6 năm và 7 đời Tổng thống, nhiệm kỳ đôi khi chỉ tính bằng tháng, Peru đang trở thành tâm điểm tại khu vực Mỹ Latin, đáng buồn, sự chú ý đó lại đổ dồn vào vòng xoáy bất ổn chính trị kéo dài chưa lối thoát tại quốc gia này.

Quốc hội Peru ngày 7/12 (giờ địa phương) bỏ phiếu phế truất Tổng thống Pedro Castillo, với 101 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 10 phiếu trắng. Cảnh sát Quốc gia Peru ngay sau đó đã thi hành lệnh bắt giữ Tổng thống Castillo và cựu Thủ tướng Anibal Torres.

Hai chính trị gia này đã được đưa về trụ sở cơ quan an ninh ở thủ đô Lima với sự chứng kiến của Tổng Công tố Patricia Benavides. Sau khi ông Castillo bị phế truất vài giờ, Phó Tổng thống Dina Boluarte đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời tại trụ sở Quốc hội.

Cơ quan lập pháp Peru đã lên lịch bỏ phiếu luận tội vào tuần trước sau khi cựu Tổng thống Peru đe dọa giải tán cơ quan này. Chỉ vài giờ trước cuộc bỏ phiếu ngày 7/12, ông Castillo tuyên bố giải tán Quốc hội và thành lập chính phủ khẩn cấp để điều hành bằng sắc lệnh, đồng thời áp đặt lệnh giới nghiêm quốc gia ngay lập tức cũng như kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử lập pháp mới. Tuy nhiên, hành động của nhà lãnh đạo này đã bị Tòa án Hiến pháp, Tòa án Tối cao, Cơ quan bảo vệ nhân dân và nhiều nghị sĩ Peru kịch liệt phản đối, coi đây là một nỗ lực "đảo chính". Quyết định này cũng khiến ông Castillo mất đi sự ủng hộ của hầu hết các thành viên nội các, trong đó có Thủ tướng Betssy Chavez mới được ông bổ nhiệm, Ngoại trưởng Cesar Landa và Bộ trưởng Kinh tế Kurt Burneo. Cùng với đó, quân đội và cảnh sát Peru cũng ra tuyên bố bày tỏ lập trường cương quyết bảo vệ trật tự hiến pháp.

Tương lai bất định của Peru sau
Cảnh sát và người biểu tình bên ngoài Tòa nhà Quốc hội Peru sau khi ông Castillo bị phế truất. Ảnh Reuters.

Theo giới phân tích, ngay từ khi bắt đầu, nhiệm kỳ của ông Castillo được cho là sẽ "không kéo dài". Chuyên gia phân tích chính trị Fliavia Freidenberg từ Trung tâm theo dõi cải cách chính trị Mỹ Latin (Mexico) cho biết ông Castillo lên nhậm chức vào thời điểm sự ủng hộ thấp, không có một đảng chính trị nào chống lưng và đến cả việc thành lập nội các của ông cũng gặp nhiều trắc trở, thành lập xong cũng thường xuyên thay đổi nhân sự. Cựu Tổng thống Peru và nội các cũng nhiều lần đối đầu với Quốc hội. Phó Chủ tịch tổ chức Hội đồng các nước châu Mỹ Eric Farnsworth nhận định ông Castillo "thất bại trong việc đoàn kết dân tộc, không thực sự nắm trong tay quyền lực và cũng không thể thúc đẩy các chính sách vì lợi ích của đa số người dân mà thay vào đó, lại bị lôi kéo vào các âm mưu, tham nhũng và các cuộc chiến với Quốc hội".

Trong khoảng hơn một năm nắm quyền, ông Castillo đã phải thay đổi và bổ nhiệm tới 5 Thủ tướng và liên tục vướng phải những cuộc xung đột với cơ quan lập pháp. Chính trị gia này "sống sót" sau hai lần bị luận tội lần lượt vào tháng 12/2021 và tháng 3/2022, khi đa số trong Quốc hội không tán thành động thái nhằm phế truất ông. Để luận tội một tổng thống, cần ít nhất hai phần ba trong số 130 nhà lập pháp trong Quốc hội Peru đồng ý.

Kể từ năm 2016, Peru chìm trong các cuộc khủng hoảng chính trị. Quốc hội và Tổng thống lần lượt cố bãi nhiệm lẫn nhau. Tổng thống Martin Vizcarra từng giải tán Quốc hội Peru vào năm 2019 và yêu cầu tổ chức cuộc bầu cử mới. Quốc hội mới đã bãi nhiệm ông Vizcarra vào năm 2020. Tổng thống Manuel Merino sau đó có nhiệm kỳ chưa đến một tuần. Tổng thống kế nhiệm Francisco Sagasti nắm quyền được 9 tháng trước khi ông Castillo tiếp quản.

Phản ứng trước những diễn biến trên chính trường Peru, các quốc gia ở khu vực Mỹ Latin đã bày tỏ lo ngại, kêu gọi các bên đối thoại, tránh gây phức tạp tình hình, bảo vệ nền dân chủ và tôn trọng hiến pháp. Cuộc họp thượng đỉnh Liên minh Thái Bình Dương giữa lãnh đạo các nước Mexico, Colombia, Peru và Chile, dự kiến diễn ra vào ngày 14/12 tại thủ đô Lima của Peru, vừa bị hoãn do khủng hoảng chính trị nghiêm trọng tại nước này. Thông báo được Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard đưa ra ngày 7/12, trong đó nêu rõ "Mexico chia sẻ với những biến cố xảy ra tại Peru" và khẳng định Mexico sẵn sàng dành cho Tổng thống Peru quy chế tị nạn nếu ông này có nhu cầu.

Sau cú "ngã ngựa" của ông Castillo, Phó Tổng thống Dina Boluarte nhậm chức Tổng thống lâm thời, trở thành nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước này. Trong bài phát biểu đầu tiên của mình sau khi nhậm chức, bà Boluarte kêu gọi ngưng xung đột chính trị "để thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc", chống tham nhũng, điều mà bà cho là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của người tiền nhiệm. Theo nhà phân tích chính trị Freidenberg, việc bà Boluarte lên nhậm chức có thể là một "dấu hiệu của hy vọng", "cơ hội hiếm hoi để chứng tỏ khả năng lãnh đạo của một người phụ nữ tại đất nước Peru, vốn được biết là coi thường, phân biệt đối xử phái yếu". Tuy nhiên, cũng giống như ông Castillo, bà Boluarte lên nắm quyền khi không thực sự có nhiều ủng hộ và không có đảng chính trị.

Vấn đề lớn nhất đối với Tổng thống lâm thời Peru là xử lý người tiền nhiệm như thế nào. Nhiều người đặt câu hỏi liệu ông Castillo có bị xét xử hay sẽ được phép xin tị nạn ở nước khác. Thêm vào đó, trên đường phố vẫn diễn ra những cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát chống bạo động. Nắm bắt được nguyện vọng của đa số người dân cũng là nhiệm vụ quan trọng nhưng không hề dễ dàng đối với bà Boluarte. Có thể nói, trước mắt vẫn còn muôn vàn khó khăn đối với vị nữ Tổng thống lâm thời Peru, không ai có thể khẳng định liệu nhiệm kỳ của bà có thể tình bằng tháng như những người tiền nhiệm hay không.

 https://cand.com.vn/the-gioi-24h/tuong-lai-bat-dinh-cua-peru-sau-cu-nga-cua-tong-thong-castillo-i677084/

Duy Tiến / Công an nhân dân