Được cho là chìa khóa tiềm năng để giải bài toán biến đổi khí hậu nhưng công nghệ "Geoengineering" lại gây chia rẽ lớn trong cộng đồng khoa học.

Càng hiểu hơn về Trái đất, các nhà khoa học càng nhận ra rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu hiếm khi diễn ra một cách từ từ. Nó có xu hướng xảy ra đột ngột và không thể đảo ngược khi đạt đến “điểm tới hạn”, và các nhà khoa học không thể chắc chắn 100% điểm tới hạn đó nằm ở đâu.

Tuy nhiên, sự đồng thuận gần nhất của các nhà khoa học là chấp nhận nhiệt độ trung bình toàn cầu nóng hơn 1,5 độ C so với nhiệt độ thời tiền công nghiệp.

Năm 2015, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu đã đặt ra mục tiêu duy trì mức nhiệt độ tăng dưới 1,5 độ C ít nhất là cho tới thập niên 2030, nhưng chúng ta vừa có năm đầu tiên (2023) vượt qua ngưỡng đó.

Nhân loại đã ở trong vùng nguy hiểm và rất có thể sẽ ở nguyên mức này, khi nhiệt độ 10 tháng vừa qua đã đạt mức kỷ lục. Đây có lẽ là lúc để cân nhắc một công nghệ được chú ý bấy lâu nay - "Geoengineering".

Vì sao bị phản đối?

Geoengineering là tập hợp các công nghệ được cho là có khả năng thao túng môi trường và giảm thiểu một số tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Nhưng nhiều người, kể cả một số nhà khoa học, phản đối việc thử nghiệm chúng. “Đó là một thứ vô nghĩa và nguy hiểm”, Hans Schellnhuber, một nhà khoa học khí hậu nổi tiếng người Đức, từng phát biểu vào năm 2008.

Ông đưa ra nhiều nhận định. Thứ nhất, sẽ rất khó để các chính phủ đồng thuận với loại phương án này. Thứ hai, sẽ có rất nhiều tác dụng phụ nguy hiểm mà chúng ta chưa hiểu rõ.

Geoengineering gồm các kỹ thuật điều tiết mức bức xạ Mặt trời tiếp cận mặt đất và đại dương (Ảnh: GBRF)

Geoengineering gồm các kỹ thuật điều tiết mức bức xạ Mặt trời tiếp cận mặt đất và đại dương (Ảnh: GBRF)

Quan điểm của Tiến sĩ Schellnhuber về việc nghiên cứu Geoengineering không phải là hiếm vào thời điểm đó. Khi công ước khung Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu có hiệu lực từ năm 1994, hầu hết mọi người đều cho rằng vấn đề có thể và sẽ được giải quyết chỉ bằng cách cắt giảm khí thải.

Cắt giảm khí thải là cách duy nhất hiện nay để ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng quá cao (ví dụ, cao hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp - mục tiêu “không bao giờ vượt quá” đã được thống nhất hiện nay) thì mọi thứ đã quá muộn. Tới lúc đó, mục tiêu giảm khí thải càng trở nên xa vời.

Trong trường hợp đó, Geoengineering trở thành phương án khả dĩ. Hai phương pháp hứa hẹn nhất hiện tại là phun khí dung (sol khí) vào tầng bình lưu và tăng sáng mây đại dương. Cả hai phương án hoạt động trên nguyên lý làm giảm bức xạ Mặt trời tiếp cận mặt đất và đại dương.

Việc phun khí dung vào tầng bình lưu sẽ đưa sulfur dioxide vào tầng này, tương tự cách những ngọn núi lửa lớn phun trào. Còn kỹ thuật tăng sáng mây đại dương hoạt động theo cách phun ra hàng nghìn tỷ giọt nước biển nhỏ trên bề mặt đại dương từ các tàu không người lái được điều khiển bằng vệ tinh. Sự đối lưu mang số nước này lên những đám mây thấp và làm chúng dày lên để phản chiếu ánh sáng Mặt trời lại vào không gian. 

Đó là trên lý thuyết, còn thực tế, gần đây Đại học Harvard đã phải kết thúc một dự án nghiên cứu Geoengineering sau nhiều năm không thành công.

 

Nhà nghiên cứu chính, Frank Keutsch từ Harvard, cho biết họ “không còn theo đuổi thí nghiệm nữa" từ hồi tháng 3. Được biết đến với cái tên SCoPEx, viết tắt của “thí nghiệm nhiễu loạn có kiểm soát ở tầng bình lưu”, dự án tập trung vào kỹ thuật phun khí dung.

