Thực hiện Kế hoạch hoạt động Công đoàn Công ty, để chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp nhiệm kỳ 2023-2028, Hội thao truyền thống Công ty Dịch vụ Khí (DVK) năm 2023 đã được tổ chức trong tháng 3/2023 tại TP. Vũng Tàu.

PV: Được biết Hội DKVN đã tổ chức lấy ý kiến, hội thảo, huy động trí tuệ của các chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm hoặc trực tiếp công tác trong lĩnh vực liên quan để góp ý cho dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 124, vậy quan điểm Hội đối với dự thảo này như thế nào, thưa Chủ tịch?

TS Nguyễn Quốc Thập: Thực tế hoạt động đầu tư dầu khí ra nước ngoài trong những năm qua còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc vì vừa phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư của Việt Nam, đồng thời cần tuân thủ các cam kết và quy định pháp lý của nước sở tại. Đến nay, nhà đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) vẫn phải trình các Bộ/ Ngành, Chính phủ giải quyết cho từng dự án, từng vụ việc, dẫn đến mất thời gian và có thể mất cơ hội. Do vậy, việc ban hành Nghị định mới quy định về đầu tư ra nước ngoài là hết sức cần thiết và cấp bách.

Trong đầu tư ra nước ngoài ở lĩnh vực Dầu khí, hiện nay chỉ có 3 dự án đã, đang và sẽ hoạt động tốt, 3 dự án đang bị dừng giãn do yếu tố địa chính trị, 5 dự án đang cần hoàn thành các thủ tục kết thúc và 1 dự án mới được ký kết trong năm 2021; trong bối cảnh Nghị định 124/2014/NĐ-CP đã hết hiệu lực thi hành thì Nghị định mới cần bảo đảm và tạo hành lang pháp lý cho tất cả các nhóm dự án hiện hữu và có cơ hội để thúc đẩy mở rộng và phát triển đầu tư các dự án mới.

Dự thảo Nghị định thay thế được thiết kế, xây dựng công phu, có một số điểm mới tiến bộ có thể giúp quá trình nghiên cứu đánh giá, lựa chọn quy trình, trình tự phê duyệt dự án rõ ràng hơn. Nhưng có thể do thời gian chuẩn bị quá gấp rút nên các nội dung trong dự thảo dường như chưa thể tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của các dự án hiện hữu nên các dự án trong tương lai nếu có cũng sẽ lặp lại các vướng mắc tương tự. Có quá nhiều nội dung áp dụng theo thông lệ tại Việt Nam được đưa vào dự thảo, chưa có các quy định mang tính đặc thù của công tác đầu tư trong hoạt động dầu khí ra nước ngoài.

Hội DKVN cho rằng Nghị định cần cập nhật, hiệu chỉnh để đạt được các mục tiêu như sau: Thứ nhất, các dự án đã và đang hoạt động tốt cần hoạt động hiệu quả hơn, tốt hơn; thứ hai, các dự án đã phải kết thúc cần hoàn thành thủ tục kết thúc với chi phí thấp nhất và tránh các phát sinh hệ luỵ về kinh tế và pháp lý, tranh tụng; thứ ba, các dự án hiện đang bị dừng giãn do yếu tố địa chính trị cần có cơ chế duy trì hoặc cơ chế sang nhượng nhằm cắt lỗ; thứ tư, các dự án mới cần được xem xét, xử lý kịp thời để tránh mất cơ hội và tránh lãng phí các chi phí đã bỏ ra trong quá trình chuẩn bị dự án.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam

PV: Theo quan điểm của Hội DKVN, Hội cho rằng không nên ban hành Nghị định mới nếu tính khả thi được đánh giá thấp, khó thực hiện. Vậy xin Chủ tịch chia sẻ về tính khả thi của dự thảo Nghị định này.

