Thông tin AstraZeneca thừa nhận vaccine COVID-19 có thể gây cục máu đông làm nhiều người lo lắng và muốn làm xét nghiệm để biết bản thân bị tình trạng này không.
Theo BS Đoàn Dư Mạnh - thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, không nên làm dụng xét nghiệm D-Dimer vì xét nghiệm này rất tốn kém, và không đúng mục đích.
AstraZeneca từng thông báo về việc vaccine của họ có thể gây một số tác dụng phụ hiếm gặp như giảm tiểu cầu, hình thành cục máu đông nhưng hiện tượng này "cực kỳ hiếm" và chỉ xuất hiện sau tiêm thời gian ngắn. Trong khi đó mũi tiêm gần nhất của chúng ta cách đây khoảng 2 năm.
"Không tác dụng phụ nào khi tiêm vaccine mà kéo dài lâu như vậy", bác sĩ Mạnh nói và cho biết việc lạm dụng những xét nghiệm không cần thiết sẽ gây hoang mang dư luận.
Các chuyên gia cho biết, vấn đề huyết khối nếu có thường xảy ra trong vòng 28 ngày sau khi tiêm.
Xét nghiệm D-Dimer được chỉ định dùng trong trường hợp người có các triệu chứng rối loạn đông máu, chẳng hạn như huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc phổi.
Các triệu chứng của huyết khối tĩnh mạch sâu gồm đau chân hoặc chân bị sưng tấy lên, đỏ hoặc có vệt đỏ trên chân. Các triệu chứng của thuyên tắc phổi là khó thở, ho, tức ngực, tim đập loạn nhịp.
Xét nghiệm D-Dimer thường được thực hiện trong phòng cấp cứu hoặc cơ sở chăm sóc sức khỏe khác. Dù phổ biến nhưng người bệnh chỉ được thực hiện xét nghiệm này khi bác sĩ chuyên khoa tim mạch chỉ định.
"Chỉ khi người có biểu hiện lâm sàng mới nên thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán. Xét nghiệm này chỉ là một phần, khi phát hiện bất thường cần thực hiện các chụp chiếu khác để xác định vị trí, mức độ huyết khối mới có biện pháp điều trị phù hợp", vị chuyên gia nói.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM cũng cho rằng, việc ồ ạt đi thực hiện các xét nghiệm để tìm kiếm cục máu đông hay đo lượng tiểu cầu là không cần thiết trong lúc này.
Hiện tượng đông máu chỉ xảy ra ở một số người nhất định khi tiêm vaccine AstraZeneca và trong khoảng thời gian 1 đến 2 tháng. Với những người từng tiêm vaccine COVID-19 của hãng AstraZeneca, tiêm nhiều lần, tiêm lâu sẽ không còn hiện tượng đông máu.
Thay vì làm những xét nghiệm tìm cục máu đông ở hiện tại, PGS Dũng cho rằng nên thực hiện sàng lọc các loại bệnh khác phổ biến hơn, đồng thời nên thăm khám sức khoẻ định kỳ, chú trọng điều trị bệnh nền, nâng cao chất lượng cuộc sống, lối sống.
Liên quan thông tin vaccine AstraZeneca phòng COVID-19 gây ra tác dụng hiếm gặp, khả năng dẫn đến đông máu, GS.TS Đỗ Văn Dũng cho hay, vấn đề huyết khối chỉ xảy ra trong 28 ngày sau khi tiêm, muộn nhất là 2 tháng. Trong khi đó, loại vaccine này được tiêm chủng tại Việt Nam từ năm 2021 và đến nay chỉ mới ghi nhận một vài trường hợp có phản ứng phụ liên quan đến huyết khối sau tiêm.
"Việc hình thành huyết khối hay giảm tiểu cầu sau thời gian tiêm dài là không có", PGS Dũng nói.
Việc các cơ sở nghiên cứu, sản xuất dược, vaccine công bố về tác dụng phụ là bình thường, mỗi loại vaccine đều có tác dụng phụ nhất định. Vaccine COVID-19 của Moderna, Pfizer được chứng minh có thể gây viêm cơ tim. Tuy nhiên, khi cân nhắc giữa lợi ích và thiệt hại thì rõ ràng lợi ích mang lại lớn hơn.
Bên cạnh đó, thông tin của AstraZeneca giúp chúng ta biết được những nguy cơ của vaccine COVID-19 để phòng tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra sau này trong quá trình tiêm nếu có. Từ đó chúng ta có thêm nhiều nghiên cứu về các biến chứng bất lợi vaccine để giảm tác dụng phụ của chúng.
Tại thời điểm COVID-19 đang bùng phát, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố các vaccine có thể tiêm được là hợp lý, do các lợi ích vaccine mang lại qua các thử nghiệm lâm sàng nhiều hơn so với nguy cơ. Trong 1 triệu người sử dụng vaccine AstraZeneca chỉ có 1 đến 2 người gặp tác dụng phụ, nhưng có đến hàng trăm nghìn người được bảo vệ trước COVID-19.
"Chúng ta không thể phủ nhận kết quả vaccine AstraZeneca mang lại. Việc tiêm vaccine đã giảm thiểu số người tử vong và khống chế được dịch bệnh", ông Dũng nói và đánh giá AstraZeneca vẫn là một trong những loại vaccine tốt tại thời điểm dịch bệnh lan rộng, phức tạp, nguy cơ tử vong cao, hoặc nếu dịch bệnh quay trở lại loại vaccine này vẫn là lựa chọn tốt.
Tháng 4/2021, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vaccine COVID-19. Theo Bộ Y tế, biểu hiện lâm sàng của hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối thường xuất hiện trong vòng 4 - 28 ngày sau tiêm.
Các triệu chứng giảm tiểu cầu, huyết khối thường gặp sau tiêm như đau đầu dai dẳng; đau bụng; đau, phù chi dưới; chảy máu, xuất huyết dưới da; đau đầu dữ dội; khó thở, co giật; đau bụng dữ dội, dấu hiệu thần kinh khu trú, nhìn mờ, nhìn đôi; xuất huyết tạng.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khi có những triệu chứng này cần thực hiện các xét nghiệm xác định số lượng tiểu cầu, đông máu cơ bản; D-Dimer (nếu có); siêu âm/Doppler mạch, X-quang, CT (nếu có); thăm dò khác tìm nguyên nhân và được sự tham vấn của chuyên gia.