Trong phán quyết sáng nay, TAND Hà Nội xác định Tuần Châu Hà Nội có quyền sở hữu tác phẩm vì đầu tư tiền sản xuất.
Sáng 20/3, TAND Hà Nội tuyên án sơ thẩm với vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ vở diễn nghệ thuật thực cảnh Ngày xưa (hay Thuở ấy xứ Đoài) với nguyên đơn là Công ty giải trí Tuần Châu Hà Nội, bị đơn là Công ty DS của đạo diễn Việt Tú.
Trong đơn kiện, Tuần Châu Hà Nội cho hay ký hợp đồng trị giá hơn 7,3 tỷ đồng với DS để xây dựng Ngày xưa, hoàn tất mọi thỏa thuận vào năm 2017. Vở diễn do Tuần Châu Hà Nội đầu tư tiền và tâm huyết nên công ty phải được sở hữu quyền tác giả. Phía DS đã xâm phạm, chiếm đoạt quyền sở hữu này bằng việc "tự ý đăng ký bản quyền", kê khai thông tin tác giả là đạo diễn Việt Tú, chủ sở hữu là DS.
Nguyên đơn khởi kiện với mục đích yêu cầu DS chuyển giao quyền sở hữu tác phẩm Ngày xưa; bồi thường chi phí đầu tư hơn 6 tỷ đồng và chi phí thuê luật sư.
Trong khi đó phía DS cho hay tháng 6/2017 khi hợp đồng còn hiệu lực, Tuần Châu Hà Nội thuê công ty khác dàn dựng vở diễn tương tự với tên gọi Tinh hoa Bắc Bộ, sao chép nội dung cốt lõi, hạ tầng được xây dựng của Ngày xưa - vi phạm quy định về độc quyền theo hợp đồng.
DS đề nghị HĐXX bác mọi yêu cầu của phía nguyên đơn và công nhận Tinh hoa Bắc Bộ là tác phẩm phái sinh của Ngày xưa. Tuần Châu Hà Nội đã vi phạm điều khoản độc quyền ký với DS, gây thiệt hại nên phải bồi thường 6,3 tỷ đồng (tính theo doanh thu 10% của Tinh Hoa Bắc Bộ).
Đạo diễn Việt Tú (đứng bên trái) và người đại diện của Tuần Châu Hà Nội.
Đọc bản án trong khoảng một tiếng, TAND Hà Nội ra phán quyết "chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Tuần Châu Hà Nội", buộc DS chuyển giao quyền sở hữu tác phẩm Ngày xưa. Tuy nhiên, tòa không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường chi phí sản xuất, thuê luật sư.
Đồng ý một phần yêu cầu phản tố của DS, HĐXX xác định vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ là phái sinh của Ngày xưa, song không chấp nhận việc DS yêu cầu Tuần Châu Hà Nội bồi thường hơn 6 tỷ đồng.
TAND Hà Nội đánh giá nội dung khởi kiện, phản tố của hai bên đều liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ. Theo hợp đồng, DS dàn dựng, thiết kế kỹ thuật, dựng kịch bản và Tuần Châu phải thanh toán hơn 7 tỷ đồng. Khi ký hợp đồng, hai bên chưa đặt tên cho "sản phẩm" nhưng sau đó gọi vở diễn là Ngày xưa.
Theo tòa, việc DS cho rằng tác phẩm này có trước khi ký hợp đồng nên ký hợp đồng chỉ là đơn thuần đưa vào sử dụng là không có cơ sở. Tuần Châu Hà Nội do không trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm hay một phần tác phẩm mà chỉ hỗ trợ, cung cấp dữ liệu cho người sáng tạo tác phẩm thì không phải là tác giả hay đồng tác giả.
"Quyền tác giả với tác phẩm Ngày xưa hoàn toàn thuộc về đạo diễn Việt Tú, nhưng quyền sở hữu tác phẩm là Tuần Châu Hà Nội. Việc DS đăng ký quyền sở hữu với tác phẩm này là trái quy định", bản án nhận định.
Bản án giải thích ông Việt Tú là tác giả, có quyền tác giả, ghi bút danh trên tác phẩm khi tác phẩm được đưa ra biểu diễn, được bảo đảm quyền không cho người khác sao chép, sửa chữa. Còn quyền sở hữu tác phẩm gồm: cho in, sao tác phẩm, công bố, truyền tải tác phẩm tới công chúng thông qua các phương tiện điện tử.
