Hàng loạt quái xế nẹt pô rú ga trên đường Võ Chí Công, quận Tây Hồ, Hà Nội bị bắt giữ
Quét sạch “quái xế”, trả lại bình yên cho các tuyến đường
Rạng sáng 3-4, các tổ công tác 141/CAHN công khai và hóa trang đã triển khai nhiệm vụ trên dọc tuyến đường Võ Chí Công. Quá trình kiểm tra, lực lượng Cảnh sát 141 và các đơn vị chức năng của CATP đã phối hợp chặn giữ 19 đối tượng có hành vi điều khiển xe máy phân khối lớn rú ga, tạo tiếng ồn gây mất trật tự công cộng, phóng nhanh, lạng lách..., bàn giao 17 phương tiện cho Công an phường Xuân La và 2 xe cho Công an phường Nhật Tân xác minh, làm rõ.
Đáng chú ý, tổ Y2/141 kiểm tra một xe ô tô, phát hiện 5 đối tượng nghi vấn... Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong xe có 2 dao (1 dao quắm, 1 dao phay) nên đã bàn giao Công an phường Xuân La kiểm tra, xác minh, xử lý theo quy định pháp luật.
Sau đợt ra quân trên, đường Võ Chí Công và một số tuyến đường đã được trả lại vẻ yên tĩnh vốn có.
Ông Nguyễn Thành Nam, sống tại chung cư Ngoại giao đoàn, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, đường Võ Chí Công là huyết mạch giao thông dẫn tới cầu Nhật Tân và ra Sân bay Quốc tế Nội Bài.
Do đường đẹp và khá rộng, nên không ít đối tượng đã thường xuyên lựa chọn con đường này để điều khiển xe máy phóng nhanh, rú ga ầm ĩ, đặc biệt là vào ban đêm.
Các "quái xế" bị Cảnh sát 141 truy bắt đêm 2-4 |
“Hai bên đường Võ Chí Công có khá nhiều khu chung cư với mật độ dân cư đông đúc, lại có cả Bệnh viện Tim Hà Nội (cơ sở 2). Mỗi khi đêm xuống, tiếng rú ga rồ lên từng đợt khiến nhiều người giật mình thon thót, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Mặc dù trong các căn hộ đều lắp đặt cửa kính cách âm, nhưng cũng chẳng ăn thua gì so với loại âm thanh ngoại cỡ này. Tại khu nhà tôi ở, có một số người già do không chịu được tiếng ồn từ những chiếc xe máy gầm thét hàng đêm, đã phải chuyển đi nơi khác” - ông Nam chia sẻ.
Cũng theo ông Nam, sau khi Cảnh sát 141 ra quân xử lý, đường Võ Chí Công đã yên tĩnh trở lại, tình hình an ninh trật tự tại khu vực cũng có chuyển biến đáng kể. Ông Nam mong rằng, lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra để giữ vững kết quả đã đạt được, đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi rú ga, đua xe trái phép đặc biệt là những trường hợp tái phạm.
Cùng chung nỗi bức xúc, anh Lê Hải Long, ở phường Xuân La, quận Tây Hồ phân tích, thực tế nhiều đối tượng khi bị kiểm tra còn mang theo dao, côn, kiếm và sẵn sàng sử dụng chúng khi có xung đột trên đường phố, nên rất nguy hiểm.
“Theo tôi, với những hành vi tổ chức đua xe, lạng lách đánh võng, vi phạm nồng độ cồn... dường như các biện pháp hành chính như tịch thu, tạm giữ phương tiện, giam bằng lái xe, phạt tiền không đủ răn đe đối với các “quái xế”.
Tham gia đua xe, cổ vũ đua xe, gây rối trật tự công cộng là đe doạ tính mạng của những người tham gia giao thông khác, ảnh hưởng trực tiếp đến ANTT, phải bị xử lý hình sự, xét xử trực tiếp, công khai để đảm bảo tính răn đe” - anh Long kiến nghị.
Xử lý nghiêm khắc người đua, tiếp tay và “lò” độ xe
Đối với hành vi đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, theo Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội, pháp luật hiện hành đã quy định rõ chế tài xử lý hành chính và hình sự.
Điều 34, Nghị định 100/2019 được sửa đổi bởi Điểm a, b, Khoản 19, Điều 2 Nghị định 123/2021 nêu rõ, phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Tụ tập để cổ vũ, kích động hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường hoặc đua xe trái phép.
Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với người đua xe mô tô, xe gắn máy trái phép. Phạt tiền từ 20-25 triệu đồng đối với người đua xe ô tô trái phép.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị tịch thu phương tiện; tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe trong thời hạn nhất định.
Về xử lý hình sự, BLHS 2015 sửa đổi đã dành 2 điều để quy định về tội "tổ chức đua xe trái phép" và "đua xe trái phép".
Trong đó, điều 265 về Tội tổ chức đua xe trái phép nêu rõ, người nào tổ chức trái phép việc đua ô tô, xe máy thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.
Nếu tổ chức đua xe trái phép dẫn đến làm chết 3 người trở lên hoặc gây thương tích/ gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương từ 201% trở lên, gây thiệt hại tài sản từ 1,5 tỉ đồng trở lên có thể bị phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân.
Đối với Tội đua xe trái phép, điều 226 BLHS 2015 quy định người phạm tội có thể bị phạt tiền 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1.
Đua xe trái phép dẫn tới làm chết 3 người trở lên, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 201% trở lên, gây thiệt hại tài sản từ 1,5 tỉ đồng trở lên thì bị phạt tù 12-20 năm.
“Để ngăn chặn đua xe trái phép, cần xử mạnh tay để có tác dụng răn đe các đối tượng và cả phụ huynh giao xe cho con chưa đủ tuổi đua xe. Bên cạnh đó, các cơ quan tiến hành tố tụng phải xử lý nghiêm với các bản án nghiêm khắc như phạt tù giam, tịch thu phương tiện bán đấu giá hoặc tiêu hủy. Các “lò” độ xe, cung cấp phương tiện cũng phải bị xử lý” -Luật sư Thu nhấn mạnh.
Dùng ôtô chở xe máy đến QL56 để đua xe |
Hà Nội: Vây bắt hàng chục thanh niên lạng lách xe máy, gầm rú ga trên đường |