Trong nền luân lý cổ truyền, việc báo hiếu được xem như một vấn đề trọng đại nhất của đạo làm người, có thể nói hiếu đạo là nền tảng của các đạo lý khác. Một người bất hiếu thì chắc chắn không thể hoàn thành bất cứ một đạo lý nào một cách trọn vẹn được.

truyen thong bao hieu trong dao phat theo kinh vu lan bon Bố thí độ
truyen thong bao hieu trong dao phat theo kinh vu lan bon Bố thí máu

Nhưng tùy theo văn hóa, phong tục của mỗi nước mà cách thể hiện chữ hiếu có phần đại đồng tiểu dị. Nói chung, khi báo hiếu trong tâm niệm của mỗi người đều nghĩ đến công ơn sanh thành dưỡng dục rất lớn lao của cha mẹ như những ca dao:

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Hai câu đầu mô tả một cách tuyệt diệu về công cha nghĩa mẹ lớn như trời biển. Người mẹ phải chịu đựng chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn, săn sóc cho con từng ly từng tý. Nhất là mỗi khi con đau ốm, mẹ phải bỏ ăn mất ngủ, thao thức lo âu… Còn cha thì làm lụng vất vả, dầm mưa dãi nắng đem mồ hôi đổi lấy bát cơm manh áo nuôi con. Lại lo dạy dỗ cho con học hành thành người hữu dụng. Đạo Phật không lấy gia đình làm trung mà đặt căn bản giáo dục trên đại gia đình nhân loại. Song việc báo hiếu được Đức Phật đề cập rất nhiều trong các kinh điển. Đặc biệt kinh Báo đáp công ơn cha mẹ, Đức Phật phân tích rất tỷ mỉ về công lao sinh dưỡng của cha mẹ. Ân đức ấy hầu như con người không thể đền đáp được như đoạn sau:

“Vì có kẻ nào hai vai kiệu cõng cha mẹ đi chơi suốt cả mọi nơi, trên rừng dưới biển, hai vai nặng trĩu, mòn cả đến xương, máu chảy cùng đường, không hề ân hận, cũng chưa báo đáp được công đức cha mẹ kể trong muôn một”[1].

Ở chỗ khác, Đức Phật dạy: “Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế”.

Nghĩa là cha mẹ đang sống như Phật còn tại thế. Như vậy, Đức Phật rất trọng đạo hiếu. Chính bản thân Ngài – dù là một vị Phật cũng rất chí hiếu như một người bình thường. Đối với chư đệ tử, tùy trường hợp, Ngài đã giáo hóa rất nhiều từ vua quan tới dân dã, từ người xuát gia cho tới kẻ tại gia hướng đến đạo hiếu như một bổn phận thiêng liêng không thể thiếu được. Đặc biệt Ngài đã chỉ dạy cho Tôn giả Mục-kiền-liên phương pháp báo hiếu thật là cảm động, được mô tả trong kinh Vu-lan-bồn.

Vu-lan-bồn hay Ô-lam-bà-na là dịch âm chữ Phạn Ullambana. Người Trung Hoa dịch là Giải đảo huyền. Nghĩa là cởi trói cho người bị treo ngược, nghĩa bóng là cởi trói cho những người đau khổ như bị treo ngược.

Vu-lan là một bản kinh nói về Đức Phật chỉ tay cho Ngài Mục-kiền-liên cách thức cứu mẹ đang bị đọa làm quỷ đói. Đó là phương pháp cứu vớt vong linh khỏi khổ cảnh khổ sở tối tăm, nhờ sức chú nguyện của chư Tăng trong mười phương.

Ngài Mục-kiền-liên sau khi được sáu phép thần thông liền nhớ đến ân thâm của mẹ, Ngài dùng mắt đạo quan sát khắp cả thế gian, thì thấy vong mẫu sinh trong loài ngạ quỷ, bụng to cổ nhỏ, ăn uống không được, chỉ còn da bọc lấy xương. Trước tình cảnh ấy, Ngài Mục-kiến-liên hết sức đau xót, vội đem bát cơm đến dâng cho mẹ. Mẹ được bát cơm liền lấy tay trái che bát, tay phải bốc ăn. Vì tính tham lam bỏn xẻn sau dày, cơm vừa vào miệng biến thành than lửa, nên không ăn được. Ngài Mục-kiền-liên thấy vậy thương xót gào khóc thảm thiết, liền về bạch Phật, trình bày những sự việc trên, đồng thời xin Phật chỉ dạy phương pháp cứu tế. Đức Phật dạy:

Này Mục-kiền-liên! Mẹ ông gốc tội rất sâu. Năng lực một mình ông không thể cứu vớt được, dù ông hiếu thuận cảm động đến cả trời đất, mà phải nhờ oai đức sức thần của Tăng chúng mười phương mới giải cứu được.

