Nỗi khát khao cháy bỏng gần nửa thế kỷ qua của những bệnh nhân phong Bến Sắn chỉ là mong có "người lạ" ghé thăm.
Chiều cuối năm se lạnh, làng phong Bến Sắn (Bình Dương) lặng lẽ hơn những ngày trong tuần. Trên con đường đất sỏi dẫn vào làng thấp thoáng những căn nhà đơn sơ, bến đỗ hàng chục năm nay của những bệnh nhân phong. Chiếc xe máy chở đủ thứ cá, thịt, rau... như cái "chợ di động" đến tận làng, là kết nối ít ỏi của họ với thế giới bên ngoài.
Vài chậu hoa xương rồng bắt đầu bung sắc mang lại nét tươi tắn hiếm hoi cho khu làng. Những chậu hoa là thành quả của các cô cậu sinh viên tình nguyện, nhà hảo tâm, đơn vị quản lý... nhằm giúp các bệnh nhân phong thêm cảm xúc tích cực về cuộc sống. Khu dưỡng lão, nơi có hơn 100 cụ già đang sống có vườn hoa rộng và đẹp nhất.
Ông Vui từng "nuốt nước mắt" khi để mất gia đình vì bệnh tật. Ảnh: Phước Tuấn.
Trong khi nhóm cụ ông ngồi trên xe lăn xúm lại xem tivi thì ông Trần Vui (77 tuổi, quê Bình Định) ngồi một mình cuối hành lang, đăm chiêu nhìn về phía Nam, nơi quê hương và hai người con gái đang sinh sống. Gia đình nhỏ của ông lập nghiệp ở vùng kinh tế mới Đăk Lăk thời ông con trai trẻ. Cuộc sống khó khăn nhưng rất hạnh phúc.
Biến cố ập đến khi ông phát hiện mang trong mình căn bệnh phong (hay còn gọi là cùi, hủi), một trong "tứ chứng nan y" cách đây gần nửa thế kỷ. Sau nhiều năm điều trị tại Quy Nhơn, ông được đưa vào trại phong Bến Sắn rồi ở đó cho đến nay.
"Vì mặc cảm cũng như sự kỳ thị của nhiều người, tôi quyết định sống cô lập ở vùng đất lạ này. Và đây có lẽ là ngôi nhà cuối cùng của tôi", ông nói. Những ngày đầu nhập trại, ông được dựng nhà làm rẫy, chăn nuôi gà vịt ở một góc nhỏ trong làng. "Hồi đầu vợ con cũng có lên thăm nhưng hơn 10 năm rồi thì không...", ông chùng giọng.
Định cư tại làng phong được vài năm, vợ ông xin phép đi bước nữa. Dù thâm tâm còn tình cảm, song vì hoàn cảnh bản thân, ông đau đớn động viên vợ tìm hạnh phúc mới cho riêng mình.
Những tháng ngày ở làng phong là những tháng ngày tâm can ông bị giằng xé. Ông nuối tiếc vì không thể ở nhà chăm sóc con cháu, không giữ được mái ấm nhỏ cho riêng mình. "Mỗi lần con cháu lên xe hoa tôi cũng muốn về lắm nhưng nghĩ lại rồi thôi, chỉ biết nằm khóc cầu mong cho người thân hạnh phúc", ông chia sẻ.
Tết đến, có người được gia đình đón về nhà, có người con cháu lên thăm, còn ông thì lâu lắm rồi không được cảm giác bên gia đình như vậy. "Tết mấy đứa con gái ở Đà Nẵng gọi điện năn nỉ tôi về quê. Muốn lắm nhưng chân tay thế này về cũng khổ cho con", ông Vui bộc bạch. Trong thâm tâm, ông luôn ao ước cuối đời có một cái Tết trọn vẹn bên con cháu.
Hai vợ chồng cụ Bích sống với nhau hơn 35 năm tại làng phong Bến Sắn. Ảnh: Phước Tuấn.
Tại khu dưỡng lão của làng, tình cảm của vợ chồng cụ ông Nguyễn Bích (91 tuổi) và cụ bà Nguyễn Thị Khánh (87 tuổi) đến từ Đà Nẵng được nhiều người đem ra kể mỗi khi có khách ghé thăm.
Vợ chồng cụ Bích vào làng phong hơn 35 năm nay. Thời còn sức khỏe, hai cụ ở với nhau trong căn nhà nhỏ cuối làng. Hàng ngày chồng làm rẫy, vợ chăn nuôi. Cách đây nửa năm, khi sức khỏe không còn đủ để nương tựa nhau, họ vào khu dưỡng lão nhờ y tá, hộ lý chăm sóc.