TS Nguyễn Quốc Thập: Về tính khả thi, theo Hội DKVN, Nghị định mới cần đạt được 4 mục tiêu như đã nói ở trên và cụ thể cần bổ sung bốn nội dung như sau:

Thứ nhất, theo định nghĩa tại khoản 5, 5 Điều 3 Luật Đầu tư 61/2020/QH14 thì ở Nghị định này cần phải bổ sung các định nghĩa về dự án đầu tư dầu khí mở rộng và các dự án đầu tư dầu khí mới. Đây là vấn đề vướng mắc lớn nhất khi thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư hiệu chỉnh Nhenhetski và Lô 433a & 416b.

Thứ hai, cần bổ sung về phân cấp quyết định đầu tư hiệu chỉnh và cấp giấy chứng nhận đầu tư hiệu chỉnh tương tự như các Dự án đầu tư ở trong nước (Khoản 3c Điều 41 Luật Đầu tư quy định chỉ trong trường hợp tổng mức đầu tư thay đổi >20% mới phải thực hiện xin chứng nhận đầu tư hiệu chỉnh). Đây cũng là những nội dung khó thống nhất trong quá trình lập, trình, thẩm định và phê duyệt.

Thứ ba, cần bổ sung quy định về trường hợp điều chỉnh tăng vốn đầu tư ra nước ngoài để hoàn thành các nghĩa vụ và xử lý các tồn đọng trước khi chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài. Và cuối cùng, làm rõ các điều khoản về chuyển tiếp. Khi Nghị định 124 không còn hiệu lực thì bắt buộc phải ứng xử với các dự án hiện hữu bằng Nghị định mới.

Chúng tôi cho rằng nếu các nội dung nêu trên được bổ sung thì Nghị định mới sẽ đảm bảo được tính khả thi. Nếu Nghị định mới không cập nhật, bổ sung những điều Hội DKVN nêu ra, chúng tôi cho rằng hoạt động đầu tư sẽ tiếp tục khó khăn và gian nan. Bởi vì trong quá trình triển khai khi có những phát sinh không được xử lý kịp thời hoặc xử lý như thời gian qua sẽ rất bất cập, thua thiệt cả về vị thế và kinh tế.

Ngày 14/3/2023, Hội Dầu khí Việt Nam đã tổ chức hội nghị cho ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí thay thế Nghị định số 124/2017/NĐ-CP

PV: Từng là lãnh đạo cấp cao của Petrovietnam/PVEP phụ trách lĩnh vực E&P, Chủ tịch cũng từng trực tiếp tham gia điều hành dự án thăm dò khai thác dầu khí tại nước ngoài như dự án Bir Seba - Algeria, một trong những dự án thành công nhất của Petrovietnam/PVEP ra nước ngoài. Chủ tịch đánh giá như thế nào về công tác đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí. Đâu là những tồn tại và bài học kinh nghiệm?

TS Nguyễn Quốc Thập: Công tác đầu tư ra nước ngoài hiện nay có nhiều cách đánh giá, xem xét khác nhau. Về phía Hội DKVN và cá nhân tôi, chúng tôi chia ra thành các nhóm để đánh giá.

Đầu tiên, cần khẳng định hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng một cách gián tiếp, mở rộng thị trường và địa bàn hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành dầu khí, đặc biệt là Petrovietnam.

Về triển khai thực hiện, Hội DKVN đánh giá cao cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan thực hiện. Với cơ quan quản lý nhà nước, song song với việc triển khai hoạt động dầu khí ra nước ngoài, Chính phủ đã kịp thời ban hành các Nghị định về đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí. Đó là những văn bản pháp quy quan trọng làm cơ sở pháp lý để triển khai mọi mặt hoạt động đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí ở nước ngoài. Còn với cơ quan thực hiện, hiện tại đã và đang có 3 đơn vị của Việt Nam tham gia hoạt động đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí ở nước ngoài là Petrovietnam, PVEP và trước đây có Vietsovpetro.

