Ở tuổi 14, Steven Truscott bị kết tội cưỡng hiếp và giết chết bạn gái 12 tuổi cùng lớp tên là Lynne Harper. Nửa thế kỷ sau, vụ án oan mới được làm sáng tỏ.
Steven Murray Truscott là một thiếu niên yêu thích thể thao, sống cùng cha mẹ ở thị trấn Clinton tỉnh Ontario, phía tây nam Canada.
Lynne Harper (trái) và Steven Truscott. (Ảnh: intermissionmagazine.ca) |
Tối 9/6/1959, một số nhân chứng nhìn thấy Truscott đạp xe chở Harper (12 tuổi) qua vùng thôn quê. Harper ngồi trên ghi-đông xe đạp. Hai ngày sau đó, thi thể cô bé được tìm thấy ngay một đường máy kéo ở vạt rừng ngoại ô thị trấn Clinton. Nạn nhân bị cưỡng hiếp và siết cổ đến chết.
Ngay lập tức Truscott trở thành nghi phạm. Bị cảnh sát thẩm vấn, cậu khai mình chỉ cho bạn ngồi nhờ xe đến một ngã tư cao tốc cách thị trấn khoảng 1km về phía tây, để từ đây cô bé tiếp tục bắt xe đến nhà bà ngoại ở gần đó. Cảnh sát không tin và bắt giữ Truscott vì tội giết người.
Steven Truscott sinh ở Vancouver ngày 18/1/1945, là con trai của một sĩ quan không quân tên Dan với người vợ tên Doris. Họ đến thị trấn Clinton năm 1956 và một năm sau, gia đình Harper cũng chuyển tới đây.
Vụ bắt cóc, cưỡng hiếp và giết người đã gây chấn động cộng đồng địa phương gồm khoảng 3.500 dân. Truscott bị từ chối bảo lãnh và bị đưa ra xét xử tại một phiên tòa dành cho người trưởng thành, có nghĩa là bị cáo có thể lĩnh án tử hình hoặc chung thân.
Nhiều tình tiết và bằng chứng của vụ án chưa được điều tra đầy đủ và bị bỏ qua một cách vô lý. |
Tại tòa, Truscott khẳng định đã chia tay Harper tại ngã tư rồi đạp xe đi. Được một đoạn, cậu có ngoái lại và nhìn thấy một chiếc ôtô Chevrolet 1959 biển ngoại tỉnh dừng lại trước mặt Harper và cô bé bước lên.
Tuy nhiên, phía công tố lại dựa vào nhận định Harper là một cô bé thận trọng nên không đi nhờ xe. Và theo họ, Truscott đã tấn công tình dục bạn gái, bóp cổ cô đến chết rồi dùng cành cây phủ lên xác nạn nhân.
Công tố viên cũng nhấn mạnh một số lời khai không nhất quán của Truscott với cảnh sát cùng một vết xước khó hiểu trên dương vật của bị cáo. Họ cũng đặt thành vấn đề tại sao ngay hôm sau khi Harper biến mất, Truscott không tiết lộ nhìn thấy cô bé bước vào chiếc Chevrolet. Cuối cùng, bằng chứng được dùng đến là những vết lốp xe đạp được phát hiện dọc theo đường máy kéo tới nơi có thi thể nạn nhân.
Thời gian là yếu tố quan trọng của vụ án. Bác sĩ pháp y John Penistan, người tiến hành khám nghiệm tử thi nạn nhân, chỉ ra rằng thức ăn trong dạ dày Harper mới tiêu hóa một nửa chứng tỏ cô bé chết vào khoảng 7h15-7h45 tối.
Kết luận này gần như đóng lại cánh cửa cơ hội với Truscott vì trùng khớp với khoảng thời gian hai người ở cạnh nhau. Nó cũng khép lại khả năng một người lạ cho Harper lên xe trên đường cao tốc rồi đưa cô bé qua cây cầu hướng tới đường máy kéo.
Ngày 30/9/1959, Truscott bị kết luận có tội và bị tuyên án tử hình, trở thành tử tù trẻ nhất trong lịch sử Canada. Một năm sau, chính phủ liên bang giảm án xuống thành tù chung thân. Truscott kêu oan nhưng bị tòa án tối cao Canada bác bỏ.
Cha mẹ của Steven Truscott ngồi trong im lặng nghe Tòa tối cao phán quyết nhằm vào con trai họ năm 1966. Hai người nghe bản án qua đài phát thanh ở một căn hộ tại Toronto, còn Steven nghe tin từ trong tù. (Ảnh: Thư viện Công cộng Toronto) |
Năm 1966, một cuốn sách của Isabel LeBourdais đã làm dấy lên những tranh cãi mới. Vụ án Steven Truscott được tác giả phân tích chi tiết về một thanh niên trẻ bị kết tội vội vàng bởi những sĩ quan cảnh sát bất cẩn. Bà đặc biệt nhắm đến các kết luận của bác sĩ pháp y Penistan và về tình trạng thiếu nhất quán với bằng chứng mà các nhà điều tra thu thập được.
Một tài liệu tham khảo gửi tới Tòa án Tối cao Canada đã khiến vụ án Truscott được xem xét lại vào năm 1966. Tuy nhiên, Tòa ra phán quyết rằng bị cáo đã được xét xử công bằng và y án chung thân.
Truscott được ra tù vào tháng 10/1969. Người đàn ông này đã "mai danh ẩn tích" để thoát khỏi sự soi mói và bắt đầu cuộc sống mới ở Guelph, Ontario. Suốt 30 năm sau đó, rất ít người biết đến danh tính thực sự của Truscott, chỉ vài thành viên cộng đồng và đồng nghiệp. Với thế giới bên ngoài, anh tên là Steven Bowers.
