Quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng căng thẳng từ khi Tổng thống Erdogan tái đắc cử hồi tháng 6.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: AFP.
Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là hai đồng minh quan trọng của nhau trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước đang ở tình trạng tồi tệ nhất trong 10 năm quan do bất đồng về cuộc xung đột tại Syria và mâu thuẫn liên quan đến vụ Ankara bắt mục sư Mỹ Andrew Brunson, theo AFP.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 5 kết án tù chung thân 104 người với cáo buộc tham gia đảo chính bất thành năm 2016, khiến 240 người thiệt mạng. Chính phủ cho rằng giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người đang sống lưu vong tại Mỹ, là chủ mưu vụ đảo chính và đề nghị dẫn độ ông này về nước, nhưng Washington từ chối yêu cầu này.
Sự chào đón lạnh nhạt
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 24/6 tái đắc cử ngay trong vòng bỏ phiếu đầu tiên với 52,6% phiếu bầu. Chiến thắng này giúp củng cố quyền lực của chính trị gia 64 tuổi, bởi theo kết quả cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có quyền hành pháp to lớn, đồng thời được phép can thiệp cả lập pháp và tư pháp.
Tuy nhiên, Mỹ tỏ ra lo ngại với cách vận hành mới của bộ máy chính quyền Ankara. "Chúng tôi khuyến khích Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện các bước nằm tăng cường dân chủ", phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết một ngày sau chiến thắng của Erdogan.
Bà nói thêm rằng Nhà Trắng đang sắp xếp cuộc điện đàm giữa hai tổng thống để tái khẳng định mối quan hệ bền vững giữa hai bên. Bộ Ngoại giao cũng tuyên bố tôn trọng kết quả bầu cử.
Chuyển biến tồi tệ
Tới ngày 18/7, quan hệ giữa Washington và Ankara chuyển biến theo hướng xấu hơn khi tòa án Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Andrew Brunson, một mục sư Mỹ đã ngồi tù hai năm với tội danh khủng bố, tiếp tục thi hành án tù. Tổng thống Donald Trump kêu gọi Erdogan thả Brunson, cho rằng hành động tiếp tục giam giữ mục sư này là "hoàn toàn đáng hổ thẹn".
Brunson đã sống ở Thổ Nhĩ Kỳ 20 năm và bị bắt từ tháng 10/2016. Ông bị buộc tội hỗ trợ mạng lưới của giáo sĩ Gulen và đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức bị cả Ankara và Washington liệt vào danh sách khủng bố. Mục sư này cũng bị cáo buộc làm gián điệp thu thập tin tức về chính trị và quân sự. Tuy nhiên, ông phủ nhận tất cả cáo buộc.
Mục sư người Mỹ Andrew Brunson, một trong những nguyên nhân gây căng thẳng giữa Washington và Ankara. Ảnh: Reuters.
Washington hôm 20/7 từ chối đề nghị dẫn độ Gulen để đổi lấy sự tự do của Brunson. 5 ngày sau, Brunson di chuyển khỏi nhà tù và bị quản thúc tại gia, động thái thể hiện sự nhượng bộ của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng điều này "vẫn chưa đủ".
Một ngày sau, Trump yêu cầu Thổ Nhĩ Kỹ thả mục sư này "ngay lập tức", cảnh báo rằng Mỹ sẵn sàng áp đặt "các lệnh trừng phạt lớn" chống lại Ankara. Tổng thống Erdogan vài ngày sau công kích lại bằng cách cáo buộc Washington đang thể hiện "tư tưởng truyền giáo và theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái", ám chỉ quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel của Trump.
Các lệnh trừng phạt và chiến tranh kinh tế
Mỹ hôm 1/8 tuyên bố các lệnh trừng phạt nhắm vào bộ trưởng phụ trách nội vụ và tư pháp của Thổ Nhĩ Kỳ, những người mà họ cáo buộc đóng vai trò chủ chốt trong vụ bắt giữ Brunson. Để đáp trả lại, Erdogan hôm 4/8 cho biết Ankara sẽ đóng băng tất cả tài sản của bộ trưởng tư pháp và nội vụ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Danh tính của các bộ trưởng liên quan không được nêu rõ.
Sau các lệnh trừng phạt, Mỹ tiếp tục tấn công vào nền kinh tế của đồng minh. Tổng thống Trump hôm 10/8 cho biết đã tăng gấp đôi mức thuế thép và nhôm với nước này tương ứng lên 50% và 20%. "Quan hệ giữa chúng tôi và Thổ Nhĩ Kỳ không tốt vào thời điểm này", Trump thừa nhận trên Twitter.
Chỉ trong một ngày, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ lao dốc, mất tới 16% giá trị so với USD, đạt mức thấp kỷ lục. Erdogan cho biết đây là "chiến tranh kinh tế", đồng thời kêu gọi người dân hỗ trợ tình hình tài chính khó khăn bằng cách đổi tất cả ngoại tệ sang lira. "Đây là cuộc chiến của cả quốc gia", ông tuyên bố.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho rằng việc đồng lira mất giá là một "âm mưu chính trị", đồng thời khẳng định "với sự giúp đỡ của Chúa, chúng ta sẽ vượt qua điều này".
Tìm đồng minh mới
Sau những xung đột giữa hai bên, Tổng thống Erdogan hôm 11/8 cảnh báo rằng Ankara sẽ tìm "những người bạn và đồng minh mới, trừ khi Mỹ bắt đầu tôn trọng chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ".
"Họ thật đáng xấu hổ khi đổi một đối tác chiến lược trong NATO để lấy một mục sư", Erdogan chỉ trích Mỹ.
Việc Erdogan cáo buộc Mỹ tìm cách "đâm sau lưng" hôm 13/8 là động thái gây căng thẳng mới nhất. Ông cho biết nếu Mỹ không "đảo ngược chủ nghĩa đơn phương và thay đổi thái độ thiếu tôn trọng", Ankara sẽ bắt tay với các đồng minh mới như Iran, Nga, Trung Quốc và một số quốc gia châu Âu.
Thổ Nhĩ Kỳ tố Mỹ "đâm sau lưng" đồng minh Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Mỹ đang tìm cách "đâm sau lưng" nước này, đúng vào lúc căng thẳng ngoại giao giữa hai ... |
Tổng thống Erdogan: Thổ Nhĩ Kỳ sắp tiến hành chiến dịch mới ở Syria Sau Euphrates Shield và The Olive Branch, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố chuẩn bị cho chiến dịch quân sự mới ở Syria. |
Ánh Ngọc