Sau một thời gian dài ổn định, kể từ giữa tháng 6-2023 đến nay, tỷ giá VND/USD biến động liên tục theo hướng tăng. Vậy đâu là nguyên nhân và diễn biến tỷ giá sẽ ra sao từ nay đến cuối năm 2023; và đâu là những yếu tố hỗ trợ sự ổn định của thị trường ngoại tệ, từ đó góp phần kiểm soát lạm phát và giúp ổn định kinh tế vĩ mô?

hoat-dong-xuat-nhap-khau-g.jpg
Hoạt động xuất, nhập khẩu gia tăng dịp cuối năm sẽ tác động đến tỷ giá VND/USD. Trong ảnh: Bốc xếp hàng hóa xuất khẩu tại Cảng Hải Phòng.

Liên tục biến động

Theo Ngân hàng Nhà nước, từ giữa tháng 11-2022 đến đầu tháng 6-2023, áp lực thị trường tài chính quốc tế giảm, giúp tỷ giá VND/USD khá ổn định. Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 6-2023 đến nay, tỷ giá liên tục diễn biến theo chiều hướng tăng.

Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 11-9 ở mức 24.005 VND/USD, tăng 10 đồng so với phiên giao dịch 8-9. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng 393 đồng, tương đương 1,66%. Ngày 12-9, tỷ giá trung tâm hạ nhiệt còn 23.981 VND/USD. Tỷ giá trung tâm được áp dụng từ đầu năm 2016, xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam (gồm: Đô la Mỹ USD, bath Thái Lan, EUR, nhân dân tệ Trung Quốc, đô la Singapore, yên Nhật, won Hàn Quốc...).

Các chuyên gia cho rằng, tỷ giá trung tâm liên tục điều chỉnh tăng trong những tuần gần đây do USD tăng trên thị trường quốc tế. Tính từ giữa tháng 7-2023 đến nay, chỉ số DXY (chỉ số giá USD so với các ngoại tệ chủ chốt khác) tăng hơn 5%. Ngoài ra, sự ngược chiều trong chính sách tiền tệ giữa Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là nguyên nhân chính tạo áp lực lên tỷ giá.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hạ lãi suất 4 lần, tổng cộng giảm 1,25%-1,5%. Trong khi đó, FED nâng lãi suất 4 lần, tổng cộng tăng 1%.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MBS, áp lực tỷ giá vẫn khá lớn, thể hiện qua việc lãi suất cho vay qua đêm bằng USD trên thị trường liên ngân hàng đã vượt 5%/năm. Nếu so với cuối tháng 7, tỷ giá trên thị trường tự do đã tăng tới 470 đồng, giao dịch phổ biến ở mức 24.140 đồng/USD.

Tuy nhiên, đến nay, cân đối cung - cầu ngoại tệ khá ổn định. Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng của năm 2023, cán cân thương mại xuất siêu 20,19 tỷ USD, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu do nhập khẩu giảm mạnh hơn 16,2%. Tổng nguồn vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2%. Nguồn tiền kiều hối chuyển về nước đạt 10,126 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2022.

Trước diễn biến của tỷ giá VND/USD, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay, tính từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua hơn 6 tỷ USD bổ sung dự trữ ngoại hối. Đồng thời, kết hợp với việc hủy bán ngoại tệ theo các giao dịch kỳ hạn cho các tổ chức tín dụng với tổng giá trị lên đến 2,24 tỷ USD, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra và để lại lưu thông một lượng lớn tiền VND tương ứng. Việc điều hành tỷ giá trung tâm phù hợp, can thiệp ngoại tệ linh hoạt, chủ động cùng với các biện pháp khác đã góp phần ổn định tâm lý thị trường, hạn chế áp lực biến động bất thường đối với tỷ giá thị trường.

khach-hang-giao-dich-tai-ng.jpg
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á. Ảnh: Nguyễn Quang

Còn áp lực tăng

Nhận định về diễn biến từ nay đến cuối năm 2023, Công ty cổ phần Chứng khoán MBS cho rằng, tỷ giá có thể đạt mốc 24.500 đồng/USD, với dự báo FED có thể tăng thêm lãi suất trong năm nay nhưng áp lực có thể không mạnh, do thặng dư thương mại trong nước ghi nhận ở mức cao so với các năm trở lại đây.

Thời gian tới, việc FED duy trì lãi suất điều hành ở mức cao có thể thắt chặt chính sách tiền tệ hơn, cũng như những diễn biến quốc tế khó lường tiếp tục là yếu tố gây áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Ngô Ngọc Quang (Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh) nhận định, từ giờ đến cuối năm 2023, lạm phát và tỷ giá ở Việt Nam sẽ ổn định, tình hình kinh tế khả quan hơn giai đoạn đầu năm 2023.

Còn Giám đốc phân tích, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) Nguyễn Hoàng Linh cho rằng, áp lực tỷ giá vẫn còn, nhưng sẽ sớm hạ nhiệt và nhiều khả năng kết thúc vào cuối năm 2023. VND chỉ mất giá trong khoảng 2-2,5% so với USD, vì hoạt động nhập khẩu gia tăng, cộng thêm yếu tố xuất khẩu sẽ tăng tốc trong cuối năm và Việt Nam duy trì thặng dư thương mại.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, trong những tháng cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước sẽ bám sát diễn biến thực tế để vừa kiểm soát lạm phát, vừa cân đối với mục tiêu giảm lãi suất. Việc điều hành tỷ giá tiếp tục linh hoạt, phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước; can thiệp kịp thời nhằm giữ ổn định thị trường ngoại tệ, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Thực tế, cung - cầu ngoại tệ thuận lợi, dòng vốn tiếp tục chảy vào nền kinh tế cũng như các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá linh hoạt là những yếu tố hỗ trợ sự ổn định của thị trường ngoại tệ.

https://hanoimoi.vn/tu-nay-den-cuoi-nam-ty-gia-dien-bien-ra-sao-640710.html

Hà Linh / HNM.com.vn