Đến nay, có tổng số 32 dự án đã ký kết và triển khai trên các địa bàn khác nhau. Trong đó gồm 5 dự án tìm kiếm, 21 dự án thăm dò, 6 dự án mua mỏ và mua trữ lượng. Tổng trữ lượng dầu đã phát hiện và mua quyền sở hữu khoảng 145 triệu tấn dầu thô. Tổng số tiền đã đầu tư ra nước ngoài khoảng 3,6 tỷ USD tính đến 31/12/2022. Tổng số tiền đã chuyển về nước khoảng 2,5 tỷ USD tính đến 31/12/2022. Dự báo chỉ với 2 dự án Nhenhetski và Lô 433a & 416b, phần thu của phía Việt Nam sẽ vượt phần vốn chuyển ra nước ngoài của tất cả các dự án cộng lại. Và nếu các dự án hiện đang bị dừng giãn được triển khai trở lại, lợi nhuận sẽ thu được đáng kể từ các dự án này.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thập (thứ 3 từ trái qua) trong sự kiện thử vỉa thành công mỏ Bir Seba

Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại như địa bàn đầu tư còn dàn trải, có nhiều rủi ro địa chính trị. Tỉ lệ dự án thành công thấp do bị giới hạn về hạn mức đầu tư và dự án không được điều chỉnh cấp phép kịp thời. Điển hình như dự án tại Lô M2, vì không có cơ hội đầu tư mở rộng nên không đánh giá được, phải chấp nhận rút khỏi dự án này. Khung pháp lý mặc dù cũng cố gắng nhưng vẫn chưa đủ để các doanh nghiệp hội nhập bình đẳng, đầy đủ và chậm được cập nhật mới. Nhìn lại, công tác quản trị điều hành cũng chưa phù hợp và còn bất cập, còn để mất cơ hội.

Chúng tôi cũng rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý giá. Tìm kiếm thăm dò dầu khí là lĩnh vực đầu tư rủi ro nhưng nếu biết tận dụng các cơ hội thì hoàn toàn có thể đạt được các mục tiêu. Cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm song phải chấp nhận đầu tư rủi ro có tính toán mới có thể thành công. Cũng cần chú trọng nâng cao chất lượng nguồn lực về con người và cần hội nhập quốc tế một cách sâu rộng trong bố trí và bổ nhiệm cán bộ, chuyên gia theo yêu cầu của các dự án mang tính đặc thù.

Tiếp đến, cần cập nhật bổ sung các hành lang pháp lý mang tính hội nhập và phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư và giảm thiểu rủi ro pháp lý trong quá trình triển khai thực hiện. Nâng cao chất lượng công tác đánh giá và dự báo, quản lý giám sát và điều hành các dự án dầu khí ở nước ngoài. Song song thực hiện chặt chẽ việc định kỳ hoặc đột xuất rà soát đánh giá các danh mục dự án đầu tư, cũng như từng dự án đầu tư để có biện pháp xử lý kịp thời; dừng giãn thậm chí chấm dứt các dự án khó khăn rủi ro cao. Trong hoạt động đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí ra nước ngoài cần tính đến các yếu tố thách thức và cơ hội trong xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu và khu vực.

Tóm lại, hoạt động đầu tư ra nước ngoài tổng thể vẫn là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Việc nâng cao hiệu quả của hoạt động cần được coi trọng dựa trên những bài học kinh nghiệm từ xây dựng pháp lý đến triển khai thực hiện và sự hỗ trợ trong quá trình triển khai thực hiện của tất cả các cấp. Việc xây dựng Nghị định mới khả thi sẽ góp phần nâng cao hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo đúng định hướng và mục tiêu của các cấp lãnh đạo.

PV: Trong những mục tiêu của hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, có mục tiêu về đảm bảo an ninh năng lượng. Xin Chủ tịch chia sẻ thêm về mục tiêu này?