Theo mục 690 Bộ luật Hình sự, Truscott có thể nộp đơn xin xem xét lại bản án và có khả năng được tái thẩm. Tuy nhiên, trước hết, Bộ Tư pháp phải thừa nhận yêu cầu bằng chứng mới trong vụ án có thể ảnh hưởng đến kết quả xét xử.
Năm 2000, Truscott đã có cuộc trả lời phỏng vấn của đài Broadcasting Corporation về trường hợp của mình và bày tỏ mong muốn được minh oan. Các luật sư của Hiệp hội Bảo vệ những người bị kết án oan (AIDWYC) đã lật lại hồ sơ vụ án và rốt cuộc đã có được 3.000 trang tài liệu chưa từng được tiết lộ. Hiệp hội đã soạn thảo báo cáo 700 trang, nêu lên nhiều tình tiết và bằng chứng chưa được điều tra đầy đủ, thậm chí bị bỏ qua một cách vô lý.
Cùng lúc đó, các luật sư của AIDWYC làm việc với chương trình The Fifth Estate của CBC để khuấy động lại sự quan tâm của dư luận về vụ án năm xưa. Nhà sản xuất của chương trình, Julian Sher, cũng xuất bản một cuốn sách có tựa đề "Cho đến khi bạn chết" (Until You Are Dead), lập luận rằng Truscott vô tội.
Steven Truscott hiện đang chiến đấu với bệnh ung thư. (Ảnh: Guelph Mercury) |
Ngày 28/11/2001, AIDWYC quyết định giúp đỡ Truscott, cùng ông gửi đơn lên Bộ trưởng Tư pháp Canada yêu cầu xem xét lại vụ án Lynne Harper, kèm theo hồ sơ phân tích dày 700 trang cho thấy cảnh sát phụ trách điều tra lúc đó đã bỏ qua nhiều nhân chứng và tình tiết quan trọng.
Trước sức ép của dư luận, tháng 10/2004, Bộ trưởng Tư pháp Canada Irwin Cotler yêu cầu tòa phúc thẩm Ontario xem xét lại vụ án. Các nhà chức trách đã tiến hành điều tra lại, tìm lại dấu vết ADN của nạn nhân và tìm hiểu lời khai của các nhân chứng.
Tháng 4/2006, hài cốt của Lynne Harper được khai quật để kiểm tra bằng chứng ADN. Tuy không tìm được những thứ như mong muốn nhưng khoa học cung cấp những lập luận có lợi cho Truscott. Qua việc phân tích giòi và ấu trùng thu thập được trên thi thể Harper, các bác sĩ pháp y xác định kết luận của bác sĩ năm xưa là sai: Harper có thể bị giết khoảng 12-24 giờ sau đó, thời điểm mà Truscott đang ở trường.
Bên cạnh đó, một nhân chứng cho biết có nhìn thấy Truscott chở Harper trên xe đạp tới đường cao tốc sau tối ngày 9/6/1959, do vậy kết luận của cảnh sát là Truscott giết Harper trước khi tới đường cao tốc hoàn toàn không chính xác.
Một nhân chứng khác - chủ sở hữu mảnh đất nơi xác Harper được tìm thấy - khẳng định đã phát hiện một ô tô lạ đỗ gần hàng rào nhà ông đêm đó. Các nhà điều tra còn tìm thấy một báo cáo mà cảnh sát không hề công bố, xác nhận các vết lốp xe đạp trên đường máy kéo đã có từ ít nhất 1 tuần trước khi Harper bị sát hại, nghĩa là không thể coi chúng như bằng chứng.
Sau tất cả, Tòa kết luận cảnh sát Clinton đã quá vội vã khi khẳng định Truscott là hung thủ giết người.
Một cảnh trong vở Innocence Lost. (Ảnh: intermissionmagazine.ca) |
Tháng 8/2007, tức sau 48 năm sau khi xảy ra vụ án, Toà phúc thẩm Ontario phán quyết Truscott vô tội và quyết định khoản tiền bồi thường 6,5 triệu USD. Tổng chưởng lý Michael Bryant thay mặt chính phủ nói lời xin lỗi cho những oan ức mà Steven Truscott đã phải chịu đựng, khép lại một trong những vụ án nổi tiếng và gây tranh cãi nhất lịch sử tư pháp Canada.
Truscott tiếp tục sống với vợ ông, bà Marlene. Ông dành một phần số tiền được chính quyền Ontario bồi thường để thực hiện Sáng kiến Truscott về Nghiên cứu Tư pháp tại Đại học Guelph, cấp 2 suất học bổng cho sinh viên trong lĩnh vực.
Vụ án Steven Truscott có ảnh hưởng lớn đối với văn hóa Canada. Nhiều nhà văn đã viết tiểu thuyết, lấy cảm hứng từ tử tù oan này. Hai tác phẩm được biết đến nhiều là tiểu thuyết The way the crow flies (Cách con quạ bay) của Ann-Marie MacDonald và bài thơ Requiem for a 14 year old (Lễ cầu hồn cho cậu bé 14 tuổi).
Steven Truscott cũng trở thành chủ đề một ca khúc gây tiếng vang của ban nhạc rock Blue Rodeo và một vở kịch năm 2008 có tựa đề Innocence Lost (Đánh cắp thơ ngây).
Thanh Hảo
Những phận đời chịu ngàn ngày tù oan ức |
Bản án oan của tử tù trẻ nhất phải ngồi ghế điện |
4 năm oan trái, anh em thợ hồ được bồi thường gần 1 tỷ |