Theo TS Nguyễn Đình Cung, thách thức hiện này của Việt Nam là chưa thực sự coi trọng sáng tạo khoa học.

Ngày 20/10, Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Diễn đàn khoa học “Tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng đến năm 2030 trong bối cảnh hội nhập quốc tế” thu hút sự quan tâm, chú ý các nhà khoa học, giới trí thức.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại diễn đàn VUSTA

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, tái cơ cấu nền kinh tế không phải là vấn đề mới mà đã từng được đặt ra trong bối cảnh cơ cấu kinh tế cũ đã phát triển hết "công suất", và xuất hiện những diễn biến mới của các vấn đề quốc tế ảnh hưởng tới Việt Nam.

Ông cũng đặt ra 3 vấn đề cốt lõi của nền kinh tế hiện nay là tái cơ cấu kinh tế, kinh tế Việt Nam gắn liền với kinh tế thế giới, vấn đề về sở hữu, cần phải được làm rõ và muốn đặt hàng giới trí thức VUSTA để làm sâu sắc hơn quan điểm và định hướng cần thiết trong thời gian tới.

Đóng góp ý kiến tại diễn đàn, theo ý kiến của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đứng trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thách thức hiện nay của chúng ta là chưa thực sự coi trọng sáng tạo khoa học.

"Sáng tạo khoa học ở Việt Nam chưa được coi trọng nếu không nói là bị triệt tiêu. Nhà khoa học không được coi trọng ý kiến. Một nơi mà sự trung thực, thật thà lại bị thua thiệt thì không thể có sự tăng trưởng bền vững" - TS. Nguyễn Đình Cung nói.

Trong khi đó, phân bổ nguồn lực được thiết lập theo cơ chế xin cho khiến chúng ta không thể vươn tới các mục tiêu kinh tế thị trường. Cũng bởi xác định thể chế kinh tế là nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, nên chúng ta loay hoay với các định nghĩa, ngập trong các tiêu chí mục tiêu đánh giá trên văn bản, công văn... mà vẫn không đánh giá đúng sức khỏe của nền kinh tế.

Do vậy, TS. Cung cho rằng, để thay đổi nền kinh tế sang thị trường, đòi hỏi phải có sự can đảm để thay đổi về tư duy sản xuất.

Thay đổi thị trường phân bổ nguồn lực, xử lý nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng là các vấn đề cần thiết phải xác định quan điểm thay đổi nếu muốn thực hiện tái cơ cấu kinh tế.

TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã nhắc tới những thiếu sót cơ bản trong lộ trình cải cách thể chế thúc đẩy tái cơ cấu cho đến nay.

Theo đó, TS. Sang cho rằng, Việt Nam hiện vẫn chưa xây dựng được khung thể chế hữu hiệu để tạo kỷ luật, chế tài khi các quy định, ngưỡng tài khóa bị phá vỡ.

Ví dụ, khi ngưỡng nợ công sắp bị phá hoặc bị phá vỡ thì cần phải hành động/chế tài như thế nào. Hiện nay, chúng ta thậm chí còn không biết rõ con số nợ công là bao nhiêu. Trong khi, phần lớn các nước khác đều có quy định chi tiết về các ngưỡng cảnh báo và hành động tiếp theo.

Trong khi đó, Việt Nam cũng vẫn chưa có quy định cụ thể về nghĩa vụ tương đối của Ngân hàng Nhà nước với Chính phủ và ngược lại, ít nhất là tài khóa. Ông đánh giá, về điều này, "ta còn thua cả Campuchia".

Bên cạnh đó, vấn đề đầu tư công thời gian qua cũng rất đáng báo động khi hàng loạt các dự án của Bộ Công thương đều "có vấn đề". Đặt ra sự cần thiết quy định rõ ràng hơn nữa về sự tham gia của tư nhân, nhân dân trong hoạch định, giám sát chính sách và công trình công.

Vị chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang đứng trước các cơ hội lớn từ tác động cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là trong xử lý Dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ thông minh... cần đưa giới trí thức vận dụng các nguồn lợi đó vào việc hoạch định và giám sát hiệu quả của chính sách công.

Thay đổi toàn bộ quy định về ngân hàng, đầu tư công, nợ xấu để cải thiện kinh tế

Còn theo quan điểm của TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cần phải xác định tái cơ cấu kinh tế trong bối cảnh các yếu tố tác động tới an ninh quốc phòng của Việt Nam ngày càng tăng lên.

Biến đổi khí hậu, chính sách năng lượng của các nước láng giềng đối với Việt Nam trên các nguồn tài nguyên có chung sở hữu như sông Mekong... là một thách thức lớn khiến ta có thể xem xét các lộ trình phát triển kinh tế của đất nước.

Đặc biệt, các yếu tố đầu tư từ Trung Quốc tăng mạnh và chiếm tỉ trọng rất lớn trong các dự án tại Việt Nam cũng cần được xem xét, đánh giá dưới góc độ an ninh quốc phòng.

TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: "Điều chỉnh chính sách hội nhập, thực hiện liên kết toàn diện để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Tăng cường hợp tác, liên kết với Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, những nước không có tham vọng lãnh thổ đối với nước ta".

GS.TSKH Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch VUSTA nhận định, thực tiễn tại Việt Nam các giai đoạn hiện nay và trước đó cho thấy có những mô hình, thể chế rất tốt nhưng khi đi vào thực hiện lại chưa tốt. Nguyên nhân này là do năng lực cán bộ, giám sát quản lý hay vì điều gì khác đều cần phải xác định rõ ràng.

Với nỗ lực tiếp thu của chính phủ hành động, chính phủ kiến tạo, VUSTA sẽ tiếp tục ghi nhận các ý kiến góp ý, sáng kiến khoa học của giới trí thức Việt Nam thông qua kênh phản biện Diễn đàn tri thức của Báo Đất Việt.

Thu hồi hơn 1.400 xe biển đỏ của doanh nghiệp quân đội

Lãnh đạo Cục kinh tế, Bộ Quốc phòng cho biết đã thu hồi hơn 1.400 xe biển đỏ của nhiều doanh nghiệp quân đội. Hiện ...

Nới room ngoại ngân hàng: Cần nắm cơ hội

Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang rất khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia việc tái cơ cấu, ...

Hé lộ lý do ngân hàng nước ngoài muốn tái cơ cấu OceanBank

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đã chỉ ra những nguyên nhân khiến ngân hàng nước ngoài mong muốn tham gia tái cơ cấu OceanBank

(http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/ts-nguyen-dinh-cung-that-tha-lai-thua-thiet-3345508/)

/ Theo Cúc Phương/Đất Việt