Giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện không thể trong một sớm, một chiều. Rất cần phải có một cái tâm vì dân, một quyết tâm cao độ và một tư duy đúng.

tu duy dung luong tam tot de giai quyet van nan qua tai benh vien Bác sĩ cũng bị... trầm cảm
tu duy dung luong tam tot de giai quyet van nan qua tai benh vien Đầu tư cho chuyên môn là quan trọng nhất

Dạo một vòng quanh các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện tuyến Trung ương có thể dễ dàng nhận thấy sự “tấp nập, bận bịu” của các cơ sở này. Ngay từ ngoài sân là sự tíu tít, chen chúc của vô số người. Người xếp hàng làm thủ tục bảo hiểm y tế, người đi mua cơm, mua cháo, người tay xách nách mang chăn, chiếu chuẩn bị cho “cuộc chiến” trông bệnh nhân. Bãi giữ xe hầm hập, kín mít.

Vào trong các khoa, phòng, người nằm, ngồi la liệt. Trên giường, dưới đất, thậm chí là hành lang, đâu đâu cũng thấy màu áo bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Tiếng gọi, cáu gắt của nhân viên y tế, tiếng nói chuyện, gọi nhau í ới của bệnh nhân, người nhà. Những chiếc băng ca, xung quanh là 3, 4 người nhà bệnh nhân “áp tải” chạy tới, lui đi xét nghiệm, chụp phim, mổ…

Đi xa hơn một chút đến các bệnh viện tuyến tỉnh, các trung tâm y tế tuyến huyện, xã, tình trạng đông đúc giảm dần. Thậm chí ở một số trung tâm y tế ngay tại Hà Nội, người đến khám bệnh thưa thớt. Công việc chủ yếu của nhân viên ở các trung tâm này có lẽ là làm “thủ tục” chuyển bảo hiểm y tế lên tuyến trên theo yêu cầu.

Âu cũng là điều hợp lẽ, các bệnh viện tuyến Trung ương có đầy đủ máy móc, thiết bị hiện đại, đội ngũ y, bác sĩ giỏi, các điều kiện chữa trị thuận lợi. Tuyến bệnh viện tỉnh, quận, huyện, kể cả những nơi vừa được đầu tư xây mới, không có những điều kiện này.

Trong các “ngôi nhà” bệnh viện tuyến dưới, máy móc, trang thiết bị thiếu và kém, đội ngũ y, bác sĩ tay nghề không cao tạo ra sự bất tín nhiệm cho người bệnh. Cộng thêm tâm lý “sỹ diện” của đông đảo người nhà bệnh nhân, muốn được tiếng “hết lòng” với việc chữa bệnh cho người nhà dẫn đến dòng người đổ về các bệnh viện tuyến trên ngày một đông, không kiểm soát nổi.

tu duy dung luong tam tot de giai quyet van nan qua tai benh vien

Tình trạng quá tải tại các bệnh viện. (Ảnh Internet)

Bản thân y, bác sĩ các bệnh viện tuyến trên cũng muốn đông bệnh nhân. Đông có nghĩa là vất vả nhưng cũng đồng nghĩa với máy móc mình đã đầu tư theo hình thức “xã hội hóa” được sử dụng nhiều hơn; được kê đơn nhiều hơn và đương nhiên thu nhập cao hơn, thậm chí là giàu có.

Không còn như ngày xưa, bệnh viện ngày nay không còn phục vụ cơm cho bệnh nhân, đội ngũ nhân lực hộ lý ít dẫn đến mọi nhu cầu của bệnh nhân (trừ việc khám chữa bệnh) đều phải do người nhà tự túc. Trung bình, cứ một người nằm viện sẽ có từ 3 đến 5 người nhà phải túc trực để lo ăn, lo đưa bệnh nhân đi chiếu, chụp, mổ xẻ và phục vụ các nhu cầu cá nhân khác và đặc biệt là lo đóng tiền và ký tá giấy tờ bất cứ lúc nào khi bác sĩ yêu cầu.

Với tình trạng này, quá tải là điều hiển nhiên. Không có nhà thiết kế nào thiết kế bệnh viện cho 1 người bệnh cộng thêm 3 người nhà. Giải quyết vấn đề này thế nào? Khó và phức tạp nhưng không phải không làm được.

