Tùng Dương "ngông nghênh" giữa hai chiều yêu, ghét
Sau 15 năm ca hát, ca sĩ có khán giả ổn định nhưng không ít lần vướng dị nghị vì phát ngôn thẳng, phong cách quái dị.
Những ngày đầu năm mới, Tùng Dương dành nhiều thời gian bên gia đình, bạn bè và dồn sức tập luyện cho liveshow Mùa yêu, diễn ra vào dịp Lễ tình nhân (ngày 14/2) tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ở tuổi 36, ca sĩ thừa nhận mình "ngông nghênh" nhưng không còn "thích gì làm nấy", sống chậm và đằm hơn. Từ khi làm bố, anh được bạn bè nhận xét ngày một trưởng thành, bản lĩnh trong cuộc sống và trên sân khấu.
Tùng Dương hiện tại không còn đóng khung trong hình ảnh gai góc, dữ dội mà biến hóa đa sắc màu - lúc máu lửa, khi tình tứ, ngọt ngào. Anh trở thành gương mặt quen thuộc trong nhiều liveshow, bên cạnh các đàn anh, đàn chị như Thanh Lam, Hồng Nhung, Bằng Kiều, Quang Dũng... Để có được thành công như hiện tại, Tùng Dương trải qua 15 năm nỗ lực, nghiêm túc với nghề.
Tùng Dương và con trai - bé Voi.
Tuổi thơ thiếu thốn tình cảm được khỏa lấp bằng âm nhạc
Nhiều người đồn đoán Tùng Dương là con nhà nòi, gia đình vốn có điều kiện kinh tế nên thoả sức "chơi nhạc", không cần quan tâm đến thị hiếu đám đông. Trước những bình luận này, anh chỉ cười trừ. "Tôi sinh ra trong gia đình trí thức cơ bản. Hồi bé, bố mẹ tôi sang Nga làm ăn nên gửi tôi về Bắc Giang sống với bác. Tôi quấn mẹ nên đêm nào cũng khóc, hít hà buộc tóc, khăn tay của mẹ. Bố tôi vài năm có khi mới về nước một lần. Tôi nhớ một năm, ông bất ngờ xuất hiện vào chiều 30 Tết, khiến tôi sung sướng, oà khóc. Nói chung, trên mỗi bước trưởng thành, thay đổi tâm sinh lý của tôi đều vắng bóng bố mẹ", ca sĩ kể.
Tuổi thơ thiếu thốn tình cảm, Tùng Dương vùi mình vào thế giới âm nhạc. Anh từng bê trễ chuyện học hành vì mê hát. Hồi cấp một, anh gắn bó với một người anh kết nghĩa tên Khương, là sinh viên khoa guitar của Học viện Âm nhạc Quốc gia. Anh thường đệm đàn, mang Tùng Dương đi biểu diễn trong các buổi sinh nhật, hội hè. Cát-xê của ca sĩ khi đó là bát phở, gói kẹo. Sau đó, anh Khương mất sớm trong một vụ tai nạn giao thông, khiến Tùng Dương càng khép mình, cô đơn. Anh thích chơi một mình, làm bạn với các con vật, cây cỏ và đứng trước gương bắt chước các ca sĩ chuyên nghiệp.
Một lần, anh may mắn được người quen giới thiệu gặp nhạc sĩ Nguyễn Cường, Trần Tiến. Anh đã thể hiện ca khúc Em ơi Hà Nội phố của Phú Quang trước mặt hai ông, theo lối nhấn nhá của ca sĩ Hồng Nhung. Hai ông tấm tắc khen, nhạc sĩ Trần Tiến còn tặng anh một quyển sách nhạc, mở ra thế giới âm nhạc rộng lớn hơn trong mắt anh. Sau này, khi là sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Tùng Dương không có nhiều cơ hội làm thêm, biểu diễn ở các quán bar, vũ trường bởi thường chọn dòng nhạc khó.
Sao Mai Điểm hẹn 2004 là sân chơi lớn đầu tiên, đưa tên tuổi Tùng Dương đến với khán giả. Nam ca sĩ thể hiện bản lĩnh vững vàng qua mỗi tuần. Anh dữ dội với Ôi quê ôi, Lửa mắt em của Lê Minh Sơn, dìu dặt hát Quê nhà của Trần Tiến... Nhạc sĩ Tuấn Khanh trong một tuần thi thốt lên: "Nền nhạc trẻ Việt Nam hiện đại tự hào khi có em". Thế nhưng nhiều người nghe bày tỏ họ không "cảm" được anh.
