Nên hình thành dự án truyền thông về biến đổi khí hậu để thực hiện chiến dịch chuyên đề vùng ĐBSCL trong 2 năm 2019-2020 và nhà báo trở thành "người trong cuộc" chứ không phải là "người quan sát"
Nằm trong chuỗi các sự kiện của Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), chiều 17-6, tại TP HCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp cùng các đơn vị, tổ chức hội thảo truyền thông về BĐKH ở ĐBSCL.
Khô khan, khó "tiêu hóa"
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành khẳng định BĐKH đang là thách thức toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. "Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức về chủ động thích ứng với BĐKH của toàn xã hội thông qua truyền thông, báo chí và sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế là vô cùng quan trọng" - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo ông Thành, trong thời gian qua, chủ đề về tài nguyên và môi trường nói chung và thích ứng BĐKH nói riêng luôn được các cơ quan thông tấn, báo chí quan tâm, đăng tải thông tin. Tuy nhiên, truyền thông về BĐKH đang gặp khó khăn, hạn chế. Điển hình như việc hiểu về các vấn đề của BĐKH chưa thực sự đầy đủ và toàn diện; phương pháp truyền thông chưa thực sự phong phú, thu hút người dân... Đặc biệt là tính lan tỏa, tính chuyên nghiệp của truyền thông về BĐKH chưa cao; chưa thu hút được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền.
Phát triển nuôi trồng thủy sản là một trong những ngành chủ lực của ĐBSCL Ảnh: NGỌC TRINH
Nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ, nhận định số nhà báo Việt Nam biết rõ về BĐKH không nhiều, chỉ trong phạm vi các nhà báo viết về khoa học, môi trường hoặc được tập huấn kỹ năng viết BĐKH. Truyền thông chưa dành sự quan tâm đúng mức với BĐKH, nhất là trong bối cảnh có quá nhiều sự kiện và vấn đề hằng ngày cần đưa tin nhanh. Các cơ quan báo chí và nhà báo chưa thật sự hiểu sâu về BĐKH và tác động trước mắt cũng như lâu dài. Trong khi đó, những người hiểu biết sâu (nhà khoa học, chuyên gia) thì công bố các kết quả nghiên cứu, tác động của BĐKH thường mang tính học thuật, khô khan, nhiều số liệu… nên các nhà báo khó "tiêu hóa" thành sản phẩm báo chí dễ hiểu với công chúng.
Dưới góc độ chuyên gia, GS-TS Mai Trọng Nhuận cho rằng phóng viên chủ yếu tiếp cận tài liệu qua hội nghị, báo cáo mà ít được đi thực tế cũng như chưa được tập huấn chuyên sâu. Truyền thông cần chuyển tải nhanh, gấp thông tin còn khoa học thì cẩn trọng nên không kịp thời, không bảo đảm thời sự. Hiệu quả truyền thông về BĐKH chưa cao vì mơ hồ, vẫn còn coi BĐKH là việc của ai đó.
Trả giá cho phát triển "nóng"
Để nhà báo, phóng viên trở thành "người trong cuộc", nhà báo Xuân Trung đề xuất hình thành "Dự án truyền thông về BĐKH" để thực hiện chiến dịch truyền thông chuyên đề BĐKH vùng ĐBSCL trong 2 năm 2019-2020. Mục tiêu là "báo chí hóa" các chủ trương, chính sách, kiến thức và kỹ năng thích ứng với BĐKH, đề xuất các giải pháp sống chung với BĐKH và góp phần thay đổi nhận thức của người dân ĐBSCL về thời kỳ phát triển mới. "Dự án này không chỉ dừng lại ở mục tiêu làm truyền thông mà còn hướng tới mục tiêu huy động xã hội chung tay, phát triển ĐBSCL, biến nơi đây thành một Mê Kông xanh trù phú, bền vững" - nhà báo Xuân Trung nói.
Trong khi đó, nhà báo Lê Quốc Hưng, Giám đốc VOV tại ĐBSCL, cho rằng để ứng phó với BĐKH không thể nóng vội đưa ra các chính sách trước mắt, không thể vì những kết quả tốt trong ngắn hạn mà bỏ qua sự bất ổn trong dài hạn. "Thuận thiên chính là điều cần thiết để biến "nguy" thành "cơ". ĐBSCL được thành tích sản xuất lúa gạo nhưng đã phá hết rừng, những chỗ thấp nhất cũng chắt ra để trồng lúa. Bây giờ, nước mặn vô, xì phèn lên, mình lại lấy các hồ chứa nước ngọt" - nhà báo Quốc Hưng nêu vấn đề.
Hay như trong thập niên 80 của thế kỷ trước, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL còn mức thấp. Nay kim ngạch xuất khẩu thủy sản chiếm 60% cả nước. Quy hoạch nuôi tôm cho 5 năm đã được các tỉnh ven biển hoàn thành chỉ trong 1-2 năm. Nhưng cái giá phải trả là những rừng ngập mặn đành nhường chỗ cho các vuông tôm. "Phải tính toán để có những ứng phó phù hợp, từng bước sống hài hòa với thiên nhiên" - nhà báo Quốc Hưng đề xuất. Cụ thể, ĐBSCL cần được rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tiết kiệm nước ngọt, chung sống với hạn mặn, khai thác nước lợ và nước mặn như một tài nguyên. Thích ứng với BĐKH chính là tái cơ cấu ngành nông nghiệp, biến thách thức thành cơ hội, bảo đảm phát triển bền vững và giữ được an ninh lương thực.
Sản xuất thích ứng với môi trường Bà Madhu Raghunath, Trưởng nhóm Phát triển bền vững - Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho biết trong thời gian tới, các đối tác phát triển cam kết tăng cường hỗ trợ hệ thống sản xuất tại ĐBSCL trở nên thích ứng hơn với khí hậu và gia tăng sự phát triển bền vững môi trường... "Để làm được điều này, chúng tôi cần sự phối hợp giúp đỡ của các cơ quan truyền thông trong việc cùng Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 120 và triển khai chương trình hành động tổng thể" - bà Madhu Raghunath nói. |
Biến đổi khí hậu: Hãy thay đổi từ những thói quen nhỏ nhất Lối sống của mỗi người, nhân lên mấy tỷ lần khắp hành tinh, là lý do làm cho môi trường khí hậu có thể sẽ ... |
Cư dân rừng ngập mặn Brazil đương đầu với biến đổi khí hậu Nước biển nóng lên và dâng cao đang đe dọa cuộc sống của ngư dân rừng ngập mặn ở Brazil. Số lượng các loài sinh ... |
Phan Anh