Việc đạo diễn Việt Tú công bố thông tin với báo chí về vở diễn không ảnh hưởng tới quyền công bố theo hợp đồng, không xâm phạm quyền của công ty Tuần Châu như tố cáo của nguyên đơn.
Về yêu cầu DS bồi thường 6,2 tỷ đồng, HĐXX cho rằng theo hợp đồng Tuần Châu Hà Nội (bên A) cam kết không chuyển giao với bất cứ hình thức nào theo hợp đồng cho bên thứ ba mà chưa được DS (bên B) đồng ý. Song bên A đã đơn phương chấm dứt hợp đồng, tự ký hợp đồng với bên thứ ba sản xuất tác phẩm thay thế mà không được bên B đồng ý.
DS đã gửi thư trước khi đăng ký quyền tác giả, sở hữu tác phẩm nhưng Tuần Châu Hà Nội không phản hồi. Như vậy Tuần Châu Hà Nội cũng có một phần lỗi nên không được chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí luật sư.
Sau khi nghe bản án, đạo diễn Việt Tú cười tươi, ôm bạn bè, nhận lời chúc mừng.
Với yêu cầu của DS đề nghị chấp nhận Tinh hoa Bắc Bộ là tác phẩm phái sinh của Ngày xưa, bản án cho rằng theo một số nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối nước Thăng Long từng làm việc với đạo diễn Việt Tú, tác phẩm múa rối nước đã được đạo diễn này thai nghén từ năm 2010 nhưng khi ký hợp đồng với Tuần Châu mới được hoàn thiện dựa trên cơ sở vật chất được đầu tư.
Mặt khác, theo Hội đồng thẩm định của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, hai vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ và Ngày xưa có nhiều điểm chung: ý tưởng, chất liệu, địa điểm, nhân lực, đạo cụ... Việc Tinh hoa Bắc Bộ lại sử dụng trailer quảng cáo của vở Ngày xưa có từ trước để quảng cáo, bán vé là "điều xưa nay chưa từng có và không đúng quy định". Vì lẽ đó, bản án đánh giá Tinh hoa Bắc Bộ không được coi là tác phẩm sáng tạo độc lập mà chỉ là tác phẩm phái sinh.
Nêu quan điểm với VnExpress sau phán quyết trên, đạo diễn Việt Tú nói "không quan tâm" tới những yêu cầu về tài chính không được tòa chấp nhận. "Điều tôi đi tìm kiếm đó là sự tôn trọng với bản quyền sáng tạo của người nghệ sĩ, đặt ra án lệ rằng mọi nghệ sĩ trong nền công nghiệp sáng tạo phải tôn trọng sự sáng tạo của người khác".
Đạo diễn chia sẻ hôm nay là "ngày vui" đã chờ đợi từ lâu bởi cơ quan tố tụng đã nhận thức tầm quan trọng về quyền sở hữu trí tuệ. Ông khẳng định chưa bao giờ có ý định chiếm đoạt một quyền gì về sở hữu trí tuệ, nếu không thuộc về mình.
Trước khi rời phiên tòa, Tuần Châu Hà Nội cho hay họ vẫn một số điều băn khoăn, trong đó lớn nhất là "tại sao tòa lại giải quyết vấn đề tác phẩm phái sinh hay không phái sinh trong vụ án này". Việc tòa tuyên chấp nhận yêu cầu phản tố trong vụ án này có làm chấm dứt vụ án khác (do DS kiện Tuần Châu Hà Nội) mà TAND Hà Nội đang giải quyết hay không?
Tòa tuyên Việt Tú được bồi thường 600 triệu, "Tinh hoa Bắc Bộ" là tác phẩm phái sinh Theo đó, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án, Công ty Tuần Châu Hà Nội phải bồi thường chậm trả lãi cho ... |
Tuyên xử vụ kiện giữa công ty của "chúa đảo" Tuần Châu và Việt Tú Sau gần một tuần nghị án, tòa sơ thẩm sẽ đưa ra phán quyết về quyền tác giả, quyền sở hữu vở diễn thực cảnh ... |