Ngoại hình gầy gò, không sáng sân khấu, chọn theo đuổi dòng nhạc dân gian đương đại kén người nghe, sự xuất hiện của Tùng Dương gây ra nhiều tranh cãi. Ở một sân khấu mang tính chất trẻ trung như Sao Mai Điểm hẹn, Tùng Dương thu hút giới chuyên môn nhưng không được lòng số đông khán giả, nhiều người chê anh "lập dị", "ma quái". "Ai đã yêu thì rất yêu, nhưng người ghét thì cũng rất ghét", Tùng Dương nhớ lại. Trước đêm chung kết năm ấy, ban tổ chức quyết định mở thêm giải thưởng của Hội đồng Nghệ thuật bên cạnh giải Khán giả bình chọn để ghi nhận nỗ lực của anh. "Tôi biết chuyện đó nhưng chẳng hề chạnh lòng, thậm chí tự hào vì được những nghệ sĩ tên tuổi ghi nhận", Tùng Dương nói.
Sau Sao Mai Điểm hẹn, Tùng Dương cộng tác với nhiều nghệ sĩ như Lê Minh Sơn, Đỗ Bảo, Ngọc Đại, Lưu Hà An, Sa Huỳnh... Anh thử sức với nhiều dòng nhạc, từ Jazz, Blues, dân gian đương đại (Chạy trốn - 2004) đến New age (Những ô màu khối lập phương - 2007), Electro (Li ti - 2010), World Music (Độc đạo - 2013)... Anh tổ chức các liveshow Thập kỷ hoan ca (2015), Giao thoa (2016), Trời và đất (2017), Tùng Dương hát Bộ tứ sông Hồng (2018)...
Gây tranh cãi bởi "cái tôi" quá lớn
Âm nhạc của Tùng Dương được nhận xét có chất "quái", ẩn chứa sự phá phách độc đáo nhưng giàu ý nghĩa, thông điệp. Diva Hà Trần - người thân thiết với anh trong âm nhạc và cuộc sống - nhận xét: "Điểm tôi thích ở Dương là rất kiên trì, đã muốn làm gì là luôn làm cho bằng được, luôn đi tới tận cùng, không ngại cản trở, tốn kém đầu tư cho những dự án của mình. Thế là có gan và đam mê, bởi vì có những dự án Dương làm, trông vào là biết không bán đĩa được". Mỹ Linh nói đàn em luôn đòi hỏi cao ở bản thân: "Dương ngày càng chơi khó mình. Cậu ấy tự đặt ra những mốc căng thẳng cho bản thân, khiến cho cuộc sống của Dương có những lúc mệt mỏi, lúc nào cũng phải chạy đua với chính mình".
Trên sân khấu, Tùng Dương cũng duy trì gu thời trang phá cách. Anh từng đeo cánh thiên thần, mặc quần váy bằng sắt và da. Trong một đêm nhạc, anh hài hước: "Tôi cứ phải diện đồ lấp la lấp lánh thì mới thăng hoa được". Anh cũng thường tự gọi phong cách biểu diễn của mình là "lên đồng". "Tôi là Tùng Dương, tôi không phải là người mộc mạc, dung dị như anh Trọng Tấn hay lịch lãm, chỉn chu như anh Quang Dũng", Tùng Dương lý giải.
Tùng Dương nói anh không cố tình làm cho âm nhạc, phong cách của mình khác biệt, khó nghe mà chỉ muốn đưa tính sáng tạo, cái "tôi" vào sản phẩm. Sau 15 năm ca hát chuyên nghiệp, khán giả vẫn chia làm hai phe yêu - ghét khi nhắc đến Tùng Dương. "Tôi tôn trọng tất cả khán giả, kể cả những anti-fan. Họ giúp tôi có mục tiêu phấn đấu mỗi ngày, đó là chinh phục nhiều tầng lớp. Tuy nhiên, chẳng ai có thể làm hài lòng tất cả mọi người".
Ca sĩ Tùng Dương.
Tùng Dương thừa nhận trong sự nghiệp, tính cách thẳng thắn, quan điểm nghệ thuật duy mỹ khiến anh nhiều lần vướng "vạ miệng". Anh không ngại chê những giọng ca trong, ngoài nước nhiều fan mà thiếu cá tính, phát biểu quan điểm trái chiều về dòng nhạc Bolero đang được dư luận quan tâm. Hà Trần nói: "Tùng Dương cầu toàn, cực đoan, ai không hiểu thì cho rằng Dương sân si, hiểu hơn thì thấy cậu ấy chỉ đang đòi hỏi sự công bằng". Rapper Hà Okio từng viết trong nhạc phim Nụ hôn thần chết: "Chừng nào mà anh hùng không tranh bá/ Chừng nào người xây nhiều hơn người phá/ Và chừng nào Tùng Dương thôi không đanh đá/ Thì ta thôi yêu nhau em nhá".
Tùng Dương sinh năm 1983, tuổi Quý Hợi. Nhiều người thân khuyên anh cẩn thận khi bước vào "tam tai" (ba năm vận hạn liên tiếp). "Tôi nghe nói tam tai chỉ khiến người ta gặp đen đủi, hao tài tốn của nếu đổi nghề. Nếu vậy, tôi chẳng lo vì cả đời này sẽ chỉ theo nghiệp hát. Con đường tôi đi gai góc, có thể là \'độc đạo\' nhưng tôi chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc", Tùng Dương giãi bày.