.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Quận 10, TP.HCM, cho rằng, hiện nay Sở GD-ĐT xét tốt nghiêp và khi có kết quả thì chuyển cho trường mẫu công nhận tốt nghiệp tạm thời do hiệu trưởng ký. Sau một năm, học sinh mới có bằng chính thức giám đốc sở ký. Do vậy, việc hiệu trưởng cấp chứng nhận tốt nghiệp cho học sinh khác với cấp bằng cho học sinh. Về việc xét công nhận tốt nghiệp không có gì khó.

Trưởng phòng khảo thí một Sở GD-ĐT, cho rằng việc trường xét công nhận tốt nghiệp là thay thế vai trò của Sở GD-ĐT, thể hiện vai trò tự chủ của trường.

"Hiện nay, Sở GD-ĐT lập hội đồng xét tốt nghiệp, sau đó đưa kết quả cho trường để trường ký công nhận tốt nghiệp. Nếu trường làm việc này sẽ là mở rộng quyền tự chủ"- ông nói.

Theo ông, đã có phần mềm hỗ trợ nên việc xét tốt nghiệp rất đơn giản. Phần mềm chạy 30 giây là xong. Nay chuyển cho trường là phù hợp và dù trường xét nhưng dữ liệu Sở đã nắm nên không vấn đề gì"- ông nói

Đang tiếp cận đến cách đánh giá của thế giới

 

 

 

 

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra có nêu, một trong các nhiệm vụ của sở giáo dục và đào tạo là "tổ chức xét công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp THPT cho thí sinh".

Nhưng ở trách nhiệm của trường cũng nêu một trong những nhiệm vụ là"xét công nhận tốt nghiệp THPT, cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời và phát Bằng tốt nghiệp THPT cho thí sinh", cho thấy có sự trùng lặp giữa sở GD-ĐT và các trường THPT ở nội dung:"xét công nhận tốt nghiệp THPT". 

"Bộ cần làm rõ phần nội dung trùng lắp nêu trên cụ thể xét công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp THPT là nhiệm vụ của sở hay trường. Việc xét công nhận và cấp bằng tốt nghiệp THPT nên giao trách nhiệm cho Sở GD-ĐT như hiện nay thì tốt nhất vừa đảm bảo tính nghiêm minh, chặt chẽ, khách quan, công bằng không nhất thiết phải thay đổi là giao cho trường"- ông Ngai nói.

(Ảnh: Thanh Tùng)

Theo ông Hoàng Ngọc Vinh việc các trường phổ thông được cấp giấy chứng nhận tạm thời không có nghĩa là được quyền cấp bằng tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, về việc xét công nhận tốt nghiệp thì cũng có lo ngại. Bởi học sinh hoàn thành chương trình và đủ điều kiện mới được dự thi, như vậy trường THPT có vai trò không nhỏ trong việc ảnh hưởng đến việc công nhận tốt nghiệp của học sinh.

"Năm vừa qua cơ cấu điểm xét tốt nghiệp 30% cho thấy chúng ta đang tiếp cận đến cách đánh giá của thế giới khi xét thi tốt nghiệp - đánh giá quá trình tích luỹ. Theo quy luật thông thường khi giao việc thì trách nhiệm người được giao việc nâng lên. Hiệu trưởng phải ý thức được việc đó và đội ngũ nhà giáo phải có trách nhiệm"- ông Vinh cho hay.

Theo ông Vinh, việc sử dụng kết quả đánh giá cho mục đích khác ngoài xét tốt nghiệp cũng có khả năng nhà trường coi nhẹ và dễ dàng trong đánh giá năng lực, phẩm chất học sinh do tâm lý không chịu trách nhiệm giải trình. Việc mình làm lại đẩy trách nhiệm cho sở hoặc cho Bộ là không được. Vì thế, đi cùng với phân cấp, gia tăng quyền lực cho hiệu trưởng và giáo viên phải có luật pháp chế tài nghiêm khắc ví như "động cơ càng mạnh, phanh càng ăn".

Ông Vinh cho rằng, nhà trường xét tốt nghiệp dựa vào ít nhất 3 thành tố gồm học xong chương trình và đủ điều kiện (không bị kỷ luật, không bỏ học nhiều), điểm học lực lớp 12 và điểm thi THPT quốc gia.

"Phải xem xét các quốc gia khác họ thực hiện như thế nào vì nếu cứ để Sở xét thì sở vẫn phải căn cứ vào một phần đánh giá của nhà trường"- ông nêu.

Nên cho mở trường phổ thông tư thục thực hành trong trường sư phạm
Vụ dâm ô nhiều nam sinh: Không thấy nguyên Hiệu trưởng ra khỏi nhà
Điều tra thông tin hiệu trưởng THCS lạm dụng tình dục hàng chục nữ sinh

/ vietnamnet.vn