Ngày 11/01/2022 – Quỹ VinFuture công bố lịch trình hoạt động của Tuần lễ Khoa học, nằm trong chuỗi sự kiện lễ trao giải VinFuture lần thứ I, sẽ diễn ra từ ngày 18 - 21/01/2022 tại Hà Nội. Đây là sự kiện tầm cỡ quốc tế, quy tụ các nhà khoa học kiệt xuất thế giới về Việt Nam để cùng chung tay thúc đẩy sứ mệnh phụng sự nhân loại một cách thiết thực và hiệu quả.
Tuần lễ Khoa học VinFuture là sự kiện quan trọng và quy mô của giới khoa học công nghệ toàn cầu, thu hút sự quan tâm của hàng ngàn nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và giới doanh nhân từ 6 châu lục. Đặc biệt, lần đầu tiên, các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng bậc nhất thế giới sẽ hội tụ tại Việt Nam để tham gia 4 hoạt động chính của Tuần lễ Khoa học VinFuture gồm: Giao lưu cùng Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo; Tọa đàm “Khoa học vì Cuộc sống”; Lễ Trao giải VinFuture lần thứ nhất và Giao lưu cùng Chủ nhân giải thưởng VinFuture.
Giao lưu cùng Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo |
Mở đầu là chương trình Giao lưu cùng Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo, diễn ra sáng ngày 18/01/2022. Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture - Giáo sư Sir Richard Henry Friend - Đại học Cambridge (Anh), người đạt Giải Millennium Technology Vật lý năm 2010; Giáo sư Gérard Mourou, Đại học École Polytechnique (Pháp), người đạt Giải Nobel Vật lý năm 2018 cùng nhiều nhà khoa học thuộc Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ Khảo VinFuture… sẽ chia sẻ về niềm đam mê, những thành tựu và hy sinh của người làm khoa học. Bên cạnh mục tiêu truyền cảm hứng và cổ vũ niềm đam mê nghiên cứu sáng tạo, buổi Giao lưu sẽ gợi mở cho các nhà khoa học Việt Nam khả năng tiếp cận những dự án lớn tầm cỡ trên thế giới.
Ngày tiếp theo là Tọa đàm “Khoa học Vì Cuộc sống”, diễn ra vào 19/01/2022, với sự tham gia của các nhà khoa học lỗi lạc như Giáo sư Sir Richard Henry Friend, Giáo sư Gérard Mourou, Giáo sư Antonio Facchetti, Giáo sư Sir Konstantin (Kostya) S. Novoselov, Giáo Sư Jennifer Tour Chayes; cùng Lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, và các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nhân đến từ những tổ chức uy tín trong nước và quốc tế.
Tọa đàm “Khoa học Vì Cuộc sống” |
Đặc biệt, sự kiện có sự tham dự của các nhà khoa học đã đóng góp to lớn cho nhân loại trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 toàn cầu như nhà khoa học Katalin Kariko, Giáo sư miễn dịch học Drew Weissman, Giáo sư Pieter R. Cullis - những người đứng sau công nghệ mRNA điều chế vaccine Covid 19 (công nghệ gốc của Pfizer, Moderna); Giáo sư Quarraisha Abdool Karim và Salim Abdool Karim – những nhà dịch tễ học với những đóng góp to lớn cho công cuộc chống lại căn bệnh thế kỷ HIV và nhiều bệnh truyền nhiễm khác.
Tọa đàm có 3 phiên thảo luận, mỗi phiên sẽ kéo dài 90 phút với các chủ đề: Tương lai của Năng lượng, Tương lai của Trí tuệ Nhân tạo và Tương lai của Sức khỏe Toàn cầu - tập trung vào các xu hướng, dự báo những thay đổi quan trọng của cuộc sống khi có sự tham gia mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Đây cũng là những vấn đề nóng, được giới khoa học quan tâm và chiếm tỷ trọng lớn trong các đề cử của giải thưởng VinFuture năm 2021. Tọa đàm “Khoa học Vì Cuộc sống” được kỳ vọng sẽ kết nối tư tưởng và hành động, thúc đẩy việc hỗ trợ khoa học và kỹ thuật tạo ra những đột phá mới, góp phần vào cải thiện cuộc sống, hướng tới sự phát triển bền vững cho hành tinh và các thế hệ tương lai.
