Lần theo dấu vết 22 cuốn sổ đỏ bị "lấy cắp", cảnh sát đã phát hiện ra đường dây cho vay nặng lãi với hàng loạt hoạt động phi pháp. Điều đáng nói hơn, điều hành đường dây này không phải là xã hội đen, kẻ có tiền án tiền sự mà là 1 doanh nhân giàu có, thậm chí nổi tiếng trong lĩnh vực thiện nguyện.

Khi "trùm" cho vay nặng lãi núp bóng doanh nhân!

Ngày 5/9, tin từ cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Đà Nẵng đơn vị vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với Phạm Thanh, SN 1967, trú phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Thông tin Thanh bị khởi tố khiến dư luận TP. Đà Nẵng không khỏi xôn xao, từ giới "quý tộc" cho đến bộ phận người dân nghèo khó. Sửng sốt là hiển nhiên bởi bị can họ Phạm này vốn là 1 đại gia giàu có, nổi tiếng, thành danh ở rất nhiều lĩnh vực kinh doanh. Cùng với đó, gương mặt của ông ta trở thành "thương hiệu" từ thiện bao năm qua.

Theo cơ quan công an, "ông trùm" đội lốt doanh nhân này lộ sáng từ 1 vụ việc cũng đang gây ồn ào dư luận những ngày qua. Đó là chuyện Dương Thị Ngọc Anh, SN 1979, cán bộ văn phòng Đăng ký đất đai quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng "lấy cắp" 22 cuốn sổ đỏ tại nhiệm sở đem cho bạn "mượn".

Trong quá trình lần theo dấu vết 22 cuốn sổ đỏ, cảnh sát đã "sờ gáy" vị "trùm cuối" này. Cụ thể, sau khi được Ngọc Anh đưa 22 cuốn sổ đỏ, Đào Thị Như Lệ, SN 1979, trú TP. Đà Nẵng đã mang đi cầm cố "vay nóng" các đối tượng ngoài xã hội. Cũng như Thanh, Lệ là nữ doanh nhân giàu có sở hữu hàng loạt công ty và bất động sản ở Đà Nẵng, TP.HCM... Do dịch bệnh nên việc kinh doanh của nữ doanh nhân này gặp sự cố. Lợi nhuận không đủ trang trải lãi ngân hàng, buộc lòng bà phải đi vay tiền xã hội. 22 cuốn sổ đó được Lệ thế chấp lấy hơn 500 tỷ đồng của nhiều người. Trong đó, đại gia Thanh giữ 7 cuốn để cho vay 72 tỷ đồng, thực nhận gần 68,7 tỷ đồng, thu lãi trước gần 3,5 tỷ đồng.

Từ 22 sổ đỏ bị 'lấy cắp', vén màn bí mật về thế giới ngầm cho vay nặng lãi núp bóng doanh nhân - Ảnh 1

Khi "trùm" cho vay nặng lãi núp bóng doanh nhân. Ảnh: Người Đưa Tin Pháp Luật

Đầu tháng 8/2020, Lệ mất khả năng chi trả nên bị Thanh cho đàn em bắt giữ, đánh đập. Lệ còn bị ép viết giấy nhận nợ với số tiền cả gốc lẫn lãi lên đến 122 tỷ đồng, đồng thời phải bán 4 khu biệt thự và đất với giá thấp hơn giá thị trường cho Thanh. Điều đáng nói, dù bị đánh đập, cưỡng đoạt tài sản, nhưng Lệ không dám trình báo công an. Lệ đến bệnh viện khám với dấu hiệu chấn động não và thương tích do Thanh và đàn em gây ra. Những tưởng hành vi côn đồ của đại gia này sẽ chẳng ai hay biết, nhưng "lưới trời lồng lộng...

Thế giới ngầm "tín dụng đen" của doanh nhân

Khoảng gần 20 ngày sau, văn phòng Đăng ký đất đai quận Sơn Trà rà soát hồ sơ phát hiện ra bị mất 22 sổ đỏ. Sự việc đặc biệt nghiêm trọng này được báo cáo ngay với các cơ quan chức năng. Đến lúc này, nữ cán bộ Ngọc Anh mới mếu máo khai báo đã đem số sổ đỏ do mình quản lý mang cho bà Lệ... "mượn"!

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Đà Nẵng chính thức vào cuộc từ thời điểm này. Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Dương Thị Ngọc Anh và Đào Thị Như Lệ để điều tra về hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã được tống đạt đến từng bị can. Từ lời khai của Ngọc Anh, cảnh sát đã mời Lệ lên làm việc. Từ đây, biết không thể chối cãi, Lệ làm đơn cầu cứu và tự nguyện khai hết sự thật. Trong đó, có việc nợ nần hàng trăm tỷ đồng và bị Phạm Thanh cưỡng đoạt tài sản.

Theo cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Đà Nẵng, ngoài hành vi cưỡng đoạt tài sản, đại gia họ Phạm này còn bị điều tra làm rõ các hành vi như: Cho vay nặng lãi, Bắt giữ người trái phép... Trong vụ án này có một chi tiết khá đặc biệt là trong đơn "kêu cứu" của mình, Lệ đã "phác họa" bức tranh toàn cảnh về thế giới ngầm "tín dụng đen" của giới doanh nhân giàu có ở Đà Nẵng. Theo đó, để đáo hạn ngân hàng, Lệ vẽ nhiều lý do như làm dự án, đầu tư rồi vay hàng tỷ đồng của nhiều bạn bè là doanh nhân, người giàu có trong xã hội. Vì vay nhiều đến nỗi bản thân Lệ cũng không nhớ hết các khoản vay và con số cụ thể. Có trường hợp, lãi vay lên đến 21%/tháng, có trường hợp vay 30 tỷ đồng nhưng chỉ sau vài tháng, Lệ đã phải trả số lãi còn lớn hơn cả số tiền gốc đã vay.

Với riêng "trùm cuối" Phạm Thanh, các chứng cứ, tài liệu cảnh sát thu thập được cho thấy, doanh nhân này đã tổ chức cho vay lãi nặng với số tiền lớn hàng chục năm qua. Để điều hành đường dây "tín dụng đen" của mình, hắn sử dụng một số nhân viên và đối tượng xã hội đen để thực hiện việc đòi nợ, sẵn sàng hành hung nếu con nợ không trả lãi đúng hạn.

Việc cơ quan chức năng bóc gỡ được đường dây này đã vén ra bức màn bí mật động trời về nguồn lợi nhuận phi pháp của 1 đại gia giàu có. Tội phạm thời nay không chỉ là dân xã hội đen xăm trổ, kẻ có tiền án, tiền sự... mà còn tinh vi núp bóng doanh nhân "chăm" làm công tác thiện nguyện!

Nhâm Thân

“Ma trận” sổ đỏ, giấy tờ giả “Ma trận” sổ đỏ, giấy tờ giả
Hà Nội: Xã đuối lý, Chủ tịch bị đe dọa, cấp sổ đỏ cho đất công bị lấn chiếm Hà Nội: Xã đuối lý, Chủ tịch bị đe dọa, cấp sổ đỏ cho đất công bị lấn chiếm

/ www.doisongphapluat.com