Một bên, những người ủng hộ nghiên cứu Geoengineering cho rằng các nhà khoa học nên khám phá tất cả các hướng có thể để giải quyết tình trạng nhiệt độ tăng nhanh của hành tinh. Ở phía ngược lại, các nhà khoa học cảnh Geoengineering có thể gây ra nhiều tác dụng phụ ngoài ý muốn, bao gồm tác động tiêu cực đến tầng ozone của Trái đất hoặc các kiểu thời tiết.

Minh họa đơn giản nguyên lý của việc phun khí dung làm giảm bức xạ Mặt trời. (Ảnh: DeepLearningAI)

Minh họa đơn giản nguyên lý của việc phun khí dung làm giảm bức xạ Mặt trời. (Ảnh: DeepLearningAI)

Các chuyên gia cũng cảnh báo công nghệ này nếu được bắt đầu trên quy mô lớn, sẽ khó dừng lại một cách an toàn. Hầu hết các sol khí phản chiếu ảnh sáng không tồn tại lâu trong khí quyển, nghĩa là chúng cần được phun liên tục để duy trì việc làm mát hành tinh.

Nếu việc phun khí sol đột ngột dừng lại, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng vọt nhanh đến mức đe dọa sự sống Trái đất - một hiện tượng được các chuyên gia gọi là “cú sốc chấm dứt”.

Keutsch cho biết ông cảm thấy đã đến lúc "tập trung vào các hướng nghiên cứu sáng tạo khác" trong lĩnh vực này. Năm 2021, các nhà nghiên cứu Harvard lên kế hoạch thực hiện một trong những thử nghiệm đầu tiên tại thành phố Kiruna, Thụy Điển ở gần Bắc Cực. Tuy nhiên, nhóm đã đình chỉ kế hoạch của mình vì vấp phải sự phản đối của các nhóm môi trường và cộng đồng bản địa trong khu vực.

Các tác dụng phụ tiềm ẩn của địa kỹ thuật vẫn chưa được hiểu rõ và hầu hết các nghiên cứu khoa học về kết quả của nó đều mang tính lý thuyết và thường được thực hiện với sự trợ giúp của các mô hình máy tính.

Giới phê bình ngày càng nêu lên nhiều mối lo ngại về nhu cầu quản lý và giám sát các thử nghiệm thực địa về Geoengineering. Năm 2022, công ty công nghệ khí hậu Make Sunsets bắt đầu thả những quả bóng bay thời tiết chứa đầy sulfur dioxide ở bang Baja California của Mexico.

Hoạt động này vấp phải sự lo ngại và phẫn nộ rộng rãi. Cuối cùng công ty khởi nghiệp trên phải tuyên bố ngừng hoạt động ở Mexico sau khi chính phủ nước này cấm hoạt động Geoengineering.

Khi Geoengineering là lựa chọn cuối cùng

Bất chấp những tranh cãi, một số nhà khoa học hàng đầu vẫn tiếp tục thận trọng ủng hộ việc thực hiện nhiều nghiên cứu hơn, miễn là nó được quản lý chặt chẽ. Vấn đề đáng lo nhất hiện nay là kể cả khi những người phản đối thay đổi ý kiến về công nghệ này, việc áp dụng có thể đã quá muộn.

Sẽ phải mất nhiều năm để thiết lập và vận hành một trong hai kỹ thuật trên quy mô lớn. Vì vậy nhân loại sẽ gặp thế khó thực sự nếu Trái đất đạt đến điểm tới hạn sớm và nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng vọt, nhất là khi 2023 vừa là năm nóng nhất trong 100.000 năm qua.

Nhiệt độ trung bình toàn cầu hiện nóng hơn 0,2 độ C so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xu hướng nóng lên toàn cầu trong 50 năm trước đó là 0,18 độ C mỗi thập kỷ, thông tin xác nhận từ một nghiên cứu trên tạp chí Nature năm 2022.

Gavin Schmidt, giám đốc Viện Nghiên cứu Vũ trụ Goddard của NASA, cho biết có thể chúng ta đã đạt đến điểm tới hạn sớm: “Nếu các hiện tượng bất thường không trở về mức ổn định vào tháng 8 này, thì thế giới sẽ ở trạng thái chưa từng biết tới”.

Trong một phát biểu gần đây, tiến sĩ Schellnhuber - Tổng Giám đốc của Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế ở Áo cho biết: “Tôi nghĩ cuối cùng, nếu tôi có quyền quyết định, và phải quyết định có tiến hành geoengineering hay không, khi chúng ta đã mất hết mọi khả năng khác, thì có lẽ tôi sẽ miễn cưỡng nói, 'Được rồi, làm đi'".

https://vtcnews.vn/tuong-lai-bat-dinh-cua-cong-nghe-lam-mat-hanh-tinh-ar865018.html

THẠCH ANH(Nguồn: theglobeandmail.com) / VTC News