Ngày Rằm tháng bảy là ngày Tự tứ của mười phương Tăng, ông nên vì cha mẹ hiện tại và cả cha mẹ bảy đời mà sắm trai phạn đầy đủ mùi vị thơm ngon, năm thứ trái cây, bồn chậu nhang đèn nến… Đem vật ngon ngọt mà đặt trong bồn, thành tâm cúng dường cho Đại đức Tăng chúng mười phương.

Ngay trong ngày ấy, tất cả Thánh chúng hoặc đang thiền định ở tại núi non, hoặc đã được bốn bậc đạo quả đang kinh hành dưới những bóng cây, hoặc hàng Thanh văn, Duyên giác có đủ sáu phép thần thông đang đi giáo hóa tự tại, hoặc hàng Thập địa Bồ-tát vì quyền phương tiện làm theo ty-kheo, tất cả thảy đều vân tập về trong đại chúng, thảy đều thụ nhận bát cơm Tự tứ, Đạo của Thánh chúng đầy đủ giới hạnh, đức của chúng Tăng thật là sâu rộng.

Ai được cúng dường Tăng chúng Tự tứ như vậy, thì cả cha mẹ, anh em, vợ con và hàng quyến thuộc đều được ra khỏi khổ não ở trong ba đường. Cha mẹ hiện tại được phước, sống lâu trăm tuổi, cha mẹ bảy đời sinh về thiên cung tự tại hóa sinh vào trong cõi trời hoa lệ sáng chói.

Ngày Mục-kiền-liên vâng theo lời Phật dạy, đến Rằm tháng bảy, sắm sửa trai diện, cung thỉnh chư tăng trong mười phương, thành tâm cúng dường. Nhờ tập trung tu học ba tháng, giới hạnh thanh tịnh, định lực kiên cố, nên sức chú nguyện của chư Tăng đã cảm đến vong mẫu của Ngài Mục-kiền-liên, khiến người quay đầu hướng thiện, thoát kiếp quỷ đói.

Sau khi vong mẫu đã được giải thoát, Ngài Mục-kiền-liên vui mừng khôn xiết, đến trước Đức Phật bạch rằng:

“Bạch Đức Thế tôn! Mẹ của đệ tử nhờ công đức Tam bảo, trong đó có sức oai thần của chư Tăng mà được siêu thoát. Như vậy, ở đời sau tất cả đệ tử của Phật phụng hành pháp Vu-lan này để xin cứu độ cha mẹ hiện tại và cả cha mẹ bảy đời có thể được chăng?”

Đức Phật dạy:

“Tốt lắm! Này Mục-kiền-liên! Nếu các tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, quốc vương, thái tử… cho đến nhân dân muốn báo ân cha mẹ hiện tại và cha mẹ bảy đời thì đến ngày Rằm tháng bảy, ngày Phật hoan hỷ, ngày Tăng Tự tứ, sắm sửa trai phạn cúng dường cho chư Tăng thì việc cầu nguyện cho cha mẹ hiện tại sống lâu, không bệnh, hết các khổ não, cha mẹ bảy đời thoát khỏi thống khổ của loài quỷ đói mà sinh vào loài người hay trên cõi trời hưởng đủ phước báu sẽ được thành tựu. Là đệ tử Phật, người tu hiếu thuận, nên trong từng niệm thương nhớ cha mẹ hiện tại và cha mẹ bảy đời, đến ngày Rằm tháng bảy mỗi năm, sắm lễ Vu-lan hiến cúng chư Phật chúng Tăng để báo ân sâu nuôi dưỡng của cả song thân. Tất cả đệ tử của Phật phải nên tuân giữ pháp ấy”.

Qua lời giáo huấn của Phật, Ngài Mục-kiền-liên và bốn chúng đệ tử vui mừng vâng giữ. Từ đó lễ Vu-lan đã trở thành một truyền thông báo hiếu của người con Phật. Điều đáng lưu ý là người Phật tử ngày nay qua ba tháng cúng dường cho chư Tăng kiết hạ, được lòng hiếu thảo đối với cha mẹ và lòng kính ngưỡng đối với chư Tăng như một bổn phận và nghi lễ duy nhất. Lễ vật trong ngày Tự tứ được trân trọng dâng lên với tất cả lòng chí thành, thấm nhuần tình cảm được biểu lộ qua những gương mặt ánh mắt hân hoan đầy niềm tự tin hy vọng. Điều đó nói lên sự thành công về truyền thống báo hiếu thật tốt đẹp của người Phật tử từ ngàn xưa và mãi về sau.