Giải pháp trước nhất là phải nhận thức một cách rõ ràng rằng, giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện không thể trong một sớm, một chiều. Rất cần phải có một cái tâm vì dân, một quyết tâm cao độ và một tư duy đúng.

Nên chăng, chia việc này làm hai giai đoạn. Trước mắt, cần thiết phải dùng “thuốc liều cao” để giải quyết cơn “cấp tính”. Đề ra có quy định “bệnh nào được chữa ở đâu”, theo đó, các bệnh viện lớn không được nhận bệnh nhân “sổ mũi, nhức đầu”. Ngay kể cả các trường hợp cấp cứu, nếu không phải bệnh nặng, người bệnh phải được chuyển về tuyến dưới điều trị sau khi đã hoàn thành quá trình cấp cứu hoặc mổ xẻ.

Những trường hợp bệnh nặng nhưng điều trị ngoại trú định kỳ được chuyển về điều trị ngoại trú tập trung ở bệnh viện tuyến dưới nhưng việc điều trị vẫn do bác sĩ tuyến trên thực hiện. Vận động các giáo sư, bác sĩ giỏi đã nghỉ hưu nhưng vẫn còn tâm huyết với nghề tham gia khám và điều trị cũng như đào tạo thêm cho các bác sĩ ở bệnh viện tuyến dưới. Thông báo rộng rãi chủ trương này để toàn dân được biết.

Sau một vài trường hợp bị từ chối được đưa lên thông tin đại chúng, người dân cũng sẽ chẳng lên tuyến trên nữa nếu biết chắc không được chấp nhận đồng thời lại biết rằng ở bệnh viện địa phương đang có giáo sư, bác sĩ giỏi khám và điều trị.

Song song với biện pháp trước mắt, cần có một kế hoạch căn cơ để chấm dứt tình trạng này. Theo đó, các bệnh viện cần nâng cấp, trang bị mới máy móc, trang thiết bị cho các bệnh viện tuyến dưới đảm bảo có đủ máy móc chẩn đoán, xét nghiệm… Đây là khâu đầu tiên cần thực hiện. Bác sĩ dù giỏi mấy mà không có máy móc hỗ trợ thì cũng chẳng làm được việc gì.

Bệnh viện cần có kế hoạch luân chuyển bác sĩ giữa bệnh viện trung ương và bệnh viện tuyến dưới hoặc có thể có liên kết giữa các khoa của bệnh viện tuyến dưới với bệnh viện tuyến trên để tạo uy tín của bệnh viện tuyến dưới kết hợp nâng cao trình độ y, bác sĩ bệnh viện tuyến dưới. Thí dụ khoa ngoại của bệnh viện tỉnh X liên kết với bệnh viện Việt Đức, khoa Tim mạch liên kết với viện Tim bệnh viện Bạch Mai. Lợi ích hài hòa giữa các bệnh viện sẽ khuyến khích chương trình này phát triển.

Ưu tiên phân bổ các “suất” đào tạo trong và ngoài nước cho các bác sĩ bệnh viện tuyến dưới để nhanh chóng nâng cao trình độ của họ. Cải tiến chế độ tiền lương, thưởng, phụ cấp gắn quyền lợi với trách nhiệm để khuyến khích sự tận tâm của y, bác sĩ.

Xây dựng trở lại việc bệnh viện có đủ hộ lý, điều dưỡng viên để phục vụ ăn, uống theo yêu cầu và các nhu cầu khác trong quá trình nằm viện, điều trị cho bệnh nhân nội trú nhằm bỏ hẳn việc phải có người nhà túc trực tại bệnh viện.

Bệnh viện nên áp dụng việc thông tin với người nhà bệnh nhân qua e-mail; điện thoại, chấp nhận việc tạm ứng, thanh toán thông qua tài khoản, thẻ. Minh bạch toàn bộ các kế hoạch này để lấy ý kiến phản biện rộng rãi của xã hội, dần dần giáo dục ý thức và định hướng người dân trong việc khám, chữa bệnh.

Tin tưởng rằng, với tư duy đúng, lương tâm tốt và hành động hiệu quả, ngành Y tế sẽ giải quyết được vấn nạn quá tải bệnh viện đang làm nhức nhối xã hội bấy lâu nay.

http://www.nguoiduatin.vn/tu-duy-dung-luong-tam-tot-de-giai-quyet-van-nan-qua-tai-benh-vien-a340934.html

/ nguoiduatin.vn