Lễ trao giải thưởng VinFuture được tổ chức vào tối 20/01/2022 |
Tâm điểm của chuỗi sự kiện là Lễ trao giải thưởng VinFuture được tổ chức vào tối 20/01/2022 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Trong đó, phần Lễ sẽ được tổ chức theo nghi lễ trang trọng nhất với sự chứng kiến của Lãnh đạo Nhà nước Việt Nam và các nhà khoa học kiệt xuất, là chủ nhân của những giải thưởng khoa học danh giá thế giới như Nobel, Millennium Technology, Turing… Tiếp đó là phần biểu diễn nghệ thuật đỉnh cao được thiết kế riêng cho lễ trao giải, với sự tham gia của hai ngôi sao nổi tiếng từng đạt nhiều giải thưởng hàn lâm danh giá về âm nhạc là Nghệ Sĩ John Legend và Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn.
Lễ trao giải sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam và livestream ra thế giới thông qua các kênh truyền thông quốc tế chuyên về khoa học công nghệ.
Chương trình khép lại Tuần hoạt động sôi nổi là buổi Giao Lưu Cùng Chủ nhân Giải Thưởng VinFuture diễn ra vào sáng ngày 21/01/2022 tại Trường Đại học VinUni (Hà Nội). Được tổ chức ngay sau đêm công bố Giải thưởng, buổi giao lưu có ý nghĩa truyền cảm hứng đặc biệt tới công chúng khi các chủ nhân giải thưởng của mùa giải VinFuture đầu tiên chia sẻ về cuộc đời, động lực cũng hành trình nghiên cứu để tạo nên những phát minh đoạt giải.
Ca sĩ John Legend - ngôi sao từng đạt nhiều giải thưởng hàn lâm danh giá về âm nhạc - sẽ là một khách mời tại Lễ Trao giải VinFuture |
Bên cạnh 4 hoạt động chính, Tuần lễ Khoa học VinFuture còn có nhiều hoạt động bên lề hấp dẫn như các workshop, triển lãm, bài giảng đại chúng… dự kiến thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học và công chúng.
Với việc được tổ chức thường niên, Giải thưởng VinFuture sẽ định vị Việt Nam thành một điểm đến mới trên bản đồ khoa học - công nghệ toàn cầu, góp phần tạo bệ đỡ cho nền khoa học công nghệ trong nước hội nhập với thế giới. Đặc biệt, VinFuture sẽ mở ra cơ hội kết nối trí tuệ đỉnh cao giữa giới khoa học, các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp, hội tụ các nguồn lực để cùng chung tay thúc đẩy quá trình thương mại hóa, đưa các ý tưởng nghiên cứu vào phục vụ đời sống một cách thiết thực, hiệu quả đúng như sứ mệnh “Khoa học phụng sự nhân loại” mà giải thưởng đề ra.
Quỹ VinFuture, ra mắt vào 20/12/2020, nhân ngày Quốc tế Đoàn kết Nhân loại - là quỹ hoạt động độc lập, phi lợi nhuận do tỷ phú Phạm Nhật Vượng và phu nhân sáng lập. Tầm nhìn và sứ mệnh của Quỹ là tạo ra sự thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người trên thế giới. Hoạt động cốt lõi của Quỹ là trao Giải thưởng VinFuture hàng năm cho các phát minh khoa học công nghệ đột phá, đã, đang hoặc có tiềm năng tạo ra thay đổi ý nghĩa trong cuộc sống của con người. Hệ thống giải thưởng gồm có Giải thưởng Chính (VinFuture Grand Prize) trị giá 3 triệu đô la Mỹ là một trong các giải thưởng thường niên có giá trị lớn nhất từ trước đến nay trên toàn cầu; 03 Giải Đặc biệt, mỗi giải trị giá 500 nghìn đô la Mỹ, dành cho các nhà khoa học nữ, các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới. Ngoài ra, Quỹ cũng tiến hành nhiều hoạt động để hiện thực hóa sứ mệnh của mình, như tài trợ nghiên cứu, hợp tác phát triển học thuật, thúc đẩy giáo dục STEM. |
Phóng viên (t/h)