Tất nhiên việc báo hiếu của chúng ta không phải chỉ thực hiện trong ngày Tự tứ hay mùa Vu-lan mà là công việc hằng ngày.

Khi cha mẹ còn sống, chúng ta phải săn sóc miếng ăn thức uống, chiếu chăn, quần áo, quạt nồng ấp lạnh, hậu hạ kính vâng, ngay cả những người đi xuất gia đang tinh tiến trên đường đạo hạnh, mà cha mẹ không thể tự sinh hoạt để sống cũng phải trở về phụng dưỡng. Như trường hợp Tổ Liễu Quán phải về nhà nuôi cha già bằng nghề đốn củi bốn năm, khi thân phụ qua đời mới tiếp tục con đường xuất thế. Trong thời Đức Phật Ngài cũng dạy đệ tử xuất gia rằng: Nếu tỳ kheo nào mà có cha mẹ già không ai nuôi dưỡng, thì phải khuyên cha mẹ quy y Tam bảo, còn mình khất thực mà nuôi. Đó là một việc bất đắc dĩ, nhưng nói lên được quan niệm tôn trọng hiếu đạo của Đức Phật.

Nhưng người Phật tử khác hơn người thường là không hẳn chiều ý cha mẹ mà làm tổn thương đến người và vật. Trái lại phải khuyên cha mẹ làm lành lánh giữ, quy y Tam bảo bố thí cúng dường, trì trai giữ giới tu nhân giải thoát…

Người con hiếu lại phải quan tâm đến đời sống tinh thần của cha mẹ về già, tạo điều kiện cho cha mẹ được thảnh thơi, sống đời nhẹ nhàng thư thái hướng thượng giải thoát. Được như thế không những trong đời hiện tại cha mẹ có hạnh phúc, mà đời sau cũng được hưởng quả lành trái ngọt, sống trong cảnh giới an vui.

Khi cha mẹ quá vãng, ngoài việc thương tiếc phải giúp giác linh cha mẹ thức tỉnh bằng cách cầu nguyện, cúng dường Tam bảo, bố thí, phóng sinh, làm phúc và hồi hướng công đức ấy đến cha mẹ. Nhờ công đức và nguyện lực này còn tác động mà cha mẹ cũng được vui lây. Con cháu làm việc có ý nghĩa ấy, chính như cha mẹ được làm vậy.

Tóm lại, báo hiếu theo pháp Vu-lan-bồn đầu tiên được Ngài Mục-kiền-liên thực hiện. Ngài thật là một con người tiêu biểu về hiếu hạnh. Việc làm của ngài rất cảm động, nên đã cảm hóa biết bao Phật tử trong hơn 25 thế kỷ qua. Hàng năm đến ngày Tự tứ không iết bao nhiêu người con Phật tử trên khắp thế giới long trọng tổ chức lễ Vu-lan theo gương của Ngài. Vì họ hiểu được kết quả của việc báo hiếu này. Cha mẹ hiện tại hưởng được phúc báu, cha mẹ bảy đời thoát được cảnh u đồ.

Chuyện Ngài Mục-kiền-liên cứu mẹ không có gì là hoang đường huyền bí, mà là một hiện tượng có thể giải thích được. Chính sức mạnh tinh thần củ chư Đại đức Tăng đã kích thích đến tâm hồn người chuyển mê muội thành sáng suốt. Kinh nói tâm có thể tạo nghiệp mà cũng có thể chuyển nghiệp, trước kia tâm mê muội nên bị đọa và chỗ tối tăm, nay tâm đã thức tỉnh thì thoát ra khỏi lao ngục u đồ.

Pháp Vu-lan-bồn là phương pháp thần diệu cầu nguyện cho vong linh thoát khỏi cảnh khổ não tối tăm. Nhưng Phật tử chúng ta phải ý thức rằng không phải chỉ đợi cha mẹ quá vãng, rồi tổ chức một lễ Vu-lan là đủ. Người con hiếu thảo bao giờ cũng muốn gần gũi và cung phụng cha mẹ, thấy cha mẹ được sung sướng như chính mình được sung sướng. Nên ngoài việc phụng dưỡng vật chất với lòng thương yêu kính trọng còn phải tạo điệu kiện cho cha mẹ được thoải mái về tinh thần, sống an lạc trong những ngày già còn lại. Được như thế mới khỏi hối hận sau này như thầy Tử Lộ đã than:

“Mộc dục tịnh nhi phong bất đình

Tử dục dưỡng nhi thân bất tại”.

--------------------------------


[1] Tỳ-kheo Thích Đăng Quang dịch, kinh Đại báo phụ mẫu trong ân, in tại Thăng Long 20 chợ Trương Minh Giảng Saigon (không ghi năm).

/ Sách 30 bài pháp cho người tại gia