TS Nguyễn Quốc Thập: Khái niệm an ninh năng lượng phải hiểu theo nghĩa rộng, theo phương diện trực tiếp và gián tiếp. Ở trong nước, an ninh năng lượng là đảm bảo tiêu dùng về xăng, dầu, điện; không được để sự thiếu hụt nào ảnh hưởng đời sống của người dân.

Còn tại quốc tế, an ninh năng lượng hiểu theo nghĩa gián tiếp là về thương hiệu, uy tín của các công ty Việt Nam. Khi ra biển lớn, nói về an ninh năng lượng là Việt Nam có quyền định đoạt nhất định trong các hợp đồng, dự án với đối tác. Khi có nhiều đối tác hơn đương nhiên sẽ có nhiều kênh để tương tác và chủ động nguồn nhập, nguồn cung, nắm bắt tốt xu thế bên ngoài hay cùng bàn về các giải pháp của các vấn đề còn trăn trở. Tiêu biểu như Nhà máy lọc dầu Dung Quất mua được dầu của Azerbaijan vì hai bên từng là đối tác.

Dự án Bir Seba giữa sa mạc Sahara.

PV: Trong bối cảnh hiện nay, thế giới đang tập trung vào câu chuyện chuyển dịch năng lượng, Chủ tịch có cho rằng, đầu tư vào dầu khí nói chung, đầu tư vào dầu khí ra nước ngoài nói riêng, còn là lựa chọn hấp dẫn?

TS Nguyễn Quốc Thập: Đây là câu hỏi rất lý thú và là câu hỏi của tất cả nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng hiện nay. Xu thế hiện của thế giới là chuyển dịch năng lượng. Cũng cần hiểu rõ chuyển dịch là cơ cấu lại các tỉ phần tham gia vào chuỗi cung ứng năng lượng chứ không phải là bỏ đi phần nào đó.

Dưới góc độ của Hội DKVN, chúng tôi cho rằng chuyển dịch năng lượng là cơ hội, cũng là thách thức. Trong "nguy" có "cơ", trong "cơ" nếu không biết xử lý cũng trở thành "nguy". Hiện nay, các công ty dầu khí quốc tế và Việt Nam đang cơ cấu lại các danh mục đầu tư về năng lượng hóa thạch. Tuy nhiên, năng lượng hóa thạch vẫn chiếm tỉ phần quan trọng trong cơ cấu năng lượng, có thế giảm thiểu về tương đối nhưng giá trị tuyệt đối có thể vẫn duy trì và vẫn tăng. Theo như mức độ tiêu thụ dầu mỗi ngày, mức tiêu thụ vẫn không giảm trong trung hạn và dài hạn.

Sản phẩm của dầu thô không chỉ riêng xăng dầu mà còn là sản phẩm hóa dầu, tất cả vật liệu cao cấp trong tương lai đều từ hóa dầu. Nếu không khai thác dầu thô, nền kinh tế thế giới sẽ không có được các nguồn vật liệu cao cấp đó, dẫn đến cung không đủ cầu. Do đó, năng lượng hóa thạch vẫn tiếp tục được khai thác và sử dụng trong tương lai, hoạt động thăm dò khai thác vẫn cần được tiếp tục duy trì.

Xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu đang tạo các cơ hội cho các nhà đầu tư mới về lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí. Hiện nay cũng có một số công ty sang nhượng bớt các dự án thăm dò khai thác dầu khí để chuyển sang tập trung nguồn lực vào năng lượng tái tạo. Đây chính là cơ hội với với các công ty dầu khí còn lại, tất nhiên cũng cần xem xét tính hiệu quả của các dự án đó. Và đây cũng là câu trả lời cho bài toán các công ty dầu khí có nên tiếp tục định hướng đầu tư ra nước ngoài hay không.

https://pvn.vn/chuyen-muc/tap-doan/tin/d6e5a011-f2ea-4c6e-86d6-0873d4bac5e8

PV / Cổng thông tin điện tử PVN