Dự kiến cấp hộ chiếu phổ thông online trên toàn quốc; tăng thời gian học thực hành lái xe trên đường giao thông; dừng thu phí thủ công trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng… là những chính sách mới quan trọng sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2022.
Vừa qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp hộ chiếu phổ thông (không gắn chip điện tử) cho công dân trên Cổng Dịch vụ công của Bộ Công an.
Dịch vụ này đã được triển khai thí điểm tại Hà Nội từ 15-5 và dự kiến sẽ được thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ 1-6 tới. Theo đó, người dân có thể đăng nhập vào Cổng Dịch vụ công của Bộ Công an để đăng ký hồ sơ, thanh toán lệ phí trực tuyến, nhận hộ chiếu qua bưu điện, hoặc đến nhận trực tiếp tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh khi có kết quả.
Bên cạnh đó, chính sách giảm lệ phí làm hộ chiếu cũng được áp dụng đến hết 30-6.
Thông tư 04/2022/TT-BGTVT đã điều chỉnh lại chương trình đào tạo lái xe ô tô các hạng B1, B2 và C.
Theo phân bổ thời gian học thực hành lái xe trong chương trình đào tạo lái xe ô tô mới, thời gian học thực hành lái xe ô tô sẽ trên đường giao thông từ 15-6 sẽ tăng lên, đối với hạng B1 (xe số tự động) là 24h, hạng B1 (xe số cơ khí và B2) là 40 giờ, hạng C là 48 giờ.
Cùng với việc tăng số giờ học thực hành lái xe trên đường trường, Thông tư 04 sẽ giảm tương ứng thời gian học thực hành trên sân tập lái để đảm bảo tổng số giờ học vẫn thực hiện như chương trình trước đây.
Dự kiến từ 1-6, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ dừng thu phí thủ công, chính thức thí điểm 100% thu phí điện tử không dừng (ETC) đối với các phương tiện di chuyển trên tuyến cao tốc này.
Do đó, các phương tiện không dán thẻ ETC, hoặc có dán nhưng tài khoản không đủ để lưu thông mà cố tình đi vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ 1-6 có thể bị xử phạt.
Theo điểm c khoản 4 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021, mức phạt đối với người điều khiển ô tô sẽ là từ 2-3 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 120/2021/TT-BTC, quyết định giảm hàng hàng loạt các loại phí, lệ phí. Trong đó, giảm 50% lệ phí làm Căn cước công dân gắn chip.
Mức phí ưu đãi này chỉ được áp dụng đến hết 30-6-2022. Đây cũng là hạn cuối áp dụng chính sách giảm phí sử dụng đường bộ; lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm; lệ phí cấp hộ chiếu, giấy thông hành,…
Theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in hoặc đã mua hóa đơn của cơ quan thuế trước 19-10-2020 thì vẫn được tiếp tục sử dụng hóa đơn đó đến hết 30-6.
Thay vì sử dụng hóa đơn giấy, từ 1-7, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử.
Thông tư 03/2022/TT-BYT của Bộ Y tế có hiệu lực từ 10-6 sửa đổi quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế đã bỏ đồng loạt điều kiện về chứng chỉ ngoại ngữ và tin học trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế gồm:
Viên chức là bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, y sĩ làm việc trong các cơ sở y tế công lập; Viên chức y tế công cộng làm việc trong các cơ sở y tế công lập; Viên chức điều dưỡng, viên chức hộ sinh, viên chức kỹ thuật y làm việc trong các cơ sở y tế công lập; Viên chức dược làm việc trong các cơ sở y tế công lập…
Thông tư 03/2022/TT-BNV của Bộ Nội vụ đã điều chỉnh lại quy định về thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực tổ chức cán bộ ở địa phương.
Theo đó, từ 1-6, công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết các công việc thuộc lĩnh vực tổ chức cán bộ ở địa phương sẽ phải chuyển đổi vị công tác trong thời hạn từ đủ 3-5 năm.
Hiện nay thời hạn này đang được áp dụng theo Quyết định 05/2008/QĐ-BNV với thời gian quy định là đủ 3 năm (tức đủ 36 tháng).