Cụ ông nằm cách cụ bà chừng 200 m, đi lại khó khăn nhưng một tuần ông đều cố gắng thăm bà 2-3 lần. Nhiều lúc không thấy ông, bà lại tự đi xe lăn lên phòng thăm ông.
"Có món gì ngon từ các nhà hảo tâm là ông đưa xuống cho bà cùng ăn. Thỉnh thoảng ông đẩy bà trên xe lăn ra hành lang dạo mát", chị Hồ Thị Hồng (45 tuổi, ở cạnh cụ Khánh) kể.
Hai cụ có một con gái, nhưng lâu rồi không thấy cô đến thăm.
Cụ Anh với 40 năm sống đơn độc trong làng phong Bến Sắn và chưa một lần có người thân ghé thăm. Ảnh: Phước Tuấn.
Làng phong Bến Sắn được thành lập vào năm 1959. Sau năm 1975, chính phủ giao làng phong cho Sở Y tế TP HCM quản lý, đến nay làng có 330 cư dân. Những người bệnh hoặc do gia đình đưa đến hoặc tự tìm đến một mình rồi ở đây suốt 40 năm qua. Hầu hết họ vào đây khi tuổi đời còn rất trẻ, bệnh tình khiến nhiều bộ phận cơ thể bị ăn mòn, người thân và xã hội dần xa rời họ.
"Đơn độc ư? Nó tồn tại trong mỗi chúng tôi hàng chục năm rồi nhưng có sao đâu vì chúng tôi vẫn có nhau, bên nhau mỗi ngày đó thôi", một cụ ông khảng khái.
Cụ Lê Ngọc Anh (80 tuổi, quê TP HCM) là một trong những người ở làng phong lâu nhất, trên 40 năm. Chừng ấy thời gian bà chỉ ở một mình trong ngôi nhà nhỏ và sau này là khu dưỡng lão.
Thời còn con gái, bà sống cùng ba mẹ và anh trai tại khu Chợ Lớn. Đang vào độ tuổi đẹp nhất đời người, bà phát hiện mình mang bệnh phong, rồi được đưa lên Bến Sắn điều trị cho đến nay. "Bố mẹ tôi cũng đã mất, người anh trai 84 tuổi sống ở Long An không biết thế nào, tôi chỉ coi khu dưỡng lão là điểm tựa cuối cùng của cuộc đời", bà Anh nói.
Người trẻ nhất khu dưỡng lão nữ là chị Hồng (45 tuổi, quê Nghệ An). Chị vẫn còn anh em ở quê nhưng mấy năm nay không ai vào thăm. Chiếc giường nơi chị Hồng nằm cũng là căn nhà của chị chứa đủ mọi thứ thiết yếu như: áo quần, bàn chải đánh răng, lược chải tóc và cả di ảnh người em gái cũng bị bệnh phong từng ở làng này.
"Ngày trước có người em thì hai chúng tôi ở riêng trong làng, cách đây ba năm cô ấy mất thì tôi lên khu dưỡng lão. Buồn vui cũng chỉ là cơn gió thoảng, rồi ai cũng phải chấp nhận thân phận của người cùi, nụ cười bấu víu vào những vị khách lạ ghé thăm mà thôi", chị Hồng nói.
Cùng phòng chị Hồng còn có bà Hiền, bà Nhổm, bà Nửa... cũng hơn 30 năm không một người thăm hỏi.
Sau bữa ăn chiều, hành lang khu dưỡng lão không còn tiếng cười nói của các cụ, ai cũng đã chọn cho mình chiếc giường để yên giấc. Trong giấc ngủ, họ gợi lên trong đầu khát khao ngày mai sẽ có người thân ghé thăm.
Theo yêu cầu của nhiều độc giả, VnExpress xin cung cấp địa chỉ ủng hộ cho chương trình "Chung tay chở Tết về gần", với mục tiêu tặng tối thiểu 1.000 phần quà Tết cho những người già neo đơn tại các trại phong, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. |
Những "trại phong" đóng băng ký ức Trong thế giới bị cô lập của những cơ sở điều trị bệnh phong, hàng chục năm qua, những bệnh nhân cuối cùng vẫn tồn ... |
Phận già cô đơn trong trại phong bỏ hoang ở Hà Nội 19 tuổi bị mắc bệnh phong, bị cả xã hội xa lánh, cuộc đời cụ Lê Thị Liên